Thứ Hai, 14/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 5/2/2015 10:59'(GMT+7)

Kinh tế Việt Nam - Thách thức và cơ hội từ giá dầu thô thấp

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khai thác dầu thô ở mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Phú Quý/QĐND).

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khai thác dầu thô ở mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Phú Quý/QĐND).

Nỗi lo thất thu ngân sách

Các chuyên gia kinh tế có chung nhận định rằng, diễn biến giá dầu thô là yếu tố chi phối lớn nhất đến kinh tế Việt Nam trong năm 2015. Mới đây, trong cuộc họp bàn để thống nhất phương án ứng phó với tình hình giá dầu thô thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều kịch bản giá dầu, trong đó có cả kịch bản giá dầu xuống còn 40USD/thùng.

Ngành bị ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp nhất của việc giảm giá dầu thô là ngành dầu khí. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, tập đoàn đã tự xây dựng phương án cho các chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện trong năm 2015. Theo đó, nếu giá dầu là 100USD/thùng thì tổng doanh thu toàn PVN sẽ đạt hơn 718.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 159.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở tình huống xấu nhất, nếu giá dầu xuống mức 40USD/thùng thì tổng doanh thu của tập đoàn sẽ chỉ còn 434.500 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 79.800 tỷ đồng. Như vậy, từ kịch bản tốt nhất, đến kịch bản xấu nhất thì doanh thu của PVN giảm tới 283.500 tỷ đồng và đóng góp ngân sách giảm 79.200 tỷ đồng. Để đối phó với giá dầu thấp, PVN sẽ tính toán đến hiệu quả khai thác của từng mỏ, mỏ nào giá thành khai thác quá cao sẽ tạm ngừng. Cùng với đó, PVN sẽ điều phối hợp lý giữa sản lượng khai thác và xuất khẩu.

Chỉ riêng khoản thu ngân sách từ PVN đã có nguy cơ bị hụt 79.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế và tiền đóng thuế có thể bù đắp cho khoản hụt thu từ dầu thô, nên về tổng thể con số thất thu ngân sách có thể thấp hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán khi giá dầu giảm ở mức 60USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu 1.500 tỷ đồng; nếu 50USD/thùng, ngân sách hụt thu 9.500 tỷ đồng và nếu 40USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu 11.500 tỷ đồng (khi giá dầu 40USD/thùng thì PVN phải giảm sản lượng khai thác từ 1,8 đến 2 triệu tấn dầu).

Xem xét tác động của giá dầu đến tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia lo ngại với ba kịch bản về giá dầu thô khi trượt xuống mức 60USD/thùng, 50USD/thùng và 40USD/thùng thì tăng trưởng kinh tế cũng sẽ giảm tương ứng 0,21 điểm phần trăm; 0,56 điểm phần trăm và 1 điểm phần trăm so với dự kiến. Nếu vậy, ở tình huống xấu nhất thì có nguy cơ tăng trưởng kinh tế của năm 2015 sẽ chỉ đạt 5,2% thay vì mức 6,2% như chỉ tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

Thế nhưng, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2015 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, dù trong tình hình nêu trên, Chính phủ sẽ điều hành để giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2%, không để đảo lộn cân đối ngân sách, đồng thời kiểm soát lạm phát ở mức 5%.

Cơ hội kích thích nền kinh tế

Bên cạnh việc thất thu ngân sách, giá dầu giảm lại tạo cơ hội thuận lợi cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích doanh nghiệp phát triển. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, với diễn biến giá dầu như trên thì giá cả trong nước và thế giới sẽ giảm. Lạm phát trong năm 2015 có thể giảm khoảng 1,1 điểm phần trăm so với lạm phát bình quân năm 2014 và đạt khoảng 3%.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhất trí với cách tính trên. Ông cho rằng, nếu tính tác động nhiều vòng, giá dầu ở mức 40USD/thùng thì lạm phát sẽ giảm khoảng 1%. Theo ông, đó là yếu tố rất tích cực giúp ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Lạm phát thấp thì cùng một khoản tiền sẽ mua được nhiều hàng hóa hơn.

Tuy chỉ số lạm phát theo dự báo sẽ giữ ở mức thấp, nhưng đây không phải là dấu hiệu của giảm phát. Vì hiện nay, tất cả các chỉ số “cung” và “cầu” của nền kinh tế đều đang có xu hướng tăng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1-2015 tăng tới 17,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng của tháng 1-2014 và mức tăng bình quân các tháng năm 2014. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước tính đạt 275,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2014, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1-2015 tăng 13%, loại trừ yếu tố giá tăng 11,9%. Nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế cũng đang tăng nhanh. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1 ước tính đạt 12.996 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2014. Từ đầu năm đến thời điểm 20-1-2015, đã có thêm 44 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 392,2 triệu USD, tăng 10% về số dự án và tăng 85,8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014.

“Trong bối cảnh chính sách tiền tệ đã gần hết dư địa và chính sách tài khóa bị giới hạn bởi nợ công thì giá dầu giảm chính là gói kích thích kinh tế trời cho với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Bởi vì, giá dầu giảm sẽ khôi phục lại tổng cầu của thế giới, và điều này sẽ rất có lợi cho nền kinh tế Việt Nam-một nền kinh tế hướng tới xuất khẩu”, TS Lê Xuân Nghĩa lý giải. Một số ý kiến gợi ý Chính phủ nên đánh thuế xăng dầu thành phẩm nhập khẩu cao hơn để tăng nguồn thu ngân sách, bù lại khoản thất thu từ giá dầu thô. Nhưng theo ông Lê Xuân Nghĩa thì không nên tăng thuế mà ngược lại nên phát huy tối đa lợi ích từ đợt giảm giá dầu để kích thích sự phát triển của doanh nghiệp.

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận rằng, khoảng 6 tháng nữa mới đánh giá được chính xác những tác động của việc giá dầu giảm. Tuy nhiên, có thể thấy, giá dầu giảm thì kinh tế Việt Nam sẽ có lợi vì giảm được chi phí sản xuất, nâng được sức cạnh tranh. Đặc biệt, khi mà chỉ số tiêu hao năng lượng của nền kinh tế Việt Nam còn quá cao thì giá dầu giảm sẽ là một tin mừng. Theo TS Trần Du Lịch, giá dầu giảm ảnh hưởng tới thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô. Nhưng khi doanh nghiệp giảm được chi phí, tăng tính cạnh tranh thì phần thu tăng lên của nền kinh tế sẽ bù đắp. “Việt Nam không sợ rằng giảm giá dầu thô thì sẽ thất thu ngân sách”, TS Trần Du Lịch khẳng định.

Trên thực tế, người dân và toàn xã hội đang được hưởng lợi rất nhiều khi giá xăng, dầu giảm mạnh bất ngờ. Đến nay, giá xăng đã giảm hơn 1/3, chỉ còn hơn 15.600 đồng/lít. Giá cước vận tải có xu hướng giảm, tuy chưa nhiều, nhưng là dấu hiệu tốt, là cơ hội để giá cả hàng hóa, chi phí sản xuất giảm theo.

Có thể thấy rằng, mặc dù cũng là nước xuất khẩu dầu thô, nhưng trong lúc nhiều quốc gia đang lao đao trước cơn suy giảm giá dầu, đồng tiền bị mất giá nghiêm trọng thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi, giá trị VNĐ ổn định. Đó chính là minh chứng cho thấy, cái chất của nền kinh tế Việt Nam đã dần biến chuyển từ nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu tài nguyên, xuất khẩu thô, sang nền kinh tế chế biến và dịch vụ, nghĩa là đã tăng được giá trị chất xám. Hiện nay, thu từ dầu thô chỉ còn chiếm khoảng 11% trong tổng thu ngân sách của Việt Nam.

Giá dầu thô giảm đương nhiên sẽ tạo ra những bất lợi nhưng nó cũng là cơ hội để chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế, hướng tới sự hiệu quả và tiết kiệm hơn./.

Hồ Quang Phương (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất