Đã 76 tuổi, nhưng giọng bà Nguyễn Thị Quýnh (ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) vẫn sôi nổi khi được gợi nhắc về thời kỳ Phong trào “Ba đảm đang”, mà bà là một trong ba hạt nhân đề xuất.
Bà nhớ lại: "Ngày đó, chồng đi thanh niên xung phong ra tiền tuyến, tôi ở nhà tích cực lao động sản xuất, chăm sóc hai con nhỏ cùng mẹ già. Với bản tính xông xáo, năng nổ, ham hoạt động phong trào đoàn thể nên tôi được chị em xã Trung Châu tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ (HPN) xã. Nơi tiền tuyến, chiến tranh ngày càng diễn ra ác liệt; ở quê nhà, chị em ra sức thi đua với rất nhiều phong trào sôi nổi. Hòa chung với khí thế thi đua “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ngày 5/2/1965, Ban Chấp hành HPN huyện Đan Phượng tổ chức họp hội nghị mở rộng để phổ biến tình hình và xác định nhiệm vụ trọng tâm. Chị em bàn bạc sôi nổi, thống nhất đề xuất với Huyện ủy phát động Phong trào “Ba đảm nhiệm” và ngày 8/3/1965, HPN huyện Đan Phượng chính thức phát động phong trào này".
Chỉ sau thời gian ngắn, phong trào đã gây được tiếng vang và có sức lan tỏa rộng khắp, được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đánh giá cao và quyết định nhân rộng. Ngày 22/3/1965, Hội LHPN Việt Nam chính thức phát động Phong trào “Ba đảm nhiệm” thành cao trào rộng lớn khắp miền Bắc với ba nội dung được rút gọn: Đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế chồng con đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Phong trào nhanh chóng được triển khai đến mọi miền, mọi nhà; được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo hội viên phụ nữ.
Một niềm vui lớn với chị em phụ nữ: Bác Hồ rất chú ý đến phong trào và chính Người đã chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang”. Lần đầu tiên Phong trào “Ba đảm đang” được Bác viết trong văn bản “Lời kêu gọi nhân ngày 20/7/1965”, khuyến khích chị em thực hiện thật tốt phong trào này, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sớm đi đến thắng lợi.
Bà Quýnh hào hứng kể: Xác định được mục tiêu của phong trào, chị em ra sức thi đua lao động sản xuất; một người làm việc bằng hai, bằng ba. Dù ăn uống kham khổ nhưng ai cũng làm việc hăng hái không biết mệt. Ngày đi làm, tối đi họp, rồi cắt cử nhau đến từng nhà vận động thanh niên lên đường tòng quân… Chị em xã này, huyện này thi đua với chị em xã khác, huyện khác…
“Vui nhất là trong dịp kỷ niệm 50 năm Phong trào “Ba đảm đang” tổ chức tại Hà Nội cách đây hai năm, tôi có dịp hội ngộ với bà Nguyễn Thị Mười, một trong những điển hình Phong trào “Ba đảm đang” tỉnh Hải Dương"-bà Quýnh tâm sự. Chuyện là, bà Quýnh đã nghe tiếng và nể phục bà Mười từ thời đó, nhưng phải đến năm 2015, hai bà mới chính thức gặp mặt. Bà Nguyễn Thị Mười ở xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương là Chiến sĩ thi đua toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 1967-1970, có nhiều sáng kiến đưa vào áp dụng trong sản xuất, góp phần đưa Hợp tác xã Đại Xuân trở thành điển hình về sản xuất nông nghiệp của miền Bắc, là “kiện tướng bèo hoa dâu”, đại biểu trẻ của Quốc hội khóa IV...
Hơn nửa thế kỷ đã qua, nhưng mỗi khi nhắc đến Phong trào “Ba đảm đang”, những nhân chứng một thời như bà Quýnh, bà Mười vẫn bừng bừng nhiệt huyết và bồi hồi xúc động, bởi phong trào có sức sống mạnh mẽ, hiệu triệu mọi tầng lớp phụ nữ tham gia, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Bài, ảnh: Vân Anh (QĐND)