Thứ Sáu, 25/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 21/12/2016 23:44'(GMT+7)

Ký ức người lính và nghĩa tình đồng đội

Các đơn vị trong Trung đoàn 27 xây dựng quyết tâm chiến đấu đầu năm 1972. Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp

Các đơn vị trong Trung đoàn 27 xây dựng quyết tâm chiến đấu đầu năm 1972. Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp

Đó là trận đánh mở màn Chiến dịch Trị - Thiên mùa Xuân năm 1972, của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 (Mặt trận B5) lúc 10 giờ 40 phút ngày 30 tháng 3 năm 1972 (phải nổ súng trước giờ G 50 phút) tại điểm cao 322, điểm cao 288 tiêu diệt Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 56 Ngụy, góp phần làm nên bản anh hùng ca bất diệt trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.            

Trước khi ta mở màn chiến dịch Trị - Thiên năm 1972, lực lượng địch ở tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế có hai sư đoàn bộ binh số 1 và 3; hai lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 147 và 258; bốn tiểu đoàn và 94 đại đội Bảo an; 302 trung đội dân vệ; 5.100 Cảnh sát; 14 tiểu đoàn pháo binh gồm 258 khẩu; ba thiết đoàn gồm 184 xe tăng, thiết giáp…

Ở Quảng Trị, Sư đoàn 3 và các lữ đoàn phối thuộc tổ chức phòng thủ thành năm khu vực cấp trung đoàn, trong đó Trung đoàn 57 bố trí từ Quán Ngang đến Dốc Miếu, Trung đoàn 2 từ Bái Sơn đến Cồn Tiên, Trung đoàn 56 từ điểm cao 241 đến Tân Lâm, Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến từ Mai Lộc đến Động Toàn, Lữ đoàn 258 từ Tân Điền đến điểm cao 367. Sở chỉ huy Sư đoàn 3 đặt tại Ái Tử. Căn cứ vào tình hình địch phòng thủ trên chiến trường, ta tổ chức lực lượng tác chiến thành bốn cánh quân từ bốn phía: Bắc, Tây, Nam Đông. Nhiệm vụ của Trung đoàn 27 trong giai đoạn 1 của chiến dịch là tiêu diệt địch ở điểm cao 544 (Phu Lơ) và Đồi Tròn, mở cánh cửa ở hướng Tây Bắc để các đơn vị chủ lực vào tiến công giải phóng Quảng Trị. Đây là lần thứ ba Trung đoàn 27 được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt căn cứ Phu Lơ từng được địch ví như “con mắt thần” bất khả xâm phạm trên tuyến hàng rào điện tử Mác Na – Ma – Ra bởi nó là cứ điểm cao nhất nằm ở phía Tây Bắc Quảng Trị, là tấm lá chắn cho căn cứ 241 và căncứ Đầu Mầu.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, phương án tác chiến của Trung đoàn 27 đã được Bộ Tư lệnh chiến dịch phê duyệt là: Sử dụng Tiểu đoàn 1 (thiếu) và Tiểu đoàn 2 tiến công tiêu diệt địch ở điểm cao 544 và Đồi Tròn từ phía Tây và Tây Bắc. Sử dụng Tiểu đoàn 3, Đại đội 17 súng cối 82 ly và Đại đội 21 (Nay là Đại đội 16) Súng máy Cao xạ 12,7 ly của Trung đoàn 27, bí mật luồn sâu vào Đông Nam điểm cao 322, điểm cao 288 xây dựng trận địa phục kích “đón lõng” tiêu diệt địch cơ động từ Cam Lộ theo đường tăng lên tiếp viện giải vây cho điểm cao 544 và Đồi Tròn khi bị ta tiến công. Đồng thời “đón lõng” tiêu diệt địch rút chạy từ điểm cao 544 và Đồi Tròn về quận lỵ Cam Lộ. Sở chỉ huy Trung đoàn 27 đặt ở điểm cao 425 do Trung đoàn trưởng Phạm Minh Tâm và Chính ủy Võ Hiển chỉ huy.

Đêm 29 tháng 03 năm 1972, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và Chính trị viên Trần Xuân Gừng, Tiểu đoàn 3 và Đại đội 17 Súng cối 82 ly, Đại đội 21 (nay là Đại đội 16) Súng máy Cao xạ 12,7 ly của Trung đoàn 27 (Mặt trận B5), đã chiếm lĩnh xong trận địa phục kích tại điểm cao 322 và điểm cao 288.

Đúng 7 giờ ngày 30 tháng 03 năm 1972, năm chiếc xe tăng của địch ở quận lỵ Cam Lộ bất ngờ bắn pháo vào trận địa phục kích của Đại đội 2. Ngay sau đó hai chiếc máy bay trực thăng vũ trang H34 (thường gọi là máy bay cá lẹp) cũng xuất hiện và bắn pháo khói vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 3 làm cho hai chiến sĩ ta bị thương. Trước tình huống đó, có người nhận định trận địa phục kích của ta đã bị lộ, đề nghị tiểu đoàn cho ĐKZ và Đại liên nổsúng. Nhưng bằng kinh nghiệm của một người chỉ huy dạn dày trận mạc, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu vẫn bình tĩnh kiểm tra xem xét tình hình rồi rút ra kết luận: “Địch chỉ bắn dọn đường và thăm dò, trận địa phục kích vẫn chưa bị lộ”.

Đúng như phán đoán của ta, vào lúc 9 giờ ta phát hiện có khoảng một tiểu đoàn địch đang hành quân từ phía Cam Lộ lên điểm cao 105 đầu đội hình còn cách trận địa phục kích của Đại đội 1 ở Nam điểm cao 322 khoảng 200m thì dừng lại nghỉ ngơi. Cùng lúc ấy trinh sát Tiểu đoàn 3 cũng phát hiện có một tốp dân gồm cả người già và phụ nữ tay cầm dao đang đi qua trận địa phục kích của Đại đội 1. Tình huống thật bất ngờ, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu lệnh cho Đại đội 1 tuyệt đối giữ bí mật để cho tốp dân tiếp tục vượt qua điểm cao 322. Khi đoàn người đã vượt qua yên ngựa nối điểm cao 322 với điểm cao 288, Chính trị viên Trần Xuân Gừng chỉ huy bộ đội hình thành thế bao vây tiếp cận với dân. Khi bộ đội ta bất ngờ xuất hiện, ban đầu có không ít người đân đã hoang mang lo sợ. Nhưng khi nghe ta giải thích về chính sách khoan hồng của quân giải phóng, họ mới yên tâm và cho biết: Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 56 đang hành quân lên thay thế cho Tiểu đoàn 3 đang phòng thủ ở điểm cao 544 (Phu Lơ) và Đồi Tròn. Chúng bắt dân đi trước để thăm dò, nếu phát hiện thấy Việt Cộng thì chạy về báo sẽ được trọng thưởng.

Khi thấy tốp dân đi tiền trạm đã vượt qua yên ngựa của điểm cao 322 mà vẫn không có động tĩnh gì, tiểu đoàn địch tiếp tục hành quân. Lúc này là 10 giờ 40 phút, còn 50 phút nữa mới đến giờ G, giờ nổ súng tiến công địch trên toàn mặt trận. Làm sao đây? Địch hành quân hết sức chủ quan. Một phần đội hình hành quân của địch đã lọt vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 3 từ Nam điểm cao 322 đến Bắc điểm cao 288. Nếu không nhanh chóng tiêu diệt lực lượng này thì chỉ nửa giờ đồng hồ nữa thôi, Tiểu đoàn 2 sẽ hợp quân với Tiểu đoàn 3 tại điểm cao 544 và Đồi Tròn. Đến lúc ấy, chẳng những thời cơ tiêu diệt địch của Tiểu đoàn 3 sẽ qua đi, mà Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 làm nhiệm vụ tiêu diệt địch ở điểm cao 544 và Đồi Tròn cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Và, ở giây phút cần quyết đoán của một người chỉ huy, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu vừa điện thoại báo cáo Trung đoàn trưởng Phạm Minh Tâm và Chỉnh ủy Võ Hiển, vừa phát lệnh nổ súng tiêu diệt địch trước giờ G.

