Thứ Sáu, 29/11/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 31/3/2012 22:18'(GMT+7)

Kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975- 30/4/2012: Bản hùng ca đèo Phượng Hoàng

*Đập tan “Cánh cổng thép”

Chúng tôi tìm gặp Đại tá Nguyễn Quang Lâm (trú tại tổ 2, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang). Ông nguyên là Phó chính ủy Trung đoàn 24 (thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) là người trực tiếp tham gia trận đánh trên đèo Phượng Hoàng, dẫn quân tiến công thần tốc giải phóng Khánh Hòa vào ngày 2/4.

“Địch đã dồn toàn bộ quân lực vào đèo Phượng Hoàng biến đây thành “cánh cổng thép”. Do đó, tin đèo Phượng Hoàng bị QĐNDVN đánh tan tành đã khiến quân địch ở đồng bằng hoảng loạn, khiếp sợ. Toàn bộ Quân đoàn 2 ngụy ở Khánh Hòa tháo chạy tán loạn. Nhờ vậy, việc giải phóng Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh hầu như không đổ máu”- ông Lâm hồi tưởng.

Tuy tuổi đã gần 80, nhưng ông Lâm vẫn còn rất minh mẫn, giọng nói sang sảng, bừng bừng khí thế. Nói về vị thế chiến lược của đèo Phượng Hoàng, ông cho biết: “Nằm trên tuyến đường 21 (nay là Quốc lộ 26), đèo Phượng Hoàng dài gần 20km với nhiều đoạn đường quanh co, khúc khuỷu và có vị thế then chốt, là cửa ngõ nối Tây Nguyên xuống đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ. Sau khi thất thủ ở Buôn Ma Thuột, quân Ngụy Sài Gòn triển khai lực lượng mở phòng tuyến đèo Phượng Hoàng hòng đón cánh quân thất thủ ở Buôn Ma Thuột, mặt khác chốt chặn, ngăn không cho cho lực lượng giải phóng tiến công xuống đồng bằng. Với chốt chặn này, chúng hy vọng có thời gian tổ chức lại lực lượng để tái chiếm Buôn Ma Thuột, thủ phủ Tây Nguyên”.

Ngày 21/3/1975, quân Ngụy tung Lữ đoàn dù thiện chiến số 3 với lực lượng gần 4.000 tên cùng quân Bảo An tại địa phương, trường huấn luyện sĩ quan, biệt kích Lam Sơn, Dục Mỹ phối hợp với sư đoàn không quân ở Phan Rang (Ninh Thuận) chi viện tối đa thiết lập nên hệ thống phòng thủ tại giữa và 2 đầu đèo Phượng Hoàng, tổng chiều dài hơn 7 km. Với không quân, pháo binh, xe tăng, lực lượng bộ binh chốt chặn ở các vị trí xung yếu…đèo Phượng Hoàng thực sự trở thành “cánh cổng thép”.

Từ 30/3, trận chiến đã nổ ra ác liệt. Ba ngày liên tiếp, quân ta và địch quần nhau quyết liệt giành giật từ ụ súng, tấc đất. Trước sức tiến công liên tục, dũng mãnh của Sư đoàn 10, đến chiều ngày 1/4 quân giải phóng đã đánh chiếm được khu trung tâm đèo Phượng Hoàng, làm chủ 6 cụm phòng thủ, xóa sổ Lữ dù số 3 và thu giữ toàn bộ quân trang của địch. Rạng sáng ngày 2/4, Trung đoàn 24 và tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 28 làm đổ bộ vào thị trấn Ninh Hòa và tiến quân thẳng vào Nha Trang. Đến chiều ngày 2/4, thị xã Nha Trang hoàn toàn được giải phóng.

* Thay da đổi thịt

Sau trận chiến đấu ác liệt, tuyến đường qua đèo Phượng Hoàng và vùng đất này hầu như tan hoang. Năm 1975 xã Ninh Tây được tách ra từ xã Ninh Sim với dân số chỉ hơn 100 hộ dân, đa số là đồng bào Raglai và Ê Đê. “Lúc chiến tranh, đèo Phượng Hoàng là một trong những vị trí quan trọng của quân ta từ Tây Nguyên xuống Khánh Hòa, từ Cam Ranh, Khánh Vĩnh qua huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) và tỉnh Phú Yên… Do đó, Mỹ-Ngụy nhiều lần phun chất độc da cam, tổ chức nhiều đợt truy quét hòng ngăn chặn quân ta hành quân, chiến đấu. Sau chiến tranh, vùng đất này, rừng còn rậm rạp. Người dân chủ yếu sinh sống bằng việc trồng lúa rẫy, trồng bắp. Đời sống vô cùng khó khăn”- ông Phạm Văn Ngoan Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ninh Tây cho biết.

Khó khăn là thế, nhưng bây giờ về lại Ninh Tây, đa số người dân đều xây dựng nhà cửa khang trang, nhà nào cũng có ti vi, xe máy, thậm chí nhiều hộ còn sắm cả ô tô, máy cày… Đứng trên đèo Phượng Hoàng nhìn về phía đồng bằng, những cánh đồng mía chạy tít tắp, nhà xây, ngói đỏ, trên tuyến Quốc lộ 26 xe cộ chạy nườm nợp… Năm 2009, toàn xã có đến 414 hộ nghèo nhưng đến nay số hộ nghèo giảm đi nhanh chóng chỉ còn 161 hộ. Kinh tế người dân ngày càng nâng cao, nhiều đồng bào dân tộc như: anh Y Hàng, Y Dô, Y Cốt mỗi năm thu nhập 500- 700 triệu đồng từ trồng mía.

Ông Sử Hồng Quốc Tịnh phấn khởi cho biết: “Năm 1994, nhờ đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cùng với sự ra đời của nhà máy đường Ninh Hòa, người dân trong xã được vận động, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hàng chục ha mía ra đời sau đó, bước đầu đã nâng cao đời sống người dân. Đến năm 2011, toàn xã có hơn 2.100 ha mía, sản lượng gần 10.000 tấn, mỗi tấn mía có giá khoảng 1 triệu đồng. Hiện nay, Ninh Tân là xã có diện tích trồng mía nhiều nhất tỉnh Khánh Hòa, một trong những địa phương cung cấp nguyên liệu mía hàng đầu cho hai nhà máy đường Khánh Hòa, Ninh Hòa.”

Cùng với phong trào kinh tế mới, rất nhiều người dân từ mọi miền đất nước đến với Ninh Tây xây dựng vùng đất này làm cho nó ngày một thay da đổi thịt. Ông Phan Ngọc Hà (trú tại thôn Xóm Mới, quê ở Nghệ An) cho biết: “Đến với vùng đất đầy bom đạn này gần như bằng hai bàn tay trắng, nhờ chính quyền tạo điều kiện, đến nay thu nhập của gia đình có năm lên đến tiền tỷ. Kinh tế ngày một khấm khá, gia đình đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc để phục sản xuất, xây dựng quê hương thứ hai này ngày càng giàu mạnh.”

Tuy kinh tế ngày càng phát triển, nhưng xã vẫn còn không ít hộ nghèo, ông Sử Hồng Quốc Tịnh trăn trở: “Số hộ nghèo tập trung ở đồng bào dân tộc Raglai, Ê Đê. Trong năm 2012, xã đề ra nhiều kế hoạch như: sử dụng quỹ đất, các công trình phúc lợi dành cho đồng bào thiểu số, hướng cho họ định canh định cư, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, kiên cố hóa kênh mương, làm đường mới… Hy vọng vùng đất Ninh Tây gắn liền với địa danh lịch sử đèo Phượng Hoàng ngày càng phát triển, không phụ công lao các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi đây để dành lại độc lập tự do”./.

Quang Đức - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất