Thứ Năm, 28/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 19/5/2014 22:14'(GMT+7)

Kỳ họp thứ 7, Quốc Hội khóa XIII: Dự kiến thông qua 11 dự án Luật, 03 Nghị quyết

Tại buổi họp báo, đại diện Văn phòng Quốc hội và Bộ Thông tin Truyền thông đã trả lời các câu hỏi của nhà báo.

Tại buổi họp báo, đại diện Văn phòng Quốc hội và Bộ Thông tin Truyền thông đã trả lời các câu hỏi của nhà báo.

Theo chương trình, Kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc ngày 20/5 tại Hội trường Bộ Quốc phòng. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 28 ngày, bế mạc ngày 24/6. 

Chủ trì họp báo đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc - Ủy viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đồng chí Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông; buổi họp báo có sự tham dự của gần 300 phóng viên trong và ngoài nước.

Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: Kỳ họp thứ 7 có số lượng các dự án luật được xem xét, thông qua và số lượng các dự án luật được cho ý kiến lần đầu tại Quốc hội tăng lên. Nguyên nhân là tại kỳ họp 7, các bộ, ngành đang tích cực triển khai Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII).

Theo Nghị quyết này, các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Hiến pháp có hiệu lực phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp hiện hành. 

Các dự án luật được thông qua tại kỳ họp thứ 7 gồm Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật đầu tư công, Luật hải quan (sửa đổi), Luật phá sản (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật xây dựng (sửa đổi), Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét về nội dung thi hành khoản 2 Điều 13 Luật quốc tịch Việt Nam.

Các Nghị quyết được trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc gia nhập công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động. 

Quốc hội sẽ dành khoảng 7 ngày để xem xét, thảo luận tại Hội trường, ở tổ về các nội dung Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012; Quốc hội giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012”; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp; Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát. 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời câu hỏi của phóng viên về các nội dung liên quan tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Đặc biệt những câu hỏi liên quan đến tình hình biển Đông hiện nay, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ tình hình Biển Đông là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và toàn xã hội. Hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-81 (Haiyang Shiyou 981) trên vùng biển của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc làm một bên tham gia ký kết. 

Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, Quốc hội sẽ thảo luận về chủ trương và giải pháp của Việt Nam. Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của cử tri cả nước, nhất quán quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

Đề cập về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, đây là việc đúng đắn và cần thiết. Qua đó giúp cán bộ sự “soi” mình, nhận ra ưu, khuyết điểm để làm tốt hơn, phấn đấu, tu dưỡng và cũng là kênh để các cơ quan quản lý cán bộ tham khảo. 

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, có một số vấn đề về thời điểm, đối tượng, hình thức lấy phiếu tín nhiệm cần phải rút kinh nghiệm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 tại kỳ họp thứ 7. 

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 giữ nguyên đối tượng và 3 mức tín nhiệm. Thời gian lấy phiếu tín nhiệm dự kiến được tiến hành vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ, tại kỳ họp cuối năm để có thời gian khắc phục, sửa chữa khuyết điểm…/.

Tuấn Đạt
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất