Chủ Nhật, 22/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 2/8/2015 23:55'(GMT+7)

Kỳ thi phổ thông trung học quốc gia 2015 - Dưới góc nhìn xã hội

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quôc tế, trong thời gian qua, một số vấn đề trọng điểm của giáo dục và đào tạo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như toàn ngành giáo dục tập trung triển khai như đổi mới chương trình và sách giáo khoa; đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục-đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục... Trong số những vấn đề ấy, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo coi là khâu đột phá và quyết tâm thực hiện nhằm đảm bảo có được một kết quả giáo dục trung thực, khách quan, chất lượng thực sự, đồng thời tiến tới giải quyết dần từng bước những bất cập trong chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta trong thời gian qua.

Nghị quyết số 29 đã định hướng "Việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội. 

Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học."

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2015 đã kết thúc. Tuy nhiên, để có cái nhìn khách quan về chất lượng kỳ thi trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung và đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng theo tinh thần định hướng của Nghị quyết số 29 đề ra, bài viết sẽ trình bày những nội dung, khía cạnh cơ bản xung quanh kỳ thi này trên cơ sở tư liệu khảo sát địa phương và điều tra dư luận xã hội.

Về công tác chuẩn bị cho tổ chức kỳ thi được chuẩn bị kỹ lưỡng, có trách nhiệm. Có thể nói, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã vào cuộc, chăm lo tốt cho kỳ thi. Các ngành, các cấp ban hành kịp thời, đầy đủ hệ thống văn hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác thi theo đúng quy định. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo sát sao, quyết liệt trong việc chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, quán triệt tinh thần và quy chế thi, đảm bảo an ninh, an toàn giao thông trong những ngày diễn ra kỳ thi. Tại các địa phương có điểm thi, trước và trong những ngày thi, các cấp ủy, chính quyền cùng người dân địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ việc ăn, ở, đi lại của thí sinh và phụ huynh, tạo mọi điều kiện để cán bộ coi thi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, ngành giáo dục đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai công tác coi thi, chấm thi nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng kỳ thi.

Dư luận xã hội đánh giá cao sự chăm lo của cả hệ thống chính trị - xã hội, sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực của ngành giáo dục đối với kỳ thi. Kỳ thi được tiến hành đúng tiến độ, kế hoạch, có xu hướng tiết kiệm chi phí cho xã hội, giảm áp lực cho thí sinh và phụ huynh.

Tuy nhiên, dư luận xã hội còn băn khoăn về một số bất cập diễn ra trong kỳ thi:

Trong kỳ thi này, hai đối tượng học sinh đăng ký thi (một đối tượng thi chỉ để xét tốt nghiệp và một đối tượng thi để xét tuyển vào các trường đại học) cùng thi chung một đề thi. Do vậy, việc này đã làm nảy sinh tình huống bất cập đó là, đối tượng thi chỉ để xét tốt nghiệp chỉ có thể làm được hết câu hỏi thi trong khả năng xét tốt nghiệp và sẽ phải ngồi chờ đến giờ theo quy định mới được nộp bài. Điều này tạo nên sự ức chế về tâm lý dễ dẫn đến những hiện tượng tiêu cực trong giờ thi.

Việc tổ chức thi cho các đối tượng thi chỉ để xét tốt nghiệp có những bất cập, lãng phí trong việc bố trí phòng thi, điểm thi, lực lượng tổ chức thi ở các địa phương, ở các điểm thi gần nhau, nhưng mỗi điểm thi chỉ có một phòng thi rất ít thí sinh, thậm chí chỉ có 1 thí sinh trong một phòng thi của một hội đồng.

Tính phân hóa hai đối tượng dự thi của đề thi năm nay chưa thực sự chắc chắn. Ngay trong cùng đối tượng vừa thi để lấy bằng TN phổ thông vừa dự tuyển đại học thì đề thi cũng khó có thể phân hóa và đánh giá được chính xác được một số đối tượng xuất sắc và khá, giỏi.

Thời gian tổ chức thi chưa thật sự khoa học gây tâm tư cho cán bộ giáo viên. Đó là, sau khi tổ chức kỳ thi quốc gia, các cơ sở giáo dục sẽ tiến hành tuyển sinh các lớp đầu cấp. Như vậy, cán bộ giáo viên không có thời gian nghỉ hè như trước đây.

Thời gian môn thi Địa lý, Lịch sử áp dụng chung cho cả đối tượng thi chỉ để xét tốt nghiệp là quá dài, không phù hợp với các em.

Dư luận xã hội băn khoăn về tính nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ trong công tác coi thi ở hai cụm. Nhiều ý kiến cho rằng, việc coi thi ở cụm thi địa phương không chặt chẽ, còn ở cụm thi quốc gia thì ngược lại, hết sức chặt chẽ, kỷ luật. Do đó, việc đánh giá đúng chất lượng kỳ thi và năng lực học sinh là chưa thực sự có độ tin cậy cao. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào của các trường đại học, cao đẳng.

Với kết quả đỗ tốt nghiệp cao như vậy(91,58%), vẫn đề đặt ra cho chúng ta là công tác phân luồng học sinh đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của đất nước trong hiện tại và tương lai có khả thi và có chất lượng thực sự. Liệu rằng, vấn đề mất cân đối về nguồn nhân lực lao động trong nước hiện nay có dần được giải quyết triệt để.

Có thể thấy, đổi mới là một yêu cầu thiết yếu mà cuộc sống luôn đặt ra cho mọi lĩnh vực trong xã hội con người. Không có gì là nhất thành bất biến. Đổi mới là để thích ứng với những đổi thay theo năm tháng trong sự vận hành đi lên của mỗi quốc gia, dân tộc. Giáo dục không phải là ngoại lệ, ngược lại, đây là lĩnh vực vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của các quốc gia. Một thực tế cho thấy, các quốc gia phát triển đều có nền giáo dục tiên tiến, phát triển. Một quốc gia muốn phát triển cần có nguồn nhân lực tốt và muốn có nguồn nhân lực tốt thì cần có một nền giáo dục tốt. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, giáo dục Việt Nam đang dần chuyển bước để có thể bước vào sân chơi quốc tế theo như tinh thần Nghị quyết số 29 đã quán triệt, định hướng. Dù là vậy nhưng việc đổi mới cũng cần có những tính toán, định liệu khoa học trong từng bước đi để quãng đường đi đến đích được gần nhất, ít rủi ro nhất, tạo đồng thuận xã hội cao nhất. Phía sau kỳ thi quốc gia còn nhiều vấn đề chúng ta cần nhìn nhận lại, bởi lẽ, đây là đổi mới cách thi, kiểm tra, đánh giá diễn ra trong bối cảnh nền giáo dục chúng ta đang vận hành với một khung chương trình cũ, bộ sách giáo khoa cũ. Vậy, sau khi có chương trình và sách giáo khoa mới, vấn đề thi, kiểm tra, đánh giá như hiện nay có còn khả thi! Điều này tùy thuộc nhiều vào tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo các bộ, ngành mà trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác chỉ đạo đổi mới giáo dục.

 TS. Đào Nguyên Phúc
Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất