Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 26/8/2016 21:29'(GMT+7)

Kon Tum: đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”

Chiều 26/8/2016 tại Khách sạn Đông Dương (TP.Kon Tum), UBND tỉnh Kon Tum đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.

Dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ KH&CN, kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu-Trí tuệ (Bộ KH&CN) Trần Việt Thanh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum Y Mửi, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa; đại diện lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Quảng Nam…đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Kon Tum và đông đảo phóng viên báo chí Trung ương và địa phương cùng tham dự.

Báo cáo tóm tắt tại buổi Lễ, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Kon Tum Trần Thị Tuyết cho biết: Cây Sâm Ngọc Linh là loài cây thuốc “giấu” của đồng bào Xê Đăng, được Đoàn điều tra dược liệu của Ban dân y Khu V phát hiện năm 1973 tại núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam; đến năm 1985, sâm Ngọc Linh được xác định là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L., họ nhân sâm (Araliaceae) và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv. Hiện nay, cây sâm Ngọc Linh trong tự nhiên hầu như bị khai thác cạn kiệt, có nguy cơ tuyệt chủng và thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam.

Nhận thức về giá trị kinh tế, xã hội, khoa học và môi trường của cây sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đã xác định đây là cây hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong những năm qua, tỉnh đã phối hợp với các nhà khoa học triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Sau nhiều năm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, ngày 16/8/2016 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có Quyết định số 3235/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh tại khu vực địa lý các xã Măng Ri, Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Các xã này thuộc núi Ngọc Linh ở độ cao từ 1.800 đến 2.500m. Đơn vị tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý là Sở Khoa học và Công nghệ hai tỉnh Kon Tum, Quảng Nam.

Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm Sâm củ Ngọc Linh thể hiện rõ tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm; đặc thù về điện kiện địa lý; quy trình kỹ thuật sản xuất; chỉ dẫn địa lý này được bảo hộ vô thời hạn trên lãnh thổ Việt Nam kể từ ngày ký. Trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản chính văn bằng công nhận Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tỉnh Kon Tum và cấp Phó bản văn bằng Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tỉnh Quảng Nam.

Việc sâm củ được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” mở ra nhiều triển vọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Về lâu dài có thể đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh ra thị trường trong và ngoài nước với quy mô lớn mà không mất đi nguồn gốc địa lý, tính đặc thù về chất lượng sản phẩm, tên gọi, xuất xứ đảm bảo củ sâm Ngọc Linh là hàng hóa chiến lược của Việt Nam nói chung và cây đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum nói riêng.

Hiện tỉnh Kon Tum đã trồng được trên 320 ha sâm, quy hoạch vùng trồng sâm đến năm 2020 đạt 1.000 ha và đến năm 2025 đạt 9.343,6 ha.

Tại buổi Lễ, thay mặt Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đã trao Quyết định và Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ cho lãnh đạo tỉnh Kon Tum.

Nguyễn Phi Em
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất