Sáng 2/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Phiên họp thu hút đông đảo nhân dân thành phố Hải Phòng quan tâm theo dõi và cho rằng, cách điều hành của Chủ tọa rất khoa học, thẳng thắn, linh hoạt, hiệu quả, sâu sát. Ý kiến phát biểu của các đại biểu sôi nổi, đầy trách nhiệm, tâm huyết, làm rõ nhiều vấn đề cử tri quan tâm.
Ông Vũ Lệnh Bích, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Niệm Nghĩa chia sẻ, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 và những tác động tiêu cực do tình hình bất ổn trên thế giới, Quốc hội, Chính phủ đã triển khai các chương trình hành động đạt được kết quả toàn diện.
Cụ thể, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 từng bước được phục hồi, phát triển trên tất cả các lĩnh vực và tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ đã triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hơn 350 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế. Công tác an sinh xã hội được quan tâm với quyết tâm "không để ai bị bỏ lại phía sau". Công tác đối ngoại, đảm bảo tốt an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và tiếp tục được tăng cường, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên cả nước với chiến dịch thần tốc tiêm vaccine cho nhân dân.
Tuy vậy, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 5 năm 2021- 2026 còn nhiều vấn đề Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm. Ông Vũ Lệnh Bích đưa ra hai vấn đề: Đầu tư công có vai trò rất quan trọng tới sự phát triển kinh tế - xã hội, do vậy sẽ trực tiếp tác động tới hiệu quả của nền kinh tế, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, những năm qua, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó nguyên nhân chủ quan vẫn là quyết định như: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, tổ chức đầu thầu còn nhiều sai sót; công tác giải phóng mặt bằng các dự án còn kéo dài, chậm tiến độ… Ông Vũ Lệnh Bích đề nghị, Quốc hội tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ để tìm ra giải pháp căn cơ nhất giải quyết dứt điểm tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Chuyển đổi số quốc gia là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước và đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như nhiều Nghị quyết khác. Vai trò của chuyển đổi số quốc gia đã được kiểm nghiệm thực tế qua đại dịch COVID-19 vừa qua trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đạt được cái đích cuối cùng chuyển đổi số đặt ra đó là xây dựng nền kinh tế số, xã hội số còn nhiều việc phải làm.
Ông Vũ Lệnh Bích cho rằng, việc quan trọng nhất cần làm ngay là chuyển đổi nhận thức của gần 100 triệu người dân Việt Nam về chuyển đổi số, bởi vì thành công cuối cùng của chuyển đổi số quốc gia chính là việc người dân được thụ hưởng thành quả của nó mang lại, có như vậy mới thực chất, không hình thức, làm theo phong trào, lãng phí. Ngoài ra, ông Vũ Lệnh Bích đề nghị, Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm thụ hưởng.
Theo ông Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế quận Lê Chân, giá nguyên vật liệu thị trường thế giới như xăng dầu tăng cao dẫn đến giá thành sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng. Do đó, nhiều nước đã sử dụng biện pháp bảo hộ thương mại, các rào cản kỹ thuật để tăng cường bảo hộ nội địa, đặc biệt các mặt hàng nông sản, thủy sản. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu phía bạn hàng Trung Quốc những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt nhưng vẫn chưa triệt để.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh chung đó vẫn có những điểm sáng, một trong số đó là xuất nhập khẩu...
Thời gian tới, để khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu ngoài giải pháp đã thực hiện các doanh nghiệp rất cần Nhà nước ban hành chính sách cụ thể, sát thực tế nhằm giải quyết vấn đề về thị trường xuất nhập khẩu, giảm thiểu thấp nhất ùn tắc tại các cửa khẩu. Đặc biệt cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân./.
Theo TTXVN