Nằm trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm, Bộ Thông tin và Truyền thông
tổ chức khu trưng bày với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí
lãnh đạo Đảng, Nhà nước với ngành Bưu điện” gồm nhiều hình ảnh, hiện vật...
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ kỷ niệm
70 năm Bác Hồ đến thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ (17/1/1946 - 17/1/2016)
tại trụ sở 75 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, nay là Bưu điện Hà Nội.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn
Bắc Son cho biết cách đây tròn 70 năm, ngày 17/1/1946, trong hoàn cảnh
cả nước dốc sức bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, Bác Hồ đã dành
thời gian đến thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ, thể hiện sự quan tâm sâu
sắc của Người đối với công tác giao thông, thông tin, liên lạc.
Những lời căn dặn gần gũi của Bác Hồ trong chuyến thăm này đã khích lệ
hàng vạn cán bộ, công nhân viên toàn ngành Bưu điện nói chung và Bưu
điện Trung ương Bờ Hồ nói riêng nỗ lực cống hiến công sức, đóng góp vào
thành công của cuộc kháng chiến, đồng thời chỉ ra đường hướng cho ngành
trong suốt chặng đường phát triển sau này.
Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Bưu điện đứng trước nhiều thách thức
lớn, trong khi đó công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi
mức độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế rất cao.
Lãnh đạo ngành Bưu điện thấm nhuần tư tưởng của Người đã xác định Bưu
chính Viễn thông là nền tảng phát triển của các ngành kinh tế-văn hóa-xã
hội, cần táo bạo đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, bỏ
qua công nghệ trung gian; vượt qua cấm vận bằng sự mềm dẻo, linh hoạt
trong quan hệ quốc tế, đa dạng hóa đối tác để tranh thủ vốn, công nghệ,
phá bỏ độc quyền...
Nhờ đó, Việt Nam đã hiện đại hóa và phát triển bưu chính, viễn thông
ngang tầm các nước tiên tiến. Mạng lưới bưu chính có trên 12.700 điểm
phục vụ, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,87km/điểm. Mạng viễn thông đạt
tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 40% đến 50%.
Bên cạnh đó, ngành đã tích cực, chủ động tham mưu xây dựng và tổ chức
triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước, tạo dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh trong
lĩnh vực thông tin và truyền thông, từng bước hình thành các doanh
nghiệp lớn trong ngành như Tập đoàn VNPT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam
(VNPost), Tổng Công ty viễn thông MobiFone...
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh với quyết tâm thực hiện thành công
chiến lược tăng tốc “đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ
thông tin và truyền thông”, trong thời gian tới toàn ngành cần tập trung
phát triển bưu chính, viễn thông, công nghiệp công nghệ thông tin, coi
đây là ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, trọng điểm, hạ tầng của hạ tầng,
đóng góp tỷ trọng lớn cho tăng trưởng GDP của đất nước.
Bên cạnh đó, ngành phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và
truyền thông, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; tiếp tục ứng dụng
công nghệ thông tin có hiệu quả trong các hoạt động của cơ quan nhà
nước, trong doanh nghiệp và toàn xã hội. Đồng thời, ngành cần phấn đấu
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tái cấu trúc lĩnh vực bưu chính-viễn thông,
tiếp tục phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến các xã, phường,
thôn, bản trên cả nước, phục vụ kịp thời nhu cầu sử dụng của người dân
và công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.
Nằm trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm, Bộ Thông tin và Truyền thông
tổ chức khu trưng bày với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí
lãnh đạo Đảng, Nhà nước với ngành Bưu điện” gồm nhiều hình ảnh, hiện vật
thể hiện các nội dung: Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tem Bưu chính cách
mạng Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thông tin liên lạc và
ngành Bưu điện; dấu ấn 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bưu điện
Trung ương Bờ Hồ; sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác thông
tin liên lạc trong thời kỳ phát triển, hội nhập.../.
(TTXVN)