Thế là, sau loạt mìn định hướng của Đại đội 1 hất bọn địch đổ rạp xuống bên đường, 8 khẩu cối 82 ly của Tiểu đoàn 3 và đại đội 17 bắn đồn dập vào đội hình quân địch đang lội qua sông Cam Lộ và quân địch ở bờ Nam sông Cam Lộ. Đại đội 1 của Tiểu đoàn 3 ở điểm cao 322  lập tức chia thành ba mũi tiến công, mũi thứ nhất do Trung đội trưởng Trung đội 1 chỉ huy đánh thẳng từ điểm cao 322 xuống quân địch ở chân điểm cao 322. Mũi thứ hai do Trung đội trưởng Trung đội 2 chỉ huy cơ động sang phái Tây Nam điểm cao 288 đánh thốc vào bên sườn quân địch. Mũi thứ ba phối hợp với Đại đội 2 vận động tiêu diệt địch ở bờ sông Cam Lộ. Bị tấn công bất ngờ từ ba hướng, bọn địch còn sống sót cố co cụm ở bờ Bắc sông Cam Lộ và phía Nam điểm cao 288 để chống trả ta chờ lực lượng phía sau lên tăng viện. Khẩu 12,7 của tôi và Đại đội 21 sau khi hạ thấp nòng súng bắn vào bọn địch đang hành quân trên đường tăng ở điểm cao 322 và tiêu diệt được 3 tên địch, đã được lệnh chuyển hướng bắn vào đội hình địch bên bờ Nam và trên sông Cam Lộ. Ngay lập tức tôi rê nòng súng về phía mục tiêu bóp cò nhiều điểm xạ dài. Những viên đạn vạch đường rời nòng súng cắm phập vào mục tiêu bên bờ sông Cam Lộ làm cho đội hình địch càng thêm rối loạn. Từ điểm cao 288, điểm cao 322 những khẩu cối 82 ly trong tầm bắn quan sát trực tiếp đã thi nhau thả đạn chính xác vào mục tiêu bộ binh lộ ở bờ Nam sông Cam Lộ vừa ngăn chặn không cho địch ở bờ Bắc sông Cam Lộ liều lĩnh vượt sông rút chạy về quận Cam Lộ, đồng thời hỗ trợ cho các chiến sĩ bộ binh Tiểu đoàn 3 xuất kích tiêu diệt chỉ huy Tiểu đoàn 2 và lực lượng địch co cụm ở Nam điểm cao 288, Nam điểm cao 322 và bờ Bắc sông Cam Lộ.

Sau tiếng kèn đồng phát lệnh xung phong của đồng chí Lê Văn Dần, liên lạc Tiểu đoàn 3, các chiến sĩ bộ binh Tiểu đoàn 3 đồng loạt hô xung phong thoát ly công sự tiêu diệt địch. Trong lúc Tiểu đoàn 3 đang xuất kích đánh địch từ hướng Đông, hướng Tây và hướng Bắc điểm cao 322, điểm cao 288 hất địch xuống dòng sông Cam Lộ để súng cối 82 ly và súng máy 12,7 ly của ta tiêu diệt. Thì một chiếc máy bay L19 - đây là loại máy bay trinh sát thường bắn pháo khói chỉ điểm mục tiêu cho không quân hoặc pháo binh đánh phá từ phá từ hướng Nam bay đến. Nó nghiêng cánh lượn một vòng xung quanh điểm cao 322 và điểm cao 288 để quan sát mục tiêu. Nhưng hình như tên phi công chưa phát hiện được ranh giới an toàn giữa bộ binh địch với lực lượng ta để bắn pháo khói chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh bắn phá. Nên nó thay đổi đường bay và hạ thấp độ cao bay dọc theo con đường tăng từ phía điểm cao 544 về hướng Cam Lộ. Chỉ chờ có thế, khi cả chiếc máy bay đã lọt vào vòng ngắm nhìn thấy rõ cả đầu tên phi công trong buồng lái, tôi lập tức bóp cò. Khẩu 12,7 ly rung lên tuôn 5 viên đạn vạch đường vào chiếc máy bay, một bó đuốc thắp lên từ thân chiếc máy bay cùng với tiếng hò reo của các chiến sĩ bộ binh: Trúng rồi, cháy rồi!

Tôi ngừng bắn thở phào nhẹ nhõm xen lẫn niềm vui chợt trào dâng khó tả trong lòng. Bất chợt tôi nghĩ đến cha tôi. Tôi nghĩ đến cái dáng thất thần và giọt nước mắt của cha tiễn tôi ngày ra trận. Tôi lẩm bẩm trong mồm, cha ơi! Thằng Á của cha vừa mới lập công đầu cha có vui không?

Lúc ấy là 11 giờ 30 ngày 30 tháng 03 năm 1972, chiếc máy bay L19 bốc cháy cùng lúc với giờ G cũng chính thức bắt đầu. Bầu trời Quảng Trị rền vang tiếng nổ của hỏa lực pháo binh ta bắn phá căn cứ địch. Trong thế thượng phong của người làm chủ trận đánh, Tiểu đoàn 3 và các đơn vị phối thuộc đã tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 56 Ngụy ở điểm cao 322, điểm cao 288 và bờ sông Cam Lộ trong trận đánh mở màn chiến dịch Trị-Thiên mùa xuân năm 1972. Trận đánh này đồng chí Nguyễn Việt Mão của Đại đội 1, Tiểu đoàn 3 đã lập công xuất sắc bắt sống 12 tên tù binh trong đó có cả tên Thiếu tá Hà Thúc Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 56 Ngụy. Riêng tôi cũng lập chiến công tiêu diệt được ba tên địch bộ binh và bắn rơi một máy bay L19. Sau này, khi trở về bình xét thi đua ở Nông trường Quyết Thắng, đồng chí Nguyễn Đình Quế - Khẩu đội trưởng;đồng chí Ngô Xuân Lục, Khẩu đội phó, và tôi – Nguyễn Văn Á xạ thủ số 1 được đề nghị cấp trên tặng Huân chương chiến công Giải phóng hạng Ba.

Gần 45 năm đã trôi qua, đồng đội của tôi giờ đây người còn, người mất. Nhưng hàng năm, mỗi khi gặp mặt chúng tôi lại cùng nhau ôn lại kỷ niệm không thể nào quên trong trận đánh mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị mùa Xuân năm 1972 ở điểm cao 322 và điểm cao 288. Đối với tôi, kỷ niệm này càng không thể nào quên bởi nó đã ghi tên tôi vào Bảng vàng lập công   phòng truyền thống của đơn vị. Trở thành niềm tự hào của tôi – một người lính Trung đoàn 27, Đoàn Triệu Hải anh hùng trong những tháng năm “Ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam” cùng cả nước trên chiến hào đánh Mỹ.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn hằng ấp ủ ý định đến một ngày nào đó, tôi sẽ xây dựng một tấm bia ghi lại chiến công của Tiểu đoàn 3 và Đại đội 21 trong trận đánh ngày 30 tháng 03 năm 1972 ở điểm cao 322 và điểm cao 288 đã đi vào lịch sử của Trung đoàn 27, Đoàn Triệu Hải anh hùng, như chúng tôi đã từng xây dựng Khu tưởng niệm 81 liệt sĩ của Đại đội 21 (Nay là Đại đội 16), và xây dựng Khu tưởng niệm 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27 tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị để tri ân đồng đội.

 
Nghĩa tình đồng đôi
Lắp đặt nhà bia tại Khu tưởng niệm 2.500 Liệt sỹ Trung đoàn 27 ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Ảnh do tác giả cung cấp

Nguyễn Văn Á

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất