(TG) - Tối 16/5, tại Khu đền thờ Lý Thường Kiệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) diễn ra Lễ kỷ niệm 1.000 năm Ngày sinh Thái úy Lý Thường Kiệt (1019 - 2019).
Tới dự, có các đồng chí: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn huyện Yên Phong.
Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt, sau được ban quốc tính (được mang họ của vua), nên gọi là Lý Thường Kiệt. Ông sinh năm Kỷ Mùi (1019) vào thời vua Lý Thái Tổ, quê gốc ở làng An Xá, huyện Quảng Đức, kinh thành Thăng Long, mất năm Ất Dậu (1105) dưới thời vua Lý Nhân Tông.
Lý Thường Kiệt là nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc thời nhà Lý nước Đại Việt. Về chính trị, Lý Thường Kiệt là bậc đại danh thần, là chỗ dựa tin cậy và vững chắc của nhà Lý, đặc biệt dưới thời trị vì của Hoàng đế Lý Nhân Tông. Ông làm quan qua 3 triều vua: Lý Thái Tông (1028 - 1054), Lý Thánh Tông (1054 - 1072) và Lý Nhân Tông (1072 - 1127).
Ông làm Tể tướng 2 lần dưới thời Lý Nhân Tông và là một trong ba người phụ chính khi vua còn nhỏ tuổi. Về quân sự, ông là bậc đại danh tướng, là linh hồn của những chiến công hiển hách trong lịch sử nước nhà ở thế kỷ XI. Ông nổi bật với việc chinh phạt Chiêm Thành (1069), đánh phá 3 châu Khâm, Ung, Liêm nước Tống (1075 - 1076). Và đặc biệt, cách đây 942 năm, vào mùa Xuân năm 1077, trên bờ sông Như Nguyệt (sông Cầu, xã Tam Giang, huyện Yên Phong) ông đã chỉ huy trận quyết chiến chiến lược của quân và dân Đại Việt đánh bại đại quân nhà Tống do Quách Qùy, Triệu Tiết chỉ huy, làm thất bại hoàn toàn cuộc xâm lược của nhà Tống.
Trong lịch sử văn học, Lý Thường Kiệt là cây đại bút, nhiều tài liệu cho rằng ông là tác giả của “Nam quốc Sơn hà” - áng hùng thi có giá trị thiêng liêng như bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước ta.
Với những công lao hiển hách, Lý Thường Kiệt được cả triều đình nhà Lý trân trọng và tôn vinh. Tài năng quân sự kiệt xuất của ông làm kẻ thù khiếp đảm và nể phục.
Năm 2013, Lý Thường Kiệt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách một trong 14 vị Anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của lịch sử Việt Nam.
Để tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Việt Quốc Công, Thái úy
Lý Thường Kiệt và các vị anh hùng, bậc tiền nhân, tỉnh Bắc Ninh đã phê
duyệt Dự án phân khu khu du lịch, lịch sử - văn hóa chiến tuyến Như
Nguyệt, với tổng diện tích hơn 250 ha, hình thành năm phân khu. Trong
đó, phân khu 1 là Đền chính, có diện tích gần 9 ha, là một trong sáu
công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh. Sau hai năm tổ chức triển khai
dự án, đến nay, một số hạng mục chính đã được hoàn thành, với tổng kinh
phí gần 200 tỷ đồng.
Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã trao
Bằng xếp hạng Đền thờ Lý Thường Kiệt là Di tích lịch sử - văn hóa cấp
tỉnh./.
AT