Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị là giải phóng hoàn toàn miền nam (cả vùng đất, vùng trời, vùng biển) trước mùa mưa năm 1975, Sở chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã kiên quyết chỉ đạo các lực lượng tham gia giải phóng biển và các đảo thuộc Biển Ðông thi đua cùng với quân và dân trên chiến trường miền nam gấp rút chuẩn bị mọi mặt thực thi nhiệm vụ được giao.
Với quyết tâm bí mật, thần tốc nhưng bảo đảm chắc thắng, ngay từ đầu tháng 4-1975, Bộ Tư lệnh Hải quân, một mặt, sử dụng Ðoàn 125 vận chuyển bộ đội, vũ khí, trang bị kỹ thuật... cho chiến trường Nam Bộ; mặt khác, khẩn trương tổ chức lực lượng sẵn sàng tiến công giải phóng các đảo khi thời cơ đến.
Ngày 4-4-1975, trong lúc quân ta trên các mũi, các hướng dồn dập tiến công địch trên khắp các mặt trận, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được Chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh: dùng lực lượng hiện có, phối hợp lực lượng đặc công của Quân khu 5, tranh thủ thời cơ có lợi đánh chiếm quần đảo Trường Sa, một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng đất nước.
Chấp hành mệnh lệnh, Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lập tức lệnh cho các lực lượng giải phóng biển, đảo chủ động bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất, kịp thời giải phóng các đảo, kiên quyết không để bất cứ lực lượng nào khác lợi dụng tình hình đến xâm chiếm đảo trước ta, như Chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh đã xác định.
Lực lượng tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa gồm một số đơn vị Hải quân thuộc Ðoàn 126 và Ðoàn 125, một số đơn vị thuộc Quân khu 5, dưới sự chỉ huy chung của đồng chí Mai Năng, Ðoàn trưởng Ðoàn 126.
Theo phương án tác chiến đã thống nhất và được phê duyệt, mục tiêu tiến công đầu tiên là đảo Song Tử Tây, tiếp đó là các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn và cuối cùng là Trường Sa. Thời cơ thuận lợi để quân ta đánh chiếm các đảo được xác định từ 0 đến 2 giờ sáng, là lúc tàu ta có thể lợi dụng yếu tố thủy văn để bí mật đổ quân lên các đảo.
Ngày 9-4-1975, trong khi Xuân Lộc - cánh cửa thép chặn bước tiến quân ta vào giải phóng Sài Gòn của địch bị công phá quyết liệt, thì các đơn vị được giao nhiệm vụ giải phóng biển, đảo nhận được mệnh lệnh nhanh chóng tiến đánh đảo Song Tử Tây, rồi tiếp tục phát triển đánh chiếm các mục tiêu còn lại.
Thi hành mệnh lệnh, các đơn vị khẩn trương cơ động lực lượng tiến công địch. 4 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, sau 30 phút chiến đấu quân ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Sau trận đánh đảo Song Tử Tây thắng lợi, ta để lại một bộ phận (Phân đội 1) chốt giữ đảo. Lực lượng còn lại quay về Ðà Nẵng củng cố và chuẩn bị đánh chiếm các đảo khi có thời cơ.
Trước tình thế quân đội và chính quyền Sài Gòn bị thất bại nặng nề, phải đối phó ở khắp nơi trên đất liền nên sự chi viện, tiếp tế cho các đảo bị hạn chế khiến tinh thần binh lính và sĩ quan địch trên các đảo càng thêm hoang mang, dao động. Tiền phương Bộ Tư lệnh Hải quân ở Ðà Nẵng và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định nhanh chóng cơ động lực lượng đánh chiếm ngay các đảo còn lại thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo đó, hai tàu 673 và 641 của Ðoàn 125 chở Phân đội 2 và Phân đội 3 của Ðội 1 (Ðoàn 126) và một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5 được lệnh cấp tốc hành quân đi giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn.
4 giờ sáng ngày 21-4, các tàu chiến đấu của quân ta bắt đầu nhổ neo hướng ra Trường Sa. Chiều 24-4, các tàu ta đã tiến sát các mục tiêu được phân công đánh chiếm. Tới đêm khuya, khi tàu số 673 chuẩn bị đổ quân lên đảo Nam Yết thì gặp tàu khu trục của hải quân Sài Gòn đang tuần tiễu gần đó, buộc lực lượng đổ bộ của ta tạm thời quay trở lại đảo Song Tử Tây chờ thời cơ.
Xuất phát chiến đấu cùng với tàu số 673, tàu 641 cũng nhanh chóng áp sát đảo Sơn Ca chuẩn bị đổ bộ lên đảo, song do di chuyển ngược dòng, nước lại chảy xiết nên cuộc đổ bộ không thành công. Khắc phục khó khăn, tàu 641 lập tức quay lái di chuyển về hướng tây bắc chọn vị trí khác thuận lợi cho việc đổ bộ. 0 giờ 30 phút ngày 25-4, chớp thời cơ nước lững, lực lượng Phân đội 2 do Thiếu úy Ðỗ Viết Cường chỉ huy, đã gấp rút đổ bộ thành công lên đảo Sơn Ca và khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu, chuẩn bị bất thần đánh chiếm toàn bộ đảo. Sau khi bí mật trinh sát mục tiêu, hoàn thành xây dựng phương án tác chiến, đúng 2 giờ 30 phút, ngày 25-4, lực lượng đổ bộ của ta đồng loạt nổ súng đánh chiếm đảo Sơn Ca. Quân địch đóng giữ đảo hoàn toàn bị bất ngờ, rối loạn đội hình, lúng túng chống trả yếu ớt rồi tìm đường tháo chạy.
Tới 3 giờ sáng ngày 25-4, sau nửa giờ chiến đấu quyết liệt, quân ta làm chủ hoàn toàn đảo Sơn Ca. Kết quả, ta diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng địch trên đảo; thu hai máy vô tuyến điện, bốn máy điện thoại, hai xuồng máy, một máy nổ, 40 phuy xăng và toàn bộ vũ khí đạn dược.
Như vậy, quán triệt và nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, các lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng biển, đảo phía nam Tổ quốc đã chạy đua với thời gian, kịp thời nổ súng tiến công địch khi thời cơ xuất hiện, quyết tâm không để lực lượng nào khác lợi dụng cơ hội đánh chiếm đảo trước ta. Sau khi quân ta giải phóng đảo Song Tử Tây (ngày 14-4), tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các mũi tiến công trên đất liền, giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca trong hệ thống các đảo phía nam do quân đội Sài Gòn nắm giữ (ngày 25-4), khiến lực lượng địch trên các đảo còn lại vô cùng hoang mang, dao động và nhanh chóng tan vỡ khi bị quân ta tiến công./.
(Theo: Minh Long/ND)