Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao năng suất, giảm chi phí, tổn thất sau thu hoạch, giải phóng sức lao động cho người nông dân... Tuy nhiên, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ Hà Nội cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các hộ tiếp cận với cơ giới hóa, đặt mục tiêu đến năm 2025 những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 877 máy gặt đập liên hợp... Lúa sản xuất theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ, không chỉ tăng năng suất, mà còn giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 2-3%, bảo đảm tính thời vụ.
Ông Lê Xuân Túc, Giám đốc Hợp tác xã Phú Phong (xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên) cho hay, vụ Xuân này, hợp tác xã gieo cấy 350 mẫu lúa, 100% diện tích lúa xuân trên địa bàn xã được áp dụng cơ giới hóa toàn phần từ làm đất, cấy máy... Chỉ 2-3 ngày sau ra quân sản xuất đầu năm, địa phương hoàn thành gieo cấy trước khung thời vụ. Nhiều năm qua, Nam Phong là một trong những xã có tỷ lệ cấy máy cao của Phú Xuyên, đạt 90-100% diện tích mỗi vụ, năng suất lúa luôn duy trì trên 60 tạ/ha/vụ.
Chị Nguyễn Thị Nụ ở xã Nam Phong cho biết, gia đình cấy hơn 7 mẫu lúa mỗi vụ. Nhờ cơ giới hóa từ làm đất, cấy máy, gặt máy, đến phun thuốc bảo vệ thực vật cũng dùng máy bay không người lái, nên làm nông hiện nay bớt vất vả hơn trước nhiều. Vì vậy, đồng ruộng tươi tốt quanh năm, không bị bỏ bỏ hoang. Ngoài ra, thời gian nông nhàn nhiều nên mọi người có thể làm thêm các nghề phụ giúp nâng cao thu nhập cho gia đình.
Tại Ba Vì, ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì cho biết, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Vì ngày càng cao; trong đó khâu làm đất đạt gần 99%, tưới tiêu nước chủ động gần 100%, khâu chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đạt 95%, khâu thu hoạch lúa 98%, khâu vận chuyển đạt 91%. Nhờ đó, đã góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân, gia tăng hiệu quả kinh tế.
Hiệu quả từ việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất là rất rõ rệt, nhưng người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với máy móc hiện đại. Bởi vì giá thành của máy móc thiết bị nông nghiệp khá cao do chủ yếu là hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc lớn vào thiên nhiên, mang tính rủi ro cao, nên chưa thu hút được các hộ tham gia vào quá trình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp…
Để giải quyết khó khăn cho người dân, theo ông Hoàng Văn Quỳ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hòa (huyện Quốc Oai), Nhà nước cần hỗ trợ cho các địa phương thành lập trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu; tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho nông dân sử dụng máy móc, thiết bị, cách sửa chữa máy cấy... Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã trong giải quyết thủ tục hành chính để được hưởng chính sách tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì cho rằng, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mới chỉ ở một số khâu và áp dụng với một số sản phẩm chủ lực. Công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong sản xuất, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch của một số ngành hàng còn cao... Để thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hóa; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh, thương mại tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức), để người làm nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng bám đồng ruộng, sản xuất có lãi thì cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm mạ, cấy, chăm sóc đến thu hoạch gắn với bộ giống lúa chất lượng cao là đòi hỏi tất yếu.
Thực tế đã có nhiều hợp tác xã làm tốt vai trò cung ứng dịch vụ cơ giới hóa, như làm đất, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc lúa, cây ăn quả từ các máy nông nghiệp chuyên dụng. Từ đó, nông dân không còn phải lao động tay chân vất vả, chính quyền địa phương không phải lo đồng ruộng bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai...
Đến năm 2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Cụ thể, cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%, khâu gieo cấy 15%, khâu chăm sóc 60%, khâu thu hoạch 95%...
Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố Hà Nội hỗ trợ các tổ chức, gia đình, cá nhân 100% phí quản lý khi mua các loại máy, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua hợp đồng vay vốn của Quỹ Khuyến nông thành phố và 100% lãi suất vay theo hợp đồng vay vốn./.
Theo TTXVN