Sáng ngày 27/6, Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với gia đình các nghĩa sĩ tham gia vụ Hà Thành đầu độc tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm sự kiện Hà Thành đầu độc, tại khuôn viên di tích – nơi mà 110 năm trước, các nghĩa sĩ từng bị thực dân Pháp giam trong các xà lim chờ ngày hành quyết như: Nguyễn Trí Bình, Đặng Đình Nhân, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Đắc A, Đỗ Văn Đàm….
Lễ kỷ niệm 110 năm sự kiện Hà Thành đầu độc (Ảnh:BTC)
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, tinh thần quả cảm, khí phách của các nghĩa sỹ tham gia sự kiện Hà thành đầu độc, ngày 27/6/1908 vẫn vang vọng, ngời sáng trong lịch sử của dân tộc. Cuộc binh biến Hà Thành tuy không thành công, nhưng đã gây chấn động hệ thống cai trị của chính quyền thực dân ở Đông Dương. Trong bức thư ngày 28/6/1908, viên Toàn quyền Đông Dương gửi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp ghi rõ sự kiện ngày 27/6 đã làm cho nhiều người Pháp hoảng sợ. Họ tụ tập trước Phủ Thống sứ Bắc Kỳ để biểu tình yêu cầu nhà cầm quyền có biện pháp cứng rắn để đối phó tình thế. Sĩ quan và binh lính Pháp cũng sợ hãi, không dám ăn cơm ở trại. Báo chí tay sai thi nhau công kích Bộ Chỉ huy và Sở Mật thám đã dò la được thông tin nhưng không ngăn chặn được vụ việc. Cuộc binh biến Hà thành tuy không thành công, nhưng đã gây chấn động hệ thống cai trị của chính quyền thực dân ở Đông Dương.
Lễ kỷ niệm 110 năm sự kiện Hà thành đầu độc là dịp để thế hệ ngày nay hiểu rõ hơn về cuộc khởi nghĩa mang tính chất táo bạo, quyết liệt. Đầu độc chỉ bước đầu tiên, để sau đó phối hợp với nghĩa quân Yên Thế đánh chiếm Thành phố Hà Nội; thu thập thêm nhiều thông tin, tư liệu lịch sử liên quan đến thế hệ tù chính trị đầu tiên bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cũng như ảnh hưởng của sự kiện Hà Thành đầu độc trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Lễ kỷ niệm còn góp phần bồi đắp niềm tin, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
TG