Thứ Hai, 23/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 28/11/2015 9:0'(GMT+7)

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII thành công và bế mạc

Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.               Ảnh: TUẤN HẢI

Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TUẤN HẢI

 
 

Phát biểu ý kiến bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Kỳ họp thứ 10 đã thành công tốt đẹp, tiếp tục khẳng định niềm tin, trách nhiệm và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. QH trân trọng ghi nhận sự tham gia tích cực, trí tuệ, tâm huyết của các vị đại biểu QH; sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ; tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).

Trước phiên bế mạc, sáng cùng ngày, các đại biểu QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua Bộ luật, gồm 26 chương và 426 điều, với 84,01% số đại biểu tán thành; biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật này, với 87,04% số đại biểu tán thành.

Các đại biểu QH đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), sau đó biểu quyết thông qua bộ luật, với 85,63% số đại biểu tán thành; và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự, với 86,84% số đại biểu tán thành.

Tiếp đó, các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016, với 83,00% số đại biểu tán thành.

QH đã thảo luận về dự án Luật Tiếp cận thông tin, các đại biểu: Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đác Nông), Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) và nhiều đại biểu đánh giá cao dự án luật, là sự cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Đề cập về vấn đề quyền tiếp cận thông tin, một số đại biểu cho rằng, công dân có quyền thông tin mà pháp luật không cấm; song luật cần quy định rõ thông tin nào cơ quan nhà nước phải công bố, thông tin nào công dân được quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp, quy định quyền khiếu nại yêu cầu cung cấp thông tin, xem xét bổ sung các cơ chế giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin, hạn chế việc lợi dụng quy định trong luật để gây cản trở, khó khăn cho cơ quan nhà nước… Đồng thời, luật cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin; đưa ra chế định cụ thể bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của công dân; lập cơ sở dữ liệu thông tin trong các cơ quan nhà nước là cơ sở để công bố thông tin, tạo điều kiện cao nhất cho công dân tiếp cận thông tin…

Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết “Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng” với 92,91% số đại biểu QH tán thành.

Nghị quyết yêu cầu, trong năm 2016, xây dựng và hoàn thiện đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.

Để tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai và nguồn tài chính, tài nguyên quốc gia thuộc các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng đất đai có nguồn gốc từ đất nông, lâm trường, QH yêu cầu Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau, như: Đề ra giải pháp, xây dựng lộ trình đến hết năm 2016 có phương án, kế hoạch giải quyết dứt điểm cơ bản tình hình tranh chấp đất đai; xử lý các vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán đất trái pháp luật, không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; Năm 2016, xây dựng và hoàn thiện đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng; Ngân sách Nhà nước cân đối, bố trí hỗ trợ đủ cho các địa phương để thực hiện toàn bộ việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP trong hai năm 2015-2016...

Tiếp đó, QH cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, với tổng số 90,69% số đại biểu QH tán thành.

Nghị quyết nêu rõ: QH yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, báo cáo kết quả với QH khóa XIV; tập trung vào các nội dung sau: Tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ những văn bản không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp thực tiễn, bảo đảm đưa Hiến pháp, pháp luật vào đời sống. Năm 2016, về cơ bản hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, Ủy ban Thường vụ QH đã có hiệu lực thi hành.

Tích cực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; chuẩn bị tốt các điều kiện trong nước đáp ứng yêu cầu hội nhập; gắn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững. Ban hành chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, chế biến, ứng dụng khoa học; tăng tỷ lệ vốn đầu tư ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn qua từng năm. Xây dựng các hợp tác xã kiểu mới để hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cuối năm 2016, hoàn thành việc rà soát, tổng kết, trình QH đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ XIV việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công. Xây dựng lộ trình và các biện pháp hữu hiệu, bảo đảm an toàn nợ công, trong giới hạn QH cho phép, từng bước giảm dần nợ công.

Bảo đảm sớm thu hồi nợ đọng thuế, hạn chế phát sinh nợ đọng thuế mới; giảm thời gian làm thủ tục khai, nộp thuế về mức ngang bằng với các nước ASEAN-4. Sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật, kiểm soát cho được trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với tình hình vi phạm pháp luật tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, hằng năm phải tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong thực tế đời sống. Trong năm 2016, khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm, cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; tiến hành xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khác trong danh mục đã được rà soát, thống kê và phê duyệt để đến năm 2020 tiến độ xử lý ô nhiễm hoàn thành theo đúng thời gian đề ra; kiên quyết không để xảy ra cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới...

Cũng trong ngày làm việc hôm qua, các đại biểu QH đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dược (sửa đổi). Đa số các đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Dược. Các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề, như: Việc quản lý giá thuốc; các quy định liên quan chất lượng, an toàn hiệu quả của thuốc; các quy định liên quan kinh doanh thuốc; vấn đề dược liệu, thuốc đông y và nguồn thuốc từ dược liệu.

* Ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII, Văn phòng QH tổ chức họp báo trong nước và quốc tế nhằm công bố kết quả kỳ họp. Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo.

Theo Văn phòng QH, tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII, QH đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật, nhiều nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật. Đây là những dự án luật quan trọng liên quan nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhân dân, góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

QH cũng xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, như: quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính năm năm 2016-2020…

Đánh giá về kỳ họp thứ 10, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này có sự đổi mới về nội dung và cách thức tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn. QH đã xem xét, đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, sau đó chất vấn lại một số vấn đề; xem xét trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện các quyết định của QH liên quan các vấn đề quốc kế dân sinh, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Văn phòng QH đã trả lời các câu hỏi của phóng viên trong nước, quốc tế liên quan nhiệm vụ, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.

 
Theo: Nhân Đân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất