Thứ Ba, 7/5/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 31/5/2018 15:39'(GMT+7)

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, các đại biểu cho rằng, qua 12 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trước sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn giáo dục trong nước và quốc tế, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ; giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; quản lý nhà nước về giáo dục...

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh:TTXVN
Vì vậy, để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết.

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã đóng góp ý kiến cụ thể vào các điều: Điều 5; Khoản 1, điều 26; điều 29; Khoản 16 sửa đổi khoản 1 điều 48; Điểm 4, điều 53 của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Theo đại biểu, cần có quy định cụ thể hơn trong việc liên kết đào tạo. Bởi hiện nay, việc liên kết giữa các trường chủ yếu là liên kết về địa điểm nên chất lượng đào tạo còn ở mức độ.

Đại biểu đề nghị cần làm rõ nội dung: Trường tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục mà các nhà đầu tư cam kết: hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục (sửa đổi khoản 1 điều 48). "hoạt động không vì luận nhuận, vậy không vì luận nhuận là thế nào?"- đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị.

Góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đề nghị phương thức giáo dục trực tuyến cần phải được đề cập trong dự thảo luật. Bên cạnh đó, đại biểu đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào các điều 2, Điều 70, điều 53 của Dự án luật.

Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; đồng thời thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Trong phiên thảo luận buổi sáng đã có 15 đại biểu phát biểu, 6 vị đại biểu Quốc hội tranh luận tại hội trường. Qua phát biểu và tranh luận, đa số các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo nghị quyết. Đồng thời cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến cụ thể, phân tích sâu sắc nguyên nhân của các hạn chế bất cập, nhất là các nguyên nhân chủ quan.

Để đề cao kỷ cương, kỷ luật cũng như trách nhiệm trong xây dựng pháp luật và các vị đại biểu Quốc hội đề xuất rất nhiều giải pháp thiết thực để tiếp tục nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, Quốc hội đồng ý bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018: 5 dự án luật; điều chỉnh thời gian trình 2 dự án luật, đưa ra khỏi chương trình năm 2018: 3 dự án luật.

Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội đồng ý sẽ trình thông qua 6 dự án luật và 1 nghị quyết, trình Quốc hội cho ý kiến về 9 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 8 thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến 3 dự án luật. Một số đại biểu Quốc hội đề nghị sớm đưa Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) vào chương trình năm 2019.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất