Thứ Hai, 9/12/2024
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Thứ Hai, 6/5/2024 16:15'(GMT+7)

Tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay

Các thế hệ học sinh tìm hiểu lịch sử tại triển lãm ảnh “Từ Điện Biên Phủ đến Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” diễn ra tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn Thành Chương

Các thế hệ học sinh tìm hiểu lịch sử tại triển lãm ảnh “Từ Điện Biên Phủ đến Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” diễn ra tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn Thành Chương

DI SẢN QUÝ BÁU, TRƯỜNG TỒN CÙNG DÂN TỘC

Chiến thắng Điện Biên Phủ - đỉnh cao của kháng chiến trường kỳ, anh dũng chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chấm dứt ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hoà bình ở Đông Dương, buộc nước Pháp và các nước tham dự Hội nghị phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thắng lợi này là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trước hết, đó là sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo đó, nhân dân ta anh hùng, đoàn kết một lòng tạo nên sức mạnh của cả dân tộc đứng lên kháng chiến, cả nước cùng một mặt trận, dồn sức người, sức của để chi viện cho Điện Biên Phủ, cùng với sự trưởng thành về mọi mặt của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của lực lượng vũ trang nhân dân ta trên chiến trường. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chưa bao giờ quân và dân ta đứng trước một nhiệm vụ nặng nề, to lớn như cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng cũng chưa bao giờ, chúng ta có được khí thế mạnh mẽ, cao trào thi đua giết giặc lập công sôi nổi, rộng khắp như lúc bấy giờ. Khí thế hào hùng đó được thể hiện ở tinh thần bền bỉ, khắc phục khó khăn, vượt qua gian khổ, hy sinh thiếu thốn, chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến trường để hoàn thành nhiệm vụ. Những tấm gương dũng cảm hy sinh của cán bộ chiến sỹ ta như: Anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can,… là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Khí thế đó còn là tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân dân ta trên các mặt trận Bắc - Trung - Nam và các chiến sĩ tình nguyện trên chiến trường Lào, Campuchia. Chiến thắng Điện Biên Phủ chứa đựng những giá trị văn hóa vô cùng cao đẹp, sẽ mãi trường tồn trên con đường đi đến tương lai tươi sáng của dân tộc, bởi sự tiếp nối và phát huy không ngừng của nhiều thế hệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà các CCB tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh Việt Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà các CCB tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh Việt Bắc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại cho mảnh đất Điện Biên anh hùng một di sản vô cùng quý báu, trường tồn cùng đất nước - Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là 1 trong 10 di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt đợt đầu tiên năm 2009. Di tích gồm 45 điểm di tích thành phần, nằm trải rộng trên địa bàn các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ. Di tích lịch sử đó được hình thành từ hai hệ thống:

Thứ nhất, các di tích liên quan đến trận địa phòng ngự của thực dân Pháp (23 điểm), là các mục tiêu tấn công của ta, nơi ghi lại những chiến công oai hùng của quân đội ta, gồm những cụm tiêu biểu sau: Cụm di tích trung tâm tập đoàn cứ điểm (Mường Thanh), nơi tập trung lực lượng và phương tiện chiến tranh cao nhất: Hầm chỉ huy của Tướng Đờ Cát; hầm chỉ huy pháo binh của Pi Rốt; các trận địa pháo; xe tăng; sân bay Mường Thanh; cầu Mường Thanh; một số trung tâm đề kháng phía Đông và phía Tây. Các cứ điểm phòng thủ: là các điểm hỏa lực, lá chắn bảo vệ vòng ngoài phân khu trung tâm. Các cứ điểm này tập trung trong hai phân khu: Phân khu Bắc (gồm Him Lam, Độc lập, Bản Kéo) và Phân khu Nam (Hồng Cúm). Ngoài ra, còn rất nhiều cứ điểm thuộc phân khu trung tâm như: 5 cao điểm phía Đông (A1,C1, C2, D1, E1).

Thứ hai, các di tích gắn với quân đội, nhân dân Việt Nam (22 điểm), được phân loại như sau: Căn cứ chỉ huy sở chiến dịch Mường Phăng: Đây là cơ quan đầu não chỉ huy chiến dịch từ 31/01/1954, là nơi quyết định mọi chủ trương, kế hoạch chiến đấu dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại đây, có nơi ở và làm việc của các tướng lĩnh lãnh đạo, các cơ quan tham mưu, cố vấn cao cấp nhất của Bộ Chỉ huy chiến dịch và Đảng ủy mặt trận. Hiện nay, đã bảo tồn và phục dựng các lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Ban Tham mưu, Trung tâm thông tin, Ban cố vấn, Hội trường tác chiến, Đường hầm xuyên núi, Trạm bảo vệ, Đài quan sát, Bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng,... Các địa điểm di tích phục vụ chiến dịch: Là nơi tập kết hậu cần, vận chuyển vũ khí đạn dược cho chiến dịch như Đèo Pha Đin, hang Thẩm Púa, Tuần Giáo, Đường kéo pháo bằng tay,... Các trận địa tấn công của quân đội ta: Bao gồm trận địa pháo 105mm, trận địa pháo H6... hệ thống hầm hào chiến đấu, trận địa vây hãm và tiến công.

Có thể khẳng định, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ là môi trường giáo dục trực quan hết sức sống động, hiệu quả bởi phạm vi di tích phân bố rộng; có giá trị lịch sử, tư tưởng vô cùng to lớn và rõ nét, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đối với nhận thức nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế nói chung. Các địa phương, sở, ban, ngành trong tỉnh thường xuyên tổ chức hoạt động giáo dục trực quan phù hợp, có hình thức và nội dung phong phú tại các điểm di tích.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về chiến thắng Điện Biên Phủ đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã hết sức quan tâm chỉ đạo để đa dạng và phong phú các hình thức tuyên truyền về chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức, khen thưởng, thi đua, nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài, Đảng và Nhà nước chủ trương tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền về chiến thắng Điện Biên Phủ hằng năm. Đây là một trong 7 ngày lễ lớn trong nước đặc biệt tổ chức. Theo đó, vào các năm lẻ 5 và các năm khác tổ chức tại tỉnh Điện Biên, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên dâng hương, hoa tại đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ trên di tích đồi F, Tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên đi tích đồi D1, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ (A1, Him Lam, Độc Lập) và tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương. Vào các năm tròn, sẽ tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia: Lễ kỷ niệm tại tỉnh Điện Biên hoặc Hà Nội do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các hoạt động kỷ niệm chính, gồm: Tổ chức họp báo; tuyên truyền cổ động trực quan; chương trình mít tinh kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ và các năm tròn hoạt động chính tổ chức diễu binh, diễu hành trên đường phố nhằm biểu dương lực lượng; tuyên truyền lưu động toàn quốc về với Điện Biên; tuần phim kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ; liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách chủ đề về Điện Biên và nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Việc tuyên truyền về chiến thắng Điện Biên Phủ thông qua tổ chức các hoạt động kỷ niệm vào ngày 7/5 nhằm ôn lại truyền thống hào hùng vẻ vang của cha anh, khẳng định những thành tựu trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển những thành tựu trong quá trình đổi mới; khẳng định tầm vóc, ý nghĩa giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ, khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu đến mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu thêm về lịch sử vẻ vang của dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam.

THƯỜNG XUYÊN LÀM TỐT CÔNG TÁC GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TƯ TƯỞNG CHO ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN

 

Lễ xuất quân Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” do T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức sáng qua 24.4, mở đầu cho chuỗi các hoạt động cao điểm của tuổi trẻ hướng tới lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Lễ xuất quân Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” do T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức sáng qua 24.4, mở đầu cho chuỗi các hoạt động cao điểm của tuổi trẻ hướng tới lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

 

Tuổi trẻ hôm nay không phải trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, không được chứng kiến thời khắc hào hùng của dân tộc, của Điện Biên Phủ 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn”; mà chỉ biết qua những di tích lịch sử, những trang sách, bài ca, thước phim tư liệu hay lời kể của nhân chứng lịch sử... Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ luôn là việc làm cần thiết, là biện pháp hữu hiệu nhất để khắc phục những tiêu cực, biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận thanh niên hiện nay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “... Cũng phải nhìn thẳng sự thật mà nói, là có không ít thanh niên ngày nay có biểu hiện phai nhạt chủ nghĩa cách mạng, chạy theo lợi ích vật chất, cá nhân. Xu hướng hưởng thụ cũng xuất hiện ở một bộ phận giới trẻ...”. Trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa, một bộ phận thanh niên đã có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.... Chính vì lẽ đó, việc phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh niên là một việc làm hết sức quan trọng, thông qua việc thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên thanh niên.

Tại tỉnh Điện Biên, các trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức học sinh đến tham quan, dã ngoại, học tập tại các điểm di tích trong quần thể Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Hoạt động thăm quan các di tích lịch sử trong khu vực thành phố, thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ (A1, Him Lam, Độc Lập) đã trở thành hoạt động thường xuyên của nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Nhờ đó, các em nhỏ đã hiểu được truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất, một thời oanh liệt của ông cha và các thế hệ đi trước.

Trong thời gian tới, toàn tỉnh Điện Biên cần tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Đây là một công việc hết sức ý nghĩa đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thế hệ trẻ ngày nay cần được thường xuyên chăm lo công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, cùng những thuận lợi, thách thức trong thời kỳ đổi mới, quá trình hội nhập quốc tế.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp trong tỉnh cần thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên đề về giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống; các buổi lễ kết nạp Đảng, đoàn viên; thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; tham gia chăm sóc, bảo vệ di tích như dọn dẹp cảnh quan, môi trường xung quanh các điểm di tích, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, văn minh cho các điểm di tích. Từ đó, góp phần giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử, truyền thống cách mạng địa phương; có thái độ trân trọng, tình yêu quê hương, đất nước; nâng cao trách nhiệm đối với công tác, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử. Song song với đó, góp phần xây dựng cho thế hệ trẻ một ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực vươn lên làm chủ trên mọi lĩnh vực đời sống, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” khẳng định: “Thanh niên là rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Hơn lúc nào hết, thanh niên hôm nay cần được trang bị đầy đủ hành trang về kiến thức, tinh thần cảnh giác cách mạng, bản lĩnh vững vàng, đủ sức “đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của kẻ thù, đủ năng lực ứng phó với những thách thức “an ninh phi truyền thống” đang phổ biến hiện nay. Mỗi đoàn viên, thanh niên phải sống có mục tiêu, lý tưởng, có ước mơ, hoài bão cao đẹp, trung thực, có tinh thần cảnh giác, tuân thủ nghiêm pháp luật, xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”; ra sức đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, lối sống thực dụng, ích kỷ; chống tâm lý ngại khó, ngại khổ... Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước và tỉnh Điện Biên dần phát triển thì yêu cầu về giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho thế hệ trẻ trong toàn tỉnh càng trở nên cấp thiết.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để thế hệ trẻ Điện Biên nói riêng cũng như thế hệ trẻ cả nước nói chung ôn lại truyền thống hào hùng, chiến công oanh liệt của ông cha; trân trọng biết ơn, tôn vinh sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ đi trước, cùng những cống hiến, hy sinh của các Anh hùng, chiến sĩ, của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các gia đình có công với cách mạng.

 

LÒ THỊ MINH PHƯỢNG
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất