Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 24/8/2013 12:8'(GMT+7)

Học Bác, làm công bộc của dân

Bí thư Huyện ủy Tân Yên Lê Ánh Dương (người đầu tiên từ trái sang) thường xuyên xuống các doanh nghiệp trên địa bàn tìm hiểu những khó khăn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Bí thư Huyện ủy Tân Yên Lê Ánh Dương (người đầu tiên từ trái sang) thường xuyên xuống các doanh nghiệp trên địa bàn tìm hiểu những khó khăn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) quy định cán bộ lãnh đạo một tuần phải dành thời gian xuống xã một lần để nghe dân, nghe cơ sở; khắc phục tình trạng nghe dân phản ánh, hứa với dân mà không giải quyết.

Tôi có dịp xuống làm việc ở một số thôn, xã trong huyện Tân Yên (Bắc Giang), ở đâu tôi cũng được nghe cán bộ, nhân dân khen đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lê Ánh Dương, người có nhiều sáng kiến, vận dụng chính sách chăm lo sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Người dân ở xã Phúc Sơn, một xã vùng xa của huyện, giáp với tỉnh Thái Nguyên, kể: Giao thừa Tết Quý Tỵ vừa qua, đồng chí Dương còn xuống tận thôn vui đón giao thừa, thăm hỏi bà con. Mọi người cảm động lắm. Trong những chuyến đi công tác cùng với đồng chí chuyên viên phòng nông nghiệp huyện, tôi được nghe thấy những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp huyện; nhất là về sản lượng thủy sản, rau, quả chế biến xuất khẩu, đàn lợn đứng vào tốp đầu của tỉnh. Trong cố gắng chung của đội ngũ cán bộ UBND huyện, có công không nhỏ của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lê Ánh Dương.

Tôi biết Lê Ánh Dương cách đây hơn mười năm, khi anh vừa rời quân ngũ về tham gia công tác ở phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang). Với tuổi trẻ năng động, Lê Ánh Dương đã cùng tập thể đảng bộ, chính quyền xây dựng phường Trần Nguyên Hãn vững mạnh, dẫn đầu trong khối thi đua của thị xã Bắc Giang (trước đây) trong nhiều năm. Hình ảnh người cán bộ cơ sở năng nổ, luôn sâu sát, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, có tác phong làm việc nhẹ nhàng, nói năng điềm đạm đã để lại trong tôi ấn tượng tốt đẹp trong lần về tìm hiểu phong trào "Xây dựng khu phố văn hóa" của phường thời kỳ 1993 - 1994. Sau thời gian công tác ở phường, Lê Ánh Dương được điều lên công tác ở UBND thành phố Bắc Giang. Dù ở vị trí công tác nào, đồng chí cũng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2005, đồng chí được điều về văn phòng UBND tỉnh; năm 2010, tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ 17, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh.

Một thời gian sau, tôi được biết, đồng chí được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND huyện Tân Yên. Tôi mừng cho bước trưởng thành của anh, nhưng trong thâm tâm cũng có điều băn khoăn. Một cán bộ trưởng thành ở đô thị, bố mẹ lại là công nhân, viên chức, hiểu biết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân chắc chưa được nhiều, nay về đứng đầu chính quyền một huyện thuần nông sẽ xoay xở thế nào? Ðiều băn khoăn của tôi đã được giải tỏa khi được nghe những lời khen ngợi của cán bộ, nhân dân trong huyện về anh. Bước trưởng thành trong thực tiễn công tác của Lê Ánh Dương đã gợi trong tôi nhiều điều suy ngẫm về mỗi con người.

Tôi hỏi: Khi được điều về làm Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, anh có lo không?

Lê Ánh Dương nhìn tôi cười, giọng nói nhỏ nhẹ bộc bạch: Lo lắm chứ, từ vị trí công tác thụ động do cấp trên giao, về huyện phải tự chủ động lo điều hành bộ máy chính quyền, lo cho hơn 160 nghìn dân làm ăn yên ổn, đâu có dễ. Bản thân lại tự biết mình chưa hiểu về sản xuất nông nghiệp và tâm tư nguyện vọng của nông dân. Những ngày đầu, anh dành thời gian nghiên cứu nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện, để rút ra điểm yếu, mạnh, từ đó đề ra những giải pháp cùng tập thể Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo thực hiện. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về chống bệnh quan liêu, Lê Ánh Dương dành nhiều thời gian xuống cơ sở tìm hiểu phong trào, lắng nghe, giải quyết dứt điểm những vướng mắc của người dân, tạo niềm tin của người dân đối với Ðảng và chính quyền. UBND huyện quy định cán bộ lãnh đạo một tuần phải dành thời gian xuống xã một lần để nghe dân, nghe cơ sở; khắc phục tình trạng nghe dân phản ánh, hứa với dân mà không giải quyết. UBND huyện giao ban hằng tuần tập hợp các vụ việc thống nhất cách giải quyết khắc phục ngay. Lê Ánh Dương tâm sự, trước đây chỉ hiểu nông dân hai sương, một nắng, nhưng gần nông dân từ buổi đến chơi, qua các bữa giỗ, Tết mới hiểu nông dân hơn.

Từ những suy nghĩ rút ra từ thực tế, anh chỉ đạo chính quyền và các ngành cố gắng vận dụng chính sách của Chính phủ, dành sự ưu tiên hàng đầu cho sản xuất nông nghiệp, quan tâm chăm lo đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới. Ðối với sản xuất, anh tranh thủ tư vấn các nhà khoa học cùng chính quyền dành sự ưu tiên đầu tư giống cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hóa cao vào sản xuất; khắc phục tình trạng "được mùa rớt giá", anh mời các doanh nghiệp họp bàn phương thức tiêu thụ nông sản. Huyện có chính sách khen, thưởng năm triệu đồng nếu doanh nghiệp tiêu thụ nông sản đạt hơn ba tỷ đồng. Giá trị tiền thưởng không lớn nhưng các doanh nghiệp rất phấn khởi vì được huyện đánh giá đúng vai trò của mình trong phát triển kinh tế địa phương. Lê Ánh Dương bàn với tập thể UBND huyện xây dựng chế độ khen thưởng cho người sản xuất, người tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giỏi, thưởng cán bộ thôn, xã chỉ đạo sản xuất giỏi, đã tạo ra phong trào thi đua yêu nước trong huyện.

Bám sát cơ sở, Lê Ánh Dương thấy nông dân trong huyện được mùa liên tục tại sao vẫn nghèo? Tất cả mọi nhu cầu chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào hạt thóc, giá trị hàng hóa không cao thì nghèo túng là điều tất yếu. Từ thực tiễn, đồng chí bàn với tập thể chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dành ruộng, vườn mở trang trại, đưa các cây trồng có giá trị hàng hóa cao vào sản xuất, giảm diện tích cấy lúa, dành ruộng đất, vốn đầu tư cho sản xuất đạt hiệu quả cao. Có như vậy, đời sống nông dân mới khá lên được. Nhờ có sự chỉ đạo chuyển hướng sản xuất, đời sống nông dân trong huyện được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2-3%/năm, số hộ giàu tăng.

Trong câu chuyện dông dài, bỗng Lê Ánh Dương hỏi tôi:

- Bác về nông thôn ở Tân Yên có thấy vấn đề gì gay cấn không?

Tôi chưa kịp trả lời, anh đã bảo: Nông thôn còn toàn người "U40/U50", lớp trẻ đi học, đi làm công ty hết rồi. Ðể khắc phục tình trạng lao động già, huyện chủ trương thu hút doanh nghiệp đầu tư theo vùng để lao động "ly nông nhưng không ly hương". Ðồng thời, huyện khuyến khích các thôn, xã, gia đình nông dân mua máy nông nghiệp; hỗ trợ 10 triệu đồng/máy cày, 100 triệu đồng/máy gặt đập liên hợp. Tân Yên phấn đấu từng bước hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp; gắn với phát triển giao thông, thủy lợi. Trong sự phát triển giao thông nông thôn năm vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã lãnh đạo sát dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, làm tốt việc tuyên truyền, thuyết phục 4.000 hộ nông dân tự nguyện hiến 40 ha đất để làm giao thông, thủy lợi, giảm chi phí hàng chục tỷ đồng...

Lê Ánh Dương tâm sự: Kinh tế phát triển phải gắn với xây dựng đời sống văn hóa tinh thần. Các lễ hội văn hóa truyền thống trong huyện được khôi phục, góp phần giáo dục truyền thống, phát huy lòng tự hào về quê hương trong cộng đồng dân cư. Từ đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về lấy dân làm gốc, gốc có vững cây mới bền, Lê Ánh Dương và tập thể lãnh đạo huyện Tân Yên đã và đang hết lòng, hết sức làm theo tấm gương đạo đức của Bác, cùng nhân dân chăm lo cho cái gốc vững để cây đời mãi mãi vững bền, xanh tươi, xứng đáng là người cán bộ của Ðảng, là công bộc của dân.

Khi tôi đang viết bài này, Lê Ánh Dương được Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện bầu làm Bí thư Huyện ủy Tân Yên. Một nhiệm vụ mới nặng nề hơn, đòi hỏi phải trí tuệ hơn, nỗ lực hơn đang thử thách đồng chí Bí thư Huyện ủy trẻ trung, nhiệt huyết. Với những gì Lê Ánh Dương thể hiện trong hơn hai năm qua ở Tân Yên, tôi tin đồng chí sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Ðảng và nhân dân tin tưởng giao phó, xứng đáng là công bộc của dân như lời Bác Hồ dạy./.

Hoàng Tiến (Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất