Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ tổ chức chất vấn và trả lời
chất vấn theo các nhóm lĩnh vực Kinh tế tổng hợp - vĩ mô; Kinh tế ngành;
Văn hóa, Xã hội; Tư pháp, Nội chính, Kiểm toán Nhà nước.
Chiều tối 30/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
chủ trì cuộc làm việc rà soát công tác chuẩn bị chất vấn tại Kỳ họp thứ
6, Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư
Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó
Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Đại tướng Tô Lâm, Bộ
trưởng Bộ Công an tham dự.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó
Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân
Tối cao Lê Minh Trí và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng,
Trưởng ngành…
Tại cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Bùi Văn Cường trình bày báo cáo công tác chuẩn bị chất vấn và trả lời
chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu gợi mở nội dung thảo luận.
Sau đó, các đại biểu thảo luận về phương thức, thời gian chất vấn và
trả lời chất vấn.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao
công tác chuẩn bị tổ chức các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ
họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Qua trao đổi, thảo luận tại cuộc làm việc này giúp tìm ra phương thức
chất vấn hiệu quả nhất, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt
động và uy tín của Quốc hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng mục tiêu của hoạt động chất vấn và
trả lời chất vấn là phải khẳng định được kết quả đã làm được, đồng thời
đánh giá những việc còn phải rút kinh nghiệm, góp phần để Quốc hội thực
hiện giám sát tối cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ nhất trí với phát biểu của Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ rằng thông qua giám sát để các cơ quan cùng tìm ra giải
pháp phù hợp, sát với tình hình thực tiễn, bám sát sự lãnh đạo của Đảng,
đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát triển.
Nhấn mạnh rằng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại Quốc hội luôn
nhận được sự quan tâm từ cử tri, nhân dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề
nghị phát huy những điểm tích cực đã đạt được tại các phiên chất vấn
trước.
Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn ý
kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Gút lại các nội dung đã thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, về cách thức, sẽ tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn theo
các nhóm lĩnh vực Kinh tế tổng hợp - vĩ mô; Kinh tế ngành; Văn hóa, Xã
hội; Tư pháp, Nội chính, Kiểm toán Nhà nước.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được tổ chức trong 2,5 ngày.
Thời gian dành cho mỗi nhóm lĩnh vực khoảng 160-170 phút, nhưng khi điều
hành sẽ linh hoạt theo diễn biến tình thực tế.
Với phương châm "coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát", Chủ
tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ hoạt động chất vấn và trả lời chất
vấn tại Kỳ họp thứ 6 là chất vấn về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV
và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát
chuyên đề, chất vấn.
Tức là chất vấn việc thực hiện “lời hứa” của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành theo 10 Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội khóa XV, không phải là chất vấn những vấn đề nổi lên hiện nay.
Do vậy, các báo cáo và báo cáo tổng hợp của Tổng Thư ký Quốc hội cần
nhóm lại những vấn đề chính theo lĩnh vực đã nêu tại các Nghị quyết chất
vấn và trả lời chất vấn, Nghị quyết giám sát chuyên đề…
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng Thư
ký Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác
chất vấn và trả lời chất vấn.
Quá trình diễn ra các phiên chất vấn cần tổng hợp kết quả chất vấn
ngay sau khi kết thúc chất vấn từng nhóm lĩnh vực để chuẩn bị dự thảo
Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn, kịp thời gửi lấy ý kiến các cơ
quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem
xét, quyết định./.
TTXVN