Tại buổi gặp mặt, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; nguyên Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm; ông Nguyễn Khắc Huỳnh và ông Phạm Ngạc đã nhấn mạnh 4 bài học lớn trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris. Đó là: Đánh giá được sức mạnh, tương quan lực lượng trên chiến trường và tình hình quốc tế; tận dụng thời cơ và có sách lược khôn ngoan để tối đa hóa lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ trong ngoại giao; cán bộ các ngành, đặc biệt là ngành ngoại giao cần giữ vững truyền thống đoàn kết, phẩm chất tốt đẹp của ngành và học tập không ngừng.
|
Quang cảnh cuộc gặp mặt ngày 25-1 tại Hà Nội. |
“Cuộc đấu tranh ở Hội nghị đàm phán Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị với công tác ngoại giao nước nhà ngày nay và mai sau. Đó là phải có sách lược khôn ngoan, xác định rõ cái gì là chính yếu; phải có chủ trương, chiến lược ngoại giao đúng đắn; đặc biệt đánh giá chính xác sức mạnh, tương quan lực lượng trên chiến trường, tình hình thế giới; biết đánh giá và kết hợp giữa sức mạnh nội lực và tận dụng cơ hội tình hình quốc tế”, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhận định.
Nguyên Phó chủ tịch nước cũng cho rằng, đàm phán ngoại giao muốn thắng lợi phải xuất phát từ nội lực của đất nước. Trước đây là sức mạnh về quân sự, nhưng giờ đây phải bao gồm cả sức mạnh kinh tế, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ngoại giao. “Đặc điểm ngành ngoại giao của chúng ta có ba mảng: Ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng và ngoại giao nhân dân. Ngoại giao nhân dân rất linh hoạt và rộng lớn. Trong tình hình mới hết sức phức tạp, phong trào hòa bình thế giới hiện nay non yếu đi, thậm chí mâu thuẫn nhau, do đó, ngoại giao nhân dân càng cần được quan tâm, nghiên cứu kỹ hơn để áp dụng hiệu quả, góp phần phát huy vai trò kết hợp chặt chẽ, giúp đỡ các mặt trận ngoại giao khác”, bà Nguyễn Thị Bình nêu rõ.
Nguyên Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định, cuộc đàm phán Hiệp định Paris là thành công lớn về nhiều mặt, không chỉ đối với Việt Nam mà với toàn thế giới, nhờ vào sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyên Phó thủ tướng chỉ rõ những lợi điểm mang lại từ việc thường xuyên nghiên cứu, thảo luận tình hình, trên cơ sở đó đề ra chiến lược, chính sách quân sự, ngoại giao phù hợp. Bên cạnh đó, cuộc chiến đấu phải tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, trong đó có dư luận của chính nước đối thủ. "Kinh nghiệm là muốn đánh địch trên bàn đàm phán phải hiểu địch, cần phải biết lúc nào mình có thể đánh, lúc nào có thể nhượng bộ...", nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nói.
|
Các nhà ngoại giao lão thành chụp ảnh lưu niệm cùng với thế hệ trẻ của Bộ Ngoại giao, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp định Paris. |
Nhấn mạnh nguyên tắc độc lập, tự chủ trong quá trình đàm phán, ông Nguyễn Khắc Huỳnh cho rằng: “Hiệp định Geneve là nơi các nước lớn ngồi với nhau, Việt Nam không có được độc lập, tự chủ là bao nhiêu. Nhưng tới Hiệp định Paris, ta rất độc lập, tự chủ, từ chủ trương đến biện pháp, từ nội dung đến từng câu chữ trong hiệp định. Chỉ đạo của Bộ Chính trị về Hiệp định Paris cực kỳ chặt chẽ, đến từng câu, từng chữ. Có những câu chữ chúng tôi phải xin ý kiến từ Hà Nội, rồi mới được đưa vào trong hiệp định. Sau 45 năm, đọc lại văn bản hiệp định, chúng tôi cũng không thể sửa được một câu từ nào vì nó quá chặt chẽ”.
Cũng theo nhà ngoại giao lão thành này, dù Hà Nội cách Paris hàng nghìn cây số, nhưng việc trao đổi thông tin giữa Hà Nội và đoàn đàm phán luôn được duy trì hằng ngày. “Cứ từ sáng đến chiều có thông tin, từ chiều đến sáng hôm sau lại có thông tin. Có 4 loại thông tin mà chúng tôi được nhận hằng ngày. Đó là thông tin tình hình đất nước, thông tin tình hình quốc tế liên quan đến quá trình đàm phán, dư luận quốc tế về cuộc đàm phán, những điều đoàn cần chú ý trong dư luận Mỹ và quốc tế. Những thông tin từ trong nước gửi cho đoàn rất kỹ. Chúng tôi ngồi đọc thông tin mà cứ như mình đang ở nhà do thông tin cung cấp rất đầy đủ, dù thời kỳ đó cực kỳ khó khăn”, ông Huỳnh chia sẻ.
Như vậy, sau gần 5 năm, cuộc đàm phán Paris đã kết thúc bằng việc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27-1-1973. “Khi chúng ta đi, chúng ta không có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán đa phương, nhưng chúng ta đã vượt qua và giành được kỳ tích”, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định.
LINH OANH/QĐND