Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 19/6/2010 21:32'(GMT+7)

Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII thành công tốt đẹp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc kỳ họp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc kỳ họp

Tại kỳ họp này Quốc hội đã tập trung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009, việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2010; tiến hành công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.

Về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước

Quốc hội đã thảo luận, phân tích và thống nhất nhận định: năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, nền kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kinh tế bước đầu đã được phục hồi, tăng trưởng khá, 4 tháng đầu năm 2010 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2009; tỷ lệ thu cân đối ngân sách nhà nước đạt cao hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây; an sinh xã hội và đời sống nhân dân cơ bản được bảo đảm, các điều kiện phúc lợi xã hội tiếp tục được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội nước ta còn không ít khó khăn, thách thức. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững; một số cân đối vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng ở mức cao. Nhập siêu lớn cùng với suy giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài làm ảnh hưởng đến cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế và dự trữ ngoại hối. Việc huy động vốn đầu tư gặp không ít khó khăn; hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh còn thấp. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước, Quốc hội lưu ý, từ nay đến hết năm 2010 Chính phủ cần tiếp tục có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt để khắc phục những yếu kém, hạn chế, thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2010 là: phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn và kiềm chế lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu tăng cường quốc phòng, an ninh; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010.

Quốc hội đã xem xét, thông qua 10 dự án luật

Đó là: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Luật các tổ chức tín dụng; Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật nuôi con nuôi; Luật thi hành án hình sự; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật người khuyết tật; Luật bưu chính; Luật trọng tài thương mại và Luật an toàn thực phẩm; thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII. Việc thông qua các dự án luật, nghị quyết góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; đó là: Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật thanh tra (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính; Luật viên chức; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật khoáng sản (sửa đổi). Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan ngay sau kỳ họp này, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan có liên quan để chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Chủ tịch Quốc hội đặt ra yêu cầu Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến để luật sớm đi vào cuộc sống; thực hiện các biện pháp hữu hiệu góp phần hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2010 và chuẩn bị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành pháp luật; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án trong các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và 2011.

Quốc hội đánh giá cao những ý kiến của cử tri

Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội từ kỳ họp thứ sáu đến kỳ họp này. Cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ niềm phấn khởi trước những kết quả đạt được của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo của Nhà nước, hoan nghênh những cố gắng của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tiến hành giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, ghi nhận những kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan hữu quan; đồng thời cũng nêu ra những băn khoăn về các mặt yếu kém, tiêu cực trong xã hội, nhất là những hiện tượng sa sút về đạo đức, văn hoá, lối sống; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí; giá cả tăng; thiếu điện sản xuất và sinh hoạt; ùn tắc và tai nạn giao thông; ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu, thiết thực của cử tri và nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Thông qua Nghị quyết về “việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học”.

Cùng với việc xem xét các báo cáo kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội về một số vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học”.

Qua giám sát Quốc hội nhận thấy, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, công tác quản lý nhà nước về giáo dục-đào tạo nói chung và việc thành lập các trường đại học, chất lượng giáo dục đại học, trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng dạy… nói riêng còn những hạn chế, yếu kém. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và biện pháp khắc phục, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về vấn đề này nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo giáo dục đại học trong thời gian tới.

Hoạt động chất vấn: đã tập trung vào một số nội dung nổi cộm, bức xúc

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành chất vấn 4 Bộ trưởng và nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo và trả lời chất vấn làm rõ thêm một số vấn đề lớn về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Một số vị Bộ trưởng, Trưởng ngành hữu quan cũng đã tham gia giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn đã tập trung vào một số nội dung quan trọng, nổi cộm, bức xúc thuộc về quản lý vĩ mô; có một số cải tiến về cách tiến hành, đã góp phần làm rõ thêm nhiều vấn đề quan trọng, giúp Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các cơ quan hữu quan thấy rõ hơn trách nhiệm và giải pháp để khắc phục những yếu kém trong công tác, thực hiện tốt hơn nữa chức trách được giao. Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đã nêu; các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện lời hứa. Uỷ ban thường vụ Quốc hội trên cơ sở tổng hợp chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, lựa chọn những vấn đề bức xúc chưa được trả lời trực tiếp tại Hội trường, kết hợp với chất vấn của đại biểu Quốc hội giữa hai kỳ họp Quốc hội để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại một số phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Chưa thông qua Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh

Dự án đường sắt cao tốc với trị giá 56 tỷ USD đã không được Quốc hội thông qua vào chiều 19/6, trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII. Sau khi nghe toàn văn dự thảo Nghị quyết, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết Điều 1 (được thiết kế theo hai phương án) và Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.
Kết quả biểu quyết Điều 1, với phương án 1 chỉ có 42,39% số đại biểu có mặt tán thành và phương án 2 chỉ có 37,53% số đại biểu có mặt tán thành. Còn ở Điều 2 có 31,85% số đại biểu có mặt tán thành.
Với tỷ lệ ủng hộ không quá bán, hai điều cốt lõi của Nghị quyết không được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh là một dự án rất lớn, có mối quan hệ, tác động nhiều mặt, được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở các báo cáo và tờ trình của Chính phủ, lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, Quốc hội đã thảo luận, xem xét, cân nhắc toàn diện các mặt một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, thận trọng dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, giao Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về giao thông trong cả nước cũng như từng vùng, hệ thống giao thông Bắc - Nam.

Cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch Quốc hội nhận định việc lập Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết, nhưng cũng rất khó và hệ trọng. Với tình cảm và trách nhiệm đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, các đại biểu Quốc hội đã phân tích, gợi mở, cho ý kiến về nhiều nội dung của Đồ án, nhất là những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về định hướng không gian đô thị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nhằm từng bước xây dựng Thủ đô xứng tầm với bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng, vị thế chính trị, kinh tế, văn hóa đối với cả nước và khu vực. Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh Đồ án.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (thay thế Nghị quyết số 66/2006/QH11 hiện hành). Trong đó xác định cụ thể các tiêu chí về quy mô vốn đầu tư, khả năng ảnh hưởng đến môi trường, trách nhiệm của chủ đầu tư và các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước,… đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn nhằm nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội nói riêng, của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quản lý và sử dụng có hiệu quả các công trình, dự án có quy mô lớn đầu tư tại Việt Nam và ra nước ngoài.

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008, chỉ ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác điều hành ngân sách.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo đối với ông Nguyễn Thiện Nhân để tập trung làm nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ và bổ nhiệm ông Phạm Vũ Luận giữ chức Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo; miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội đối với ông Nguyễn Hoàng Anh để tập trung hoàn thành nhiệm vụ mới và bầu ông Mai Xuân Hùng giữ chức Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội.

Nhìn lại toàn bộ diễn biến của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đây là một trong những kỳ họp sôi động, hấp dẫn và có chất lượng cao, giải quyết được một khối lượng lớn công việc với nhiều nội dung quan trọng. Chương trình được sắp xếp hợp lý; nội dung thảo luận tập trung, đi thẳng vào các vấn đề khó có nhiều ý kiến khác nhau, đã tạo nên sức cuốn hút ngay từ đầu và ở hầu hết các buổi thảo luận, nhất là ở Hội trường. Không khí thảo luận thẳng thắn, dân chủ, xây dựng, có trao đi đổi lại, tranh luận, thuyết phục nhau bằng lý lẽ trí tuệ và thực tiễn cuộc sống, qua đó mà tạo được sự thống nhất cao trên nhiều vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, kết quả của kỳ họp này làm tăng thêm kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.

Để phát huy những kết quả của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị:

- Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các ngành, các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, triển khai thực hiện nghiêm túc các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh tuyên truyền để thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong việc khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2010 và 5 năm 2006-2010.

- Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và đổi mới công tác tiếp xúc cử tri.

- Các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, đồng thời, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến của cử tri với Quốc hội; giám sát, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; góp phần gắn kết, củng cố hơn nữa mối liên hệ giữa hoạt động của Quốc hội, của các vị đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân cả nước; gương mẫu và động viên nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, nhiệm vụ đặt ra cho sáu tháng cuối năm 2010 và những năm tiếp theo là rất nặng nề. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010; lập thành tích xuất sắc chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Kỷ niệm 65 năm thành lập Nước, 65 năm Quốc hội Việt Nam, Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2010), thay mặt Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cảm ơn và nhiệt liệt chúc mừng đội ngũ những người làm báo qua các thời kỳ - những chiến sĩ xung kích trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất