Ngày 26/8, Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội nghị “giới thiệu các mô hình hiệu quả và biểu dương các điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013”. Dự hội nghị có đồng chí Hà Ban, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đại diện cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng; lãnh đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị trong tỉnh và 27 tập thể, cá nhân có những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thay mặt Bộ phận giúp việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Kon Tum, đồng chí Phạm Thanh Hà, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo giới thiệu những mô hình và các điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013.
Trong năm 2013, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị và thực hiện Kế hoạch số 40-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", tỉnh Kon Tum tiếp tục tổ chức học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp. Đến nay, qua giới thiệu của các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và các ban ngành, đoàn thể tỉnh, đã lựa chọn được 27 mô hình hiệu quả, 44 tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ để biểu dương, khen thưởng. Các mô hình, điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện phong phú, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Học tập và làm theo Bác về cần, kiệm, liêm chính, Công ty TNHH Xổ số kiến thiết một thành viên tỉnh Kon Tum đã phát động phong trào thực hành tiết kiệm, kêu gọi cán bộ, công nhân viên cơ quan mỗi ngày đóng góp ít nhất một nghìn đồng xây dựng nhà tình nghĩa (với phong trào này, từ năm 2008 đến nay Công ty đã xây được 8 căn nhà cho người nghèo với tổng trị giá 105 triệu đồng; ủng hộ Bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (3 đợt) số tiền là 60 triệu đồng).
Chi bộ thôn Măng Tôn, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi thông qua các buổi chào cờ vào ngày 10 hàng tháng, đã vận động nhân dân quyên góp ủng hộ “Hũ gạo tình thương, ống tiền tiết kiệm” giúp đỡ các gia đình khó khăn mượn tiền mua cây, con giống, phân bón; giúp đỡ các em học sinh nghèo học giỏi, học sinh đặc biệt khó khăn. Thiếu tá Nguyễn Văn Thanh, nhân viên cơ yếu Đồn biên phòng Sa Loong, Bộ đội Biên phòng tỉnh từ đầu năm 2012 đến nay đã làm được hơn 420 việc tốt bằng cách phấn đấu mỗi ngày làm một việc tốt cụ thể trong sinh hoạt và công tác (như tiết kiệm thời gian; tiết kiệm điện, nước; làm tốt công tác bảo quản và bảo vệ tài sản đơn vị). Hội Phụ nữ thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy đã thực hiện đồng bộ 03 mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất tiết kiệm”, “Giúp nhau sắm sửa vật dụng gia đình” đã có tác động rất lớn đến đời sống, tư tưởng của cán bộ, hội viên, phụ nữ; chị em ngày càng tin tưởng vào tổ chức Hội, nhiều chị từ gia đình khó khăn đã vươn lên làm giàu. Học Bác về đạo đức của người cách mạng, là yêu nước, thương dân, thương nhân loại cùng khổ, nữ đảng viên Cao Thị Phú (Tổ 1-phường Duy Tân-TP Kon Tum) đã nhận nuôi dưỡng và tổ chức dạy nghề miễn phí cho 14 trẻ em khuyết tật, tạo cơ hội cho các em được học tập, lao động, giúp các em khẳng định chính mình, hòa nhập với xã hội. Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Duy Điện (thôn 2, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy) không chỉ làm kinh tế giỏi cho bản thân và gia đình, ông còn giúp cho nhiều gia đình khác ở địa phương về giống, vốn và kỹ thuật trồng cây cao su để từ đó vươn lên thoát nghèo. Thầy giáo A Trũi (xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy) bằng những việc làm cụ thể đã thuyết phục được bà con trên địa bàn từ bỏ hủ tục lạc hậu “chôn con theo mẹ”, cứu sống được nhiều sinh linh vô tội...
Không dừng lại ở việc thương dân, kính dân, nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh học tập và làm theo Bác bằng việc cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hạn chế gây phiền hà, khó khăn cho nhân dân như Đảng ủy cơ sở Phòng PC64 Công an tỉnh đã ký kết hợp đồng với Bưu điện tỉnh thực hiện dịch vụ trả giấy chứng minh thư qua đường bưu điện, giúp nhân dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa hoặc đang công tác, học tập, lao động ở ngoài tỉnh. Phòng Hồ sơ Công an tỉnh với mô hình “Phụ nữ với tàng thư căn cước công dân” đã tranh thủ làm vào ban đêm, làm vào ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật…để kịp thời giải quyết tồn đọng các tờ khai, chỉ bản, đơn yêu cầu cấp chứng minh nhân dân của công dân và các yêu cầu nghiệp vụ. Với mô hình thí điểm “Một Văn phòng” của huyện Đăk Hà đã giúp cho thường trực các Đảng uỷ, HĐND, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện khá tốt quy chế làm việc, tổ chức điều hành công việc của địa phương chặt chẽ, thống nhất. Hoặc sáng kiến của đồng chí Ngô Thanh Quốc (Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi) với quy trình thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh và quản lý thuốc đã được triển khai khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, đảm bảo sử dụng thuốc đúng mục đích, đem lại quyền lợi cho người bệnh.
Học tập và làm theo Bác về tư tưởng lấy dân làm gốc và vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, huyện ủy Đăk Hà đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 60 “Ngân hàng” cộng đồng tại 58 thôn, làng dân tộc thiểu số trên địa bàn (với bình quân mỗi “Ngân hàng” được đầu tư 100 triệu đồng, gồm: 5 tấn lương thực, 5 tấn phân bón các loại, chế phẩm sinh học, lúa giống và 20 triệu đồng tiền mặt), góp phần giúp các hộ nghèo địa phương trong thời kỳ đói giáp hạt không phải bán non nông sản; tránh việc người dân phải cầm cố, cho thuê nương rẫy hoặc đi vay nặng lãi để có cái ăn qua ngày...
Học tập và làm theo lời chỉ dạy của Bác: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Hội Phụ nữ xã Ya Xiêr (Sa Thầy) đã xây dựng mô hình “Nhóm phụ nữ đạo Tin Lành tích cực tham gia hoạt động Hội” đã thu hút được sự hưởng ứng của hội viên, phụ nữ trong nhóm; đồng thời, qua thành lập mô hình này, việc vận động chị em tín đồ các tôn giáo khác tham gia sinh hoạt Hội dễ dàng hơn, góp phần tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hoặc với cách “dân vận khéo” của ông Trần Đàm Thoại (Tổ trưởng Tổ dân phố 9, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum), trong vòng 03 năm đã vận động nhân dân làm được tất cả 10 con đường bê tông hóa với chiều dài trên 1.000m, với tổng số tiền mặt nhân dân đóng góp là hơn 401 triệu đồng và 124 ngày công lao động. Ông thực sự là một trong những người cán bộ tiêu biểu ở cơ sở thực hiện tốt lời dạy của Bác "nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, đảm bảo dân sinh, nâng cao dân trí", "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin".
Học tập và làm theo Bác về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, Bộ đội biên phòng tỉnh đã xây dựng mô hình “đưa đảng viên đội công tác địa bàn xuống sinh hoạt ở các chi bộ thôn (làng) và kết nghĩa giúp gia đình khó khăn trên khu vực biên giới thoát nghèo” đã tạo được sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân khu vực biên giới. Đây là biện pháp công tác vận động quần chúng có ý nghĩa về chính trị, có hiệu quả về kinh tế; các đảng viên được sâu sát, gần gũi với nhân dân hơn; cấp ủy, chỉ huy các đồn Biên phòng nắm được tình hình mọi mặt của chi bộ thôn (làng) để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới; Đảng ủy Quân sự tỉnh đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh làm tốt công tác vận động quần chúng, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo đưa nội dung học tập và làm theo Bác lồng ghép vào các môn học của các cấp, nhất là vào các hoạt động ngoại khóa; tiếp tục phát huy Hội thi “chúng em kể chuyện đạo đức Bác Hồ”...nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về đạo đức Hồ Chí Minh, tạo cho các em có được nhận thức, thái độ và hành vi tích cực làm theo tấm gương đạo đức của Người, là những công dân tốt, có trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước.
Học tập và làm theo Bác, nhiều trường học trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo hiệu quả. Với mô hình “Luân phiên phân công giáo viên lựa chọn những câu chuyện về đạo đức Bác Hồ hàng tuần kể chuyện cho học sinh” của Chi bộ y tế- giáo dục (thuộc Đảng bộ Công ty Cao su Kon Tum) đã phát huy được vai trò của mỗi giáo viên trong công tác giảng dạy, giúp mỗi cá nhân tự học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác. Qua những câu chuyện kể về Bác, các cháu học sinh, ngay từ nhỏ đã biết được những điều cơ bản nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Người, biết được tình yêu thương của Bác Hồ dành cho các cháu thiếu niên- nhi đồng, qua đó giáo dục các cháu thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Với mô hình “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa...” của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thành phố Kon Tum) đã giáo dục cho học sinh lòng tự hào về bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao chất lượng học tập; qua đó góp phần tuyên truyền để cha mẹ học sinh nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc mình...
Học tập và làm theo Bác về tình thương yêu, chăm sóc, giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng, trong những năm qua, tuổi trẻ tỉnh Kon Tum đã và đang nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần xung kích, sáng tạo, đi đầu trong mọi phong trào hành động cách mạng, cống hiến sức trẻ, trí tuệ, thực hiện nhiều công trình, phần việc phù hợp với điều kiện, thực tiễn của địa phương. Chỉ tính riêng năm 2012, tuổi trẻ tỉnh Kon Tum đã thực hiện được trên 400 công trình, phần việc thanh niên trị giá hàng chục tỷ đồng. Trong đó, có nhiều công trình, phần việc mang ý nghĩa dân sinh thiết thực, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương…
Học tập và làm theo chỉ dạy của Bác “đạo đức cách mạng không phải trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, huyện ủy Đăk Hà đã xây dựng mô hình “sinh hoạt tư tưởng đầu tuần” nhằm đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của cơ quan, đơn vị, địa phương. Thành phố Kon Tum với mô hình “tổ chức chào cờ sáng thứ hai hàng tuần” đã góp phần giáo dục cán bộ, đảng viên của địa phương tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Đặc biệt, việc duy trì kể chuyện tấm gương đạo đức Bác Hồ sau chào cờ sáng thứ hai hàng tuần của các làng đồng bào dân tộc thiểu số địa bàn thành phố Kon Tum đã giúp nhân dân thêm yêu quý, kính trọng và tích cực học tập làm theo tấm gương đạo đức của Người. Tại Chi bộ Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hằng tháng đã tổ chức cho 2-3 đảng viên tự đánh giá trước chi bộ về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của bản thân theo những nội dung đã đăng ký; trong đó xác định những việc đã làm tốt, những chuyển biến của bản thân về đạo đức, lối sống, đồng thời tự chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế của bản thân và đề ra phương hướng rèn luyện trong thời gian tiếp theo đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của đảng viên, cán bộ, công chức toàn cơ quan...
Hội nghị nhằm biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có những cách làm hay, hiệu quả trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, qua đó nhân rộng những mô hình, điển hình này trong toàn xã hội.
Vẫn còn nhiều điển hình, mô hình hay trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các địa phương, đơn vị, ban ngành trong tỉnh vẫn âm thầm lan tỏa hàng ngày trong cuộc sống, những mô hình, điển hình tiêu biểu này là một phần đại diện góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang trong quần chúng nhân dân./.
Lê Văn Châu