Thứ Hai, 7/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 30/10/2023 15:19'(GMT+7)

Đại biểu Quốc hội tìm cách gỡ khó cho 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia

Diện mạo nông thôn mới ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Diện mạo nông thôn mới ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Đó là nhận định của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia).

Khó hoàn thành mục tiêu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các chương trình; tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, Chính phủ; sử dụng tối đa kết quả kiểm toán, thanh tra và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho biết việc triển khai chương trình có nhiều hạn chế. Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo.

Tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp, đến 30/6 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm.

Về kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn Mới, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho hay, tính đến 30/6, cả nước có 6.022 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

“Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới,” ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.

Về Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2021-2025, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho hay việc phân bổ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình Giảm nghèo còn chậm. Giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2022 (đến 31/1) chỉ đạt 35,63% kế hoạch.

“Việc phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân vào công tác giảm nghèo còn chưa thực chất. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm chưa thực sự phản ánh đầy đủ các tác động của Chương trình,” ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu vấn đề.

Đối với Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và Miền núi được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 có kinh phí tối thiểu khoảng 137.664 tỷ đồng, gồm 10 dự án, 14 Tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh.

“Kết quả giải ngân đạt thấp, từ năm 2022 đến tháng 6/2023 giải ngân khoảng 18,9% so với kế hoạch trung hạn. Đoàn Giám sát nhận định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao,” Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày.

Dân không muốn thoát nghèo?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng thoát nghèo phải bắt đầu từ ý chí vươn lên của người dân. Sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình, các chính sách của nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thế chính có ý thức vươn lên.

“Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo. Tôi cho rằng cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này,” đại biểu nêu quan điểm.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp. Việc giải ngân trong công tác truyền thông về các chương trình mục tiêu quốc gia cũng còn bất cập, đại biểu cho rằng địa phương cần khắc phục để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân về thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia này.

Cùng quan điểm, Đại biểu Trần Nhật Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thừa nhận rằng thực tế vẫn còn hiện tượng người dân không muốn thoát nghèo để hưởng trợ cấp.

“Các xã vùng cao khi đạt chuẩn nông thôn mới, không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức,” ông Trần Nhật Minh nêu vấn đề.

Đại biểu cho rằng đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm. Bất cập này đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5, theo đó, một số bộ, ngành chưa kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế tác động của các quyết định công nhận xã thôn khu vực I, II, III vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của các đối tượng đang sinh sống, học tập, công tác tại các thôn xã đặc biệt khó khăn nay trở thành thôn, xã nông thôn mới.

Đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể, khả thi, thiết thực để tháo gỡ, khắc phục vấn đề này.

Về vấn đề này, Đại biểu Trần Quang Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng cần tập trung vào công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, khi người dân nắm được hiểu được và đồng tình với chủ trương chính sách thì họ sẽ không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất