Thứ Tư, 4/12/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 6/5/2024 16:3'(GMT+7)

Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ

Bộ đội ta đọc sách, báo phát hành tại mặt trận Điện Biên Phủ. (Ảnh Tư liệu)

Bộ đội ta đọc sách, báo phát hành tại mặt trận Điện Biên Phủ. (Ảnh Tư liệu)

Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tại Mặt trận Điện Biên Phủ, đã hình thành nên một “binh chủng” khá đặc biệt - “binh chủng báo chí”. Các chiến dịch trước đó đều có phóng viên báo chí đi cùng và mọi liên lạc cũng như hoạt động đều do Tòa soạn ở hậu phương chỉ đạo trực tiếp. Tuy nhiên, mọi hoạt động của báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ đều do cơ quan Tuyên huấn của Mặt trận điều phối và đều được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là chiến dịch đầu tiên xuất bản tờ báo ở mặt trận - tờ Quân đội nhân dân. Tổ chức và hoạt động của báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ là một hiện tượng khá đặc biệt. Tính chất “đặc biệt” đó được thể hiện ở một số điểm sau:

QUY TỤ MỘT LỰC LƯỢNG LỚN TẠO NÊN BINH CHỦNG ĐẶC BIỆT

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất, dài ngày và ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời cũng là chiến dịch có sự tham gia của đội ngũ những người làm báo đông đảo nhất và hoạt động báo chí cũng sôi động nhất. Mặt trận Điện Biên Phủ không chỉ là một trường học tôi luyện bản lĩnh, ý chí, sức bền; bồi đắp khả năng chuyên môn; trình độ tổ chức làm báo ở mặt trận cho đội ngũ báo chí ở cả trong và ngoài Quân đội; mà còn là nơi thể hiện sinh động chức năng, nhiệm vụ của nhà báo - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng.

Ngay từ trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, trong Chỉ thị về công tác tuyên truyền (trong đó có báo chí), Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã chỉ rõ: Nhiệm vụ của công tác truyên truyền là phải làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của chiến dịch; làm cho những nhận định và chủ trương của Trung ương, Tổng Quân ủy biến thành nhận thức và quyết tâm của quần chúng để có thể đảm bảo mọi nhiệm vụ được thành công... Thấu triệt tinh thần đó, nhiều phóng viên báo chí dày dạn kinh nghiệm và có trình độ chuyên môn, giỏi nghiệp vụ đã được những cơ quan báo chí lớn như: Báo Nhân dân, Báo Cứu quốc, Báo Quân đội nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam, Điện ảnh Quân đội nhân dân... lựa chọn và cử lên Mặt trận Điện Biên Phủ. Họ không chỉ là những phóng viên chiến trường giỏi, mà còn là những người làm báo đa năng. Họ cùng với những phóng viên của các tờ tin cấp đại đoàn, trung đoàn... và cả những văn nghệ sĩ, cán bộ tuyên huấn của các cơ quan, đơn vị hình thành nên một “binh chủng báo chí” hùng hậu tác nghiệp ngay tại mặt trận suốt từ giai đoạn chuẩn bị cho đến ngày trao trả những tù binh cuối cùng cho phía Pháp. Bất kể người của báo nào, tất cả đều “nhập cuộc” với một tinh thần đoàn kết, gắn bó tương trợ lẫn nhau, hướng đến cái đích của “người tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể”; hòa mình cùng nhau trao đổi kinh nghiệm làm báo ở chiến trường; chia sẻ thông tin trong ngôi nhà chung “báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ”.

Trong số phóng viên có mặt tác nghiệp ở Mặt trận Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân là cơ quan báo chí có số lượng phóng viên đông đảo nhất và triển khai tác nghiệp ở Mặt trận Điện Biên Phủ sớm nhất. Nhận thức được tầm quan trọng của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và vai trò của báo chí, ngay từ khi chiến dịch chưa mở màn, Ban Biên tập Báo Quân đội nhân dân đã lựa chọn và phái các phóng viên Hoàng Xuân Tùy, Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp, Nguyễn Bích cùng một số nhân viên Nhà in lên đường. Gần đến ngày mở màn chiến dịch, các báo tiếp tục phái các phóng viên của mình lên Tây Bắc. Báo Nhân Dân có Thép Mới, Trần Đĩnh; Báo Cứu quốc có Thái Duy, Chính Yên; Thông tấn xã Việt Nam có Hoàng Tuấn, Đài Tiếng nói Việt Nam có Nguyễn Nhất.... Bên cạnh đội ngũ những người viết báo, làm báo chuyên nghiệp, còn có một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo cũng tham gia vào đội quân báo chí. Họ vừa là nhà văn, nhạc sĩ, nhà quay phim; nhà nhiếp ảnh, họa sĩ... vừa là nhà báo với ngòi bút báo chí khá sắc sảo, trong số đó, có thể kể đến như: Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Trần Dần, Mai Văn Hiến, Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, Triệu Đại, Tiến Lợi, Ngọc Thông... Bổ sung vào đội quân báo chí còn có cán bộ tuyên huấn của các đại đoàn như: Hồ Phương (Đại đoàn 308), Ngọc Bằng, Ngọc Tự, Tạ Hữu Thiệu (Đại đoàn 316), Phác Văn, Lê Nguyễn (Đại đoàn 312)...và cả những cán bộ chính trị của cơ quan Tổng cục Chính trị và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, chỉ huy đại đoàn như: Lê Liêm, Trần Độ, Mạc Ninh, Đoàn Hợp, Đặng Ái, Hoàng Thế Dũng... cũng tham gia vào “đội quân viết báo”. Đó là chưa kể đến đội ngũ làm báo khá đông đảo đến từ các tờ tin của các đơn vị trên khắp mặt trận. Tuy chỉ là biên tập viên của các tờ tin và họ thường bị xếp vào hàng “nghiệp dư”, nhưng họ không khác gì những phóng viên chuyên nghiệp dày dạn kinh nghiệm tác nghiệp ở chiến trường. Nhiều người trong số họ sau khi chiến dịch kết thúc đã “đầu quân” cho báo Quân đội nhân dân và sau này trở thành những nhà báo nổi tiếng như: Nguyễn Trần Thiết, Lê Kim, Đỗ Thân, Đỗ Chí, Lục Văn Thao, Phạm Thanh Tân...

Đội ngũ phóng viên báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ tuy đến từ nhiều cơ quan, nhiều ngành khác nhau nhưng đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Sự chỉ đạo đó có khi hằng ngày, hằng giờ. Đây chính là sự khác biệt so với sự chỉ đạo báo chí ở các chiến dịch trước đó. Có thể thấy bức tranh báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ thể hiện “tính diện”, tính phong phú rất rõ. Đội ngũ những người làm báo chuyên và không chuyên đã mang lại sự đa màu, đa sắc và tính hấp dẫn lôi cuốn người đọc cho báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ nói riêng, báo chí ở hậu phương nói chung.

Viết báo và làm báo ở Mặt trận Điện Biên Phủ dù là chuyên hay không chuyên thì đều phải luôn luôn nhanh nhạy và sáng tạo. Để có được một mẩu tin hay bài phóng sự, họ đều phải tự mình xoay xở lo từ “A” đến “Z”, lo bám sát các mũi, các đơn vị, lo nghĩ đề tài... Tác nghiệp ở Mặt trận Điện Biên Phủ nhưng họ vừa phải lo bài vở phục vụ trực tiếp cho tờ báo và các tờ tin ở mặt trận; đồng thời, vừa phải lo bài vở mang hơi thở của chiến trường gửi về cho tòa soạn báo mình ở hậu phương một cách kịp thời và mang tính thời sự nhanh nhất. Trong hành trang của mỗi một phóng viên mặt trận, ngoài bút, sổ tay để ghi chép, còn có một chiếc đèn hộp để đi lấy tin, viết bài và 2 bộ quai dép cao su dự phòng.

Có thể nói, những người làm báo ở Mặt trận Điện Biên Phủ ngoài sự chịu đựng, thử thách khắc nghiệt của chiến trận, chiến đấu như những người lính thì họ còn phải lăn lộn, hòa mình vào cuộc sống của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong, để cảm nhận được hơi thở của chiến trường, kịp thời cho ra những bài viết đầy sức lay động và lan tỏa, thôi thúc các lực lượng ở mặt trận xốc tới giành toàn thắng và động viên, cổ vũ quân, dân ở hậu phương cả nước dốc sức, dốc lòng cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Với cách đánh “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta thực hiện “vây lấn” Tập đoàn cứ điểm từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Với cách đánh “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta thực hiện “vây lấn” Tập đoàn cứ điểm từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

TỔ CHỨC TÒA SOẠN VÀ XUẤT BẢN TỜ BÁO MẶT TRẬN

Do tính chất đặc biệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ nên trước khi mở màn chiến dịch, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Ban Biên tập Báo Quân đội nhân dân đã thành lập Ban Biên tập Tiền phương và hình thành “bộ khung” Tòa soạn báo mặt trận. Gọi là Tòa soạn nhưng thực ra chỉ là 5 con người đã kể tên ở trên; họ vừa là người lính, vừa là phóng viên, biên tập viên và kiêm cả nhân viên hành chính, trị sự. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, tổ chức bài vở và xuất bản một tờ báo ngay tại mặt trận là cả một loạt vấn đề cần được giải quyết; trong đó, vấn đề gay cấn nhất là nguồn giấy và phương tiện in ấn. Tuy nhiên, cả giấy và máy in đều được chuẩn bị chu đáo từ hậu phương và được vận chuyển công phu lên mặt trận. Với tinh thần chủ động sáng tạo của Ban Biên tập Tiền phương Báo Quân đội nhân dân cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan và đặc biệt là sự “nhập cuộc” đầy hăng hái của đội ngũ những người làm báo ở Mặt trận Điện Biên Phủ, mọi khó khăn, trở ngại từng bước được giải quyết. Báo Quân đội nhân dân ở mặt trận đã “trình làng” đúng hẹn và nhanh chóng trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong. Sự hiện diện của Báo Quân đội nhân dân ở mặt trận đã tạo nên một dấu ấn khá đặc biệt trong lịch sử phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam; đồng thời, cũng là một hiện tượng “độc nhất, vô nhị” của báo chí thế giới đương đại.

Số đặc biệt của báo Quân đội nhân dân tại mặt trận chào mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Số đặc biệt của báo Quân đội nhân dân tại mặt trận chào mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ngày 28/12/1953, Báo Quân đội nhân dân ở mặt trận ra số đầu tiên. Trong suốt thời gian tồn tại ở thung lũng Mường Phăng, đã ra được 33 số, trong đó, có 15 số xuất bản trước ngày mở màn chiến dịch (13/3) vào thời gian bộ đội ta làm công tác chuẩn bị. Do phải tuân thủ yếu tố giữ bí mật quân sự nên hoạt động của báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ cũng trải qua những thời điểm thăng trầm khác nhau. Dẫu vậy, hoạt động của báo chí vẫn bám theo các bước phát triển của chiến dịch như: Giải phóng Lai Châu; Chuẩn bị tiến công; Đợt tiến công vào Phân khu phía Bắc (Him Lam, Độc Lập); Đợt tiến công vào Phân khu Trung tâm; Đòn tổng công kích, giành toàn thắng trên toàn mặt trận.

Độc giả của Báo Quân đội nhân dân ở mặt trận cũng như các tờ tin Đại đoàn, Trung đoàn... chủ yếu là bộ đội, dân công và thanh niên xung phong. Do vậy, viết gì và viết như thế nào cho phù hợp luôn là nỗi trăn trở của đội ngũ những người làm báo và viết báo ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Là tờ báo ở mặt trận, nội dung phản ánh là tin tức chiến sự nhưng trên mỗi số báo vẫn giành một dung lượng nhất định phản ánh hoạt động ở hậu phương, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm yên lòng những người lính, anh chị em dân công, thanh niên xung phong ngoài mặt trận.

Báo Cứu Quốc số đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Báo Cứu Quốc số đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tuy là một tờ báo ở mặt trận, nhưng trên từng số báo đều duy trì được một số chuyên mục khá ổn định được bộ đội, anh chị em dân công, thanh niên xung phong yêu thích đón nhận. Đáng chú ý, trong đó có các nội dung:

Loạt bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Nhóm bài này không chỉ truyền tải những thông điệp mang tính mệnh lệnh, những chỉ đạo mang tầm chiến lược, chiến dịch và chiến thuật có giá trị, những luận văn lý luận chính trị và quân sự sắc sảo... mà có khi còn là những lời động viên nhắn gửi, tâm tình sâu đậm giữa cán bộ và chiến sĩ; giữa đồng đội, đồng chí với nhau nơi chiến trận

Chuyên mục Bình luận quân sự xuất hiện đều đặn trên từng số báo dưới bút danh Chính Nghĩa cũng là một chuyên mục “đinh” luôn hấp dẫn người đọc. Loạt bài ở chuyên mục này tập trung phân tích âm mưu thủ đoạn của địch; giúp cho cán bộ, chiến sĩ mở rộng kiến thức và nhãn quan chiến lược, nâng cao tinh thần cảnh giác. Thậm chí, ở chuyên mục này còn có một số bài ẩn chứa những đòn nghi binh, đánh lạc hướng quân địch.

Chuyên mục Sổ tay kinh nghiệm lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng cũng là một chuyên mục hay, tạo được sức lôi cuốn người đọc. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch diễn ra dài ngày trong điều kiện hết sức khắc nghiệt. Thử thách bản lĩnh, ý chí và sức chịu đựng đối với các lực lượng tham gia chiến dịch là cực kỳ lớn, do vậy, công tác chính trị, tư tưởng luôn được lãnh đạo, chỉ huy các cấp đặc biệt quan tâm. Tác giả của loạt bài viết trên chuyên mục này không chỉ là những cái tên quen thuộc - những cán bộ chính trị dày dạn kinh nghiệm như Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận Lê Liêm, Chính ủy Đại đoàn Trần Độ, các phái viên Mạc Ninh, Đoàn Hợp, Hoàng Thế Dũng, Phác Văn... mà còn có sự góp mặt của nhiều cán bộ tuyên huấn của các đơn vị. Bài viết hầu hết đều ngắn gọn nhưng đã góp phần quan trọng trong việc uốn nắn, xây dựng tư tưởng và củng cố quyết tâm cho các lực lượng tham gia chiến dịch một cách kịp thời và thiết thực.

Một chuyên mục cũng gây ấn tượng không kém khác đối với người lính ở mặt trận, đó là thơ ca, hò vè. Dòng thơ châm biếm trên tờ báo mặt trận gần như gắn với những tên tuổi tác giả quen thuộc như Lê Kim, Phác Văn, Tạ Hữu Thiện... Bên cạnh những dòng thơ, vè châm biếm nỗi khổ của lính Tây ở lòng chảo Điện Biên, thơ đoạt dù, thơ bắn tỉa, thơ chế giễu quan Tây kéo cờ trắng ra hàng..., còn có thơ mở đường, thơ tải đạn, tải lương, những bài thơ từ hậu phương phát động quần chúng gửi ra Mặt trận động viên bộ đội.

Bia lưu niệm Tòa soạn tiền phương và Nhà in Báo Quân đội Nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Bia lưu niệm Tòa soạn tiền phương và Nhà in Báo Quân đội Nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Tùy bút, bút ký cũng là chuyên mục hay của tờ báo ở mặt trận. Nhiều bài tùy bút dường như đã được nhập tâm và trở thành “gối đầu ba lô” của không ít cán bộ, chiến sĩ, anh chị em dân công, thanh niên xung phong. Nổi bật trong 33 số Báo Quân đội nhân dân và các tờ tin xuất bản ở mặt trận có thể điểm qua như: Hoa Găng vẫn đỏ của Chiến Kỳ, Chiến sĩ chống bom nổ chậm của Trần Cư, Đêm nay Bác không ngủ của Phú Bằng, Nhát xẻng của Phác Văn...

Tranh châm biếm được coi như “món đặc sản” của Báo Quân đội nhân dân và nhiều tờ tin ở mặt trận. Nhiều cựu chiến binh Điện Biên Phủ cho biết, lúc bấy giờ cầm tờ báo trên tay, không ai là không chăm chú xem chuyên mục này. Những bức vẽ của Nguyễn Bích, Mai Văn Hiến... không chỉ mang tính hài hước, châm biếm sâu xa, mà còn gửi gắm vào đó nhiều ý tứ đậm chất chính trị. Nó không chỉ mang lại tiếng cười sảng khoái, xua tan sự mệt mỏi căng thẳng cho người lính nơi chiến trận, mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về kẻ địch, về thực tế trên chiến trường.

Những mẩu chuyện thời chiến tập trung chuyển tải những câu chuyện thường nhật của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong; từ chuyện rau, thịt, cá; ăn, ngủ, nghỉ; chuyện đoạt dù, săn Tây... cho đến giới thiệu các tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở mặt trận. Chuyên mục này còn có một số bài mô tả cuộc sống đầy bi hài của binh lính Tây ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Có thể nói, hoạt động của báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ cũng sôi động không kém gì hoạt động tác chiến. Người viết báo và làm báo ở Điện Biên Phủ không khác gì những người lính, họ cũng phải nếm trải chịu đựng những thử thách, gian nan, vất vả, kể cả sự hiểm nguy để có được những số báo, những bản tin mang đầy ắp hơi thở của chiến trường kịp thời đến với bộ đội, dân công, thanh niên xung phong ở mặt trận và đến với quân và dân cả nước. Với họ, được trải qua những ngày tháng làm báo ở Điện Biên Phủ quả là niềm vinh dự và tự hào, đúng như tâm sự của nhà báo Trần Cư - Nguyên Thư ký tòa soạn Báo Quân đội nhân dân ở mặt trận Điện Biên Phủ: Trong đời làm báo, tôi cho đó là những ngày sướng nhất. Ngay lúc bấy giờ thì không thấy sướng đâu, chỉ thấy cực nhọc và vất vả vô cùng. Nhưng rồi với độ lùi của thời gian, ngoảnh đầu nhìn lại nhận thức dần ra ý nghĩa đẹp đẽ và thiêng liêng của nó thì mới thấy đó là hạnh phúc và sung sướng”(1). Có lẽ, đó không chỉ là tâm sự của riêng nhà báo Trần Cư, mà còn là nỗi niềm của những người đã từng được làm báo, viết báo ở Điện Biên Phủ. Họ có quyền tự hào là những người lính của “binh chủng đặc biệt” đã góp phần làm nên một “Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Hoạt động của báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ cũng sôi động không kém gì hoạt động tác chiến. Người viết báo và làm báo ở Điện Biên Phủ không khác gì những người lính, họ cũng phải nếm trải chịu đựng những thử thách, gian nan, vất vả, kể cả sự hiểm nguy để có được những số báo, những bản tin mang đầy ắp hơi thở của chiến trường kịp thời đến với bộ đội, dân công, thanh niên xung phong ở mặt trận và đến với quân và dân cả nước. Với họ, được trải qua những ngày tháng làm báo ở Điện Biên Phủ quả là niềm vinh dự và tự hào xiết bao!

 

 

Đại tá, PGS. TS. TRẦN NGỌC LONG
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

----------------

(1) Trần Cư: Làm báo ở Điện Biên Phủ (In trong cuốn: Thời gian và nhân chứng), Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1994, tr. 145.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất