SỰ CẦN THIẾT ỨNG DỤNG KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
Kinh
tế tuần hoàn và du lịch bền vững được đề cập khá lâu tại Việt Nam. Gần
đây, khái niệm kinh tế tuần hoàn được nhắc đến nhiều hơn trong nhiều
lĩnh vực, trong đó có du lịch. Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội
thời gian qua cho thấy, phát triển gắn với kinh tế tuần hoàn là hướng đi
cần thiết để bảo đảm hạn chế các tác động tiêu cực về môi trường đang
ngày càng gia tăng và tăng hiệu quả các hoạt động kinh tế, và phát triển
kinh tế tuần hoàn trong hoạt động du lịch cũng nhằm vào các mục tiêu
ấy.
Việt
Nam là quốc gia đang phát triển, đối mặt với vấn đề suy giảm tài nguyên
và gia tăng chất thải từ sản xuất và sinh hoạt. Các hoạt động sản xuất
và đời sống người dân tạo ra một lượng rác thải khổng lồ khiến Việt Nam
thuộc nhóm 20 quốc gia có lượng rác thải cao nhất thế giới và cao hơn
mức trung bình của thế giới, “mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu
tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn
trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế,
tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp”(1).
Hiện nay, tại nhiều
khu vực nông thôn, vấn đề xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải từ sản
xuất nông nghiệp dù được quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực
tế và chưa bảo đảm các yếu tố về môi trường. Tại các đô thị, dù rác thải
được thu gom tốt hơn so với khu vực nông thôn, nhưng lượng rác thải
tăng nhanh chóng (dự kiến năm 2025 khoảng 22 triệu tấn). Trong khi đó,
các phương pháp xử lý như, chôn, lấp, đốt không bảo đảm công suất xử lý
và tính an toàn cho môi trường. Cùng với đó, nhận thức của người dân về
việc xử lý đúng cách, tái chế và giảm thiểu rác thải chưa được phổ biến.
Vì vậy, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thiểu rác thải là vấn đề
cấp bách và bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn
sẽ là giải pháp tiềm năng để giải quyết vấn đề này.
Việc
quản lý rác thải ở các khu du lịch và địa phương du lịch ở Việt Nam vẫn
chưa hiệu quả và đang gặp nhiều thách thức khi không thể quản lý hành
động xả rác và sử dụng lãng phí tài nguyên của khách du lịch. Nhận thức
của doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động du lịch và chính quyền địa
phương về kinh tế tuần hoàn trong du lịch còn chưa được rõ nét. Các vấn
đề về môi trường và xử lý rác thải do du lịch tạo ra có thể được quan
tâm, nhưng bản chất của ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong du lịch dường
như còn khá mơ hồ ở số đông. Vì lợi ích kinh tế, có thể khiến doanh
nghiệp chưa hào hứng ứng dụng kinh tế tuần hoàn, trong khi đó, nhu cầu
du lịch giá rẻ vẫn chiếm chủ đạo thay vì du lịch bền vững và du lịch có
gắn với kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, cách ứng dụng kinh tế tuần hoàn
trong du lịch đôi khi mang tính hình thức và tốn kém, việc sử dụng những
giải pháp tuần hoàn không phù hợp khiến các bên liên quan cảm thấy chưa
hứng thú với việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động của mình.
Hơn thế nữa, khách du lịch phần lớn chưa ý thức được trách nhiệm môi
trường với cộng đồng nơi họ đến du lịch mà đa số chỉ đến sử dụng các sản
phẩm du lịch một cách thoải mái, không tiết kiệm tài nguyên và tăng
lượng rác thải.
