Thứ Sáu, 18/10/2024

Kỳ vọng những giải pháp đột phá về công tác cán bộ

 

Hai mươi năm thực hiện chiến lược cán bộ và những bài học quý giá cho chúng ta Đổi mới công tác cán bộ là nhu cầu tự thân của Đảng

Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Dư luận nhân dân ghi nhận, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt như thời gian gần đây; việc xử lý nghiêm những cán bộ có vi phạm đã cho thấy không còn “vùng cấm”. Thế nhưng, bên cạnh việc vui mừng là các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chỉnh đốn quyết liệt trong đội ngũ cán bộ, thì cũng buồn lo khi có quá nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, biểu hiện ở con số xử lý kỷ luật đảng hằng năm, chưa kể vi phạm chưa phát hiện hoặc những nguy cơ tiềm ẩn vi phạm chưa được nắm bắt kịp thời để ngăn chặn. Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Ðảng.

Vì vậy, người dân mong đợi và kỳ vọng hội nghị lần này sẽ có những đánh giá sâu sắc về công tác cán bộ thời gian qua, nhất là mổ xẻ những tồn tại, bất cập để từ đó đề ra giải pháp hiệu quả