Thực
trạng trên đòi hỏi việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản
xuất kinh tế nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng ngày càng cấp
bách. Ứng dụng kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu rác thải thông qua
việc tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và tối ưu tái chế rác thải, từ đó
giảm lượng rác thải cần xử lý, bảo vệ các yếu tố của môi trường, nâng
cao hiệu quả sản xuất. Vì vậy, việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn có thể
giúp giảm thiểu tác động của du lịch đến môi trường. Bên cạnh đó, kinh
tế tuần hoàn có thể giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm du
lịch bằng cách sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn, điều này có
thể giúp tăng giá trị của sản phẩm du lịch và tạo ra lợi ích kinh tế
cho cộng đồng địa phương. Kinh tế tuần hoàn có thể giúp tăng cường khả
năng thích ứng của cộng đồng địa phương trước những thách thức kinh tế
và môi trường cũng như giúp nâng cao nhận thức của khách du lịch về môi
trường, giảm thiểu chi phí cho du lịch cũng như tạo ra trào lưu du lịch
bền vững, du lịch xanh, du lịch hướng đến môi trường.
Phát
triển du lịch gắn với kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia trên thế
giới thực hiện thành công và mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế
và môi trường. Ví dụ, Hà Lan là một trong những quốc gia tiên phong
trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành du lịch. Thành phố
Am-xtéc-đam của Hà Lan đã thiết lập một hệ thống quản lý rác thải hiệu
quả bằng cách tách biệt rác hữu cơ và rác không hữu cơ, sử dụng kỹ thuật
tái chế để xử lý rác thải. Thụy Điển cũng là một quốc gia tương tự.
Khách sạn và nhà hàng tại Thụy Điển đều sử dụng các vật liệu tái chế và
thực hiện hoạt động tái chế để giảm lượng rác thải. Đức là một trong
những quốc gia có tiêu chuẩn về quản lý rác thải nghiêm ngặt nhất trên
thế giới, trong ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng thường sử dụng vật
liệu tái chế và thực hiện hoạt động tái chế để giảm lượng rác thải.
KINH TẾ TUẦN HOÀN - ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC VÀ XUYÊN SUỐT TẠI VIỆT NAM
Kinh
tế tuần hoàn và phát triển bền vững có mục tiêu chung là bảo đảm sự bền
vững của hệ thống kinh tế và môi trường. Kinh tế tuần hoàn có thể đóng
góp vào phát triển bền vững bằng cách giảm thiểu lãng phí tài nguyên,
tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm tác động đến môi trường và tạo ra
các giá trị kinh tế mới. Tuy nhiên, để đạt được phát triển bền vững,
cần có một chiến lược toàn diện và hệ thống chính sách hỗ trợ, bao gồm
các biện pháp pháp lý, kinh tế, môi trường và xã hội để bảo đảm rằng
kinh tế và môi trường được phát triển một cách cân bằng và bền vững.
Thời
gian qua, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách và kế hoạch định hướng
phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của chất thải đến
môi trường. Các hoạt động và chính sách này bao gồm việc phát triển
công nghệ tái chế, khuyến khích tái sử dụng sản phẩm, đầu tư hệ thống xử
lý chất thải hiệu quả, và tăng cường quản lý chất thải từ nguồn gốc.
Việt Nam đã cam kết tham gia vào các điều ước quốc tế về môi trường, như
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Hiệp định Basel về quản lý chất
thải nguy hiểm.
Nhiều nội dung của kinh tế tuần hoàn được đề cập trong các chỉ đạo của Đảng(3).
Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều
văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm định hướng về môi trường, trong
đó có kinh tế tuần hoàn(4)... Đặc biệt, việc ban hành Quyết
định số 687/QĐ-TTg, ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt
Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” đã khẳng định kinh tế
tuần hoàn là một chính sách lớn, có tính chiến lược và xuyên suốt tại
Việt Nam.
Đề
án trên xác định mục tiêu chung của phát triển kinh tế tuần hoàn như
sau: Phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo
và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn
với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng
cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành
kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh
nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần
đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về
xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào
mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Để
triển khai đề án, Chính phủ và các địa phương cần có những bước thực
hiện tiếp theo, nhất là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ứng
dụng kinh tế tuần hoàn và giải pháp về các mô hình thí điểm. Điều 139,
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/1/2022 của Chính phủ “Quy định chi
tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường” đã chỉ ra các định hướng,
giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn, bao gồm tuyên truyền, giáo dục,
đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, pháp luật; phát triển khoa học và
công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng kỹ thuật; kết
nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu; huy động các nguồn vốn; hợp tác quốc tế
và các giải pháp khác.
Cũng tại văn bản này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch được quy định có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định về bảo vệ
môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; phát triển cơ
sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch thân thiện môi trường.
Đối
với du lịch bền vững, một số văn bản của Trung ương đã định hướng chính
sách này từ khá lâu và trở thành quan điểm xuyên suốt của phát triển du
lịch Việt Nam: Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số
08-NQ/TW về "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”,
trong đó nhấn mạnh đến quan điểm phát triển du lịch bền vững; Luật Du
lịch Việt Nam năm 2017 quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển ngành
du lịch, trong đó bao gồm cả các biện pháp để thúc đẩy du lịch bền vững;
Kế hoạch hành động quốc gia về du lịch bền vững đến năm 2020 và tầm
nhìn đến năm 2030 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển du lịch
bền vững và đề xuất các biện pháp để đạt được mục tiêu này; Chiến lược
phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh: Phát triển du lịch
bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc
đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần hình thành cơ cấu
kinh tế hiện đại.
Tuy
vậy, văn bản cũng chưa đề cập kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực du lịch
như một giải pháp phát triển du lịch bền vững. Trong thời gian tới, các
cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng cần có những kế hoạch cụ thể về
phát triển du lịch gắn với kinh tế tuần hoàn nhằm cụ thể hóa các nội
dung của Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong lĩnh vực du
lịch vì các mục tiêu môi trường và hiệu quả kinh doanh.
Nghệ thuật tái sinh từ gỗ củi lũ. (Nguồn: nhiepanhdoisong.vn)
MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM
Để
phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam dựa trên tiếp cận từ nền kinh
tế tuần hoàn, một số giải pháp dưới đây có thể được xem xét triển khai:
Thứ nhất, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch bền vững dựa trên nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, có thể phát triển các sản phẩm du lịch bền
vững dựa trên nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn, bao gồm việc sử dụng
các nguyên liệu tái chế hoặc các nguồn tài nguyên tái tạo để sản xuất
các sản phẩm và dịch vụ du lịch. Ví dụ, tại các điểm du lịch và cơ sở
lưu trú, sử dụng các loại đồ nội thất và trang thiết bị như bình nước,
ly sứ được làm từ chất liệu tái chế hoặc sử dụng nguyên vật liệu tái tạo
như gỗ, tre, sợi bông tổng hợp thay vì sử dụng các vật liệu độc hại sẽ
giúp giảm thiểu tác động của ngành du lịch đến môi trường.
Các nguồn
năng lượng tái tạo có nguồn gốc tự nhiên, như năng lượng từ gió, ánh
sáng mặt trời, thủy triều... có thể được ứng dụng tốt trong việc cung
cấp năng lượng vận hành cho các cơ sở lưu trú du lịch.
Các công nghệ
tiên tiến như ứng dụng năng lượng tái tạo và các thiết bị tiết kiệm năng
lượng cũng có thể được áp dụng trong các cơ sở lưu trú và dịch vụ du
lịch để giảm thiểu lượng khí thải và tác động bất lợi đến môi trường.
Thậm chí, các sản phẩm là các tour du lịch mới dựa trên các nguồn năng
lượng tái tạo (chẳng hạn như du lịch tham quan cánh đồng, nhà máy điện
gió) hay du lịch nhặt rác, du lịch trồng cây cũng có thể được khai thác
hiệu quả vừa gia tăng lựa chọn và nâng cao trải nghiệm cho khách du
lịch, vừa góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường.
Thứ
hai, xây dựng hệ thống quản lý rác thải hiệu quả tại các điểm đến du
lịch, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải và nước thải.
Đây là giải pháp quan trọng để giảm thiểu tác động của hoạt động du
lịch đến môi trường. Việc phân loại và tái chế rác thải không chỉ giúp
giảm thiểu lượng rác thải được đưa vào môi trường, mà còn giúp tăng tính
khả thi và hiệu quả kinh tế cho các hoạt động du lịch.
Việc triển khai
chính sách quản lý rác thải tại các khu du lịch cũng cần được kết hợp
với nỗ lực tăng cường nhận thức và thói quen của người dân địa phương,
khách du lịch và các nhà quản lý để đạt được hiệu quả tối đa. Bên cạnh
đó, cải thiện và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý nước thải và
rác thải là một cách hiệu quả để giảm thiểu tác động của ngành du lịch
đến môi trường.
Thứ
ba, tăng cường tuyên truyền và giáo dục cho các cộng đồng địa phương và
khách du lịch về việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong du lịch.
Từ đó thúc đẩy ý thức và hành động bảo vệ môi trường. Khuyến khích các
hành vi du lịch có trách nhiệm, bao gồm việc sử dụng các phương tiện
giao thông công cộng và xe đạp để giảm thiểu khí thải ô nhiễm hay khuyến
khích sử dụng các đồ dùng cá nhân thân thiện với môi trường, hạn chế
các vật dụng làm từ nhựa hay nilon; sử dụng tiết kiệm các nguồn năng
lượng, như điện, nước tại nơi lưu trú và các điểm tham quan.
Khách du
lịch và cộng đồng địa phương là những nhân tố không thể thiếu trong việc
duy trì và phát triển vòng tuần hoàn trong kinh tế du lịch. Việc thúc
đẩy và giáo dục cho cộng đồng địa phương và khách du lịch về ứng dụng
kinh tế tuần hoàn trong du lịch có thể tăng cường ý thức và hành động
bảo vệ môi trường của họ. Điều này có thể đạt được thông qua các chiến
dịch thông tin và giáo dục hiệu quả, cùng với việc cung cấp kết cấu hạ
tầng và tiện nghi phù hợp cho các hoạt động du lịch bền vững và có trách
nhiệm.
Thứ
tư, tăng cường sự hợp tác giữa các bên liên quan về kinh tế tuần hoàn
trong du lịch hướng đến vai trò chủ thể cộng đồng trong kinh tế tuần
hoàn.
Kinh tế tuần hoàn trong kinh
tế nói chung và du lịch nói riêng yêu cầu sự hợp tác giữa các bên liên
quan để tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng. Việc áp dụng kinh
tế tuần hoàn trong phát triển du lịch bền vững có thể thúc đẩy sự hợp
tác giữa các cộng đồng địa phương, doanh nghiệp du lịch, các tổ chức bảo
vệ môi trường và chính phủ,... Do đó, cộng đồng địa phương cần đóng góp
ý tưởng và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch độc đáo và thu hút
khách hàng, trong khi doanh nghiệp du lịch có thể đưa ra các giải pháp
kinh doanh mới và hợp tác với cộng đồng địa phương để tạo ra lợi ích cho
cả hai bên. Các tổ chức bảo vệ môi trường có thể đưa ra các giải pháp
bảo vệ môi trường và bảo đảm sự cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và
bảo vệ môi trường. Chính phủ có thể đưa ra chính sách và quy định để hỗ
trợ phát triển du lịch bền vững và bảo đảm sự phát triển đồng đều trên
toàn quốc.
Các
định hướng giải pháp trên có thể giúp tăng tính bền vững của ngành du
lịch Việt Nam, đồng thời giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi
trường và cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, việc áp dụng kinh tế tuần
hoàn trong phát triển du lịch bền vững cần sự đồng thuận và hợp tác từ
doanh nghiệp du lịch, chính quyền địa phương và cộng đồng cũng như khách
du lịch và các bên liên quan khác để đạt được hiệu quả tối đa.
Áp
dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam
có thể giúp giảm thiểu tác động của du lịch đến môi trường, tăng cường
giá trị kinh tế của sản phẩm du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch bền
vững, tăng cường sự hợp tác giữa các bên liên quan, tạo ra lợi ích kinh
tế cho các cộng đồng địa phương, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh
nghiệp du lịch và tăng cường trải nghiệm du lịch cho khách du lịch. Đây
thực sự là một chính sách tiềm năng cần được các cơ quan quản lý nhà
nước về du lịch quan tâm xứng đáng trong bối cảnh gia tăng rác thải tại
Việt Nam nói chung và rác thải du lịch nói riêng./.
PGS. TS. NGUYỄN THỊ VÂN HẠNH - TRẦN TUYÊN
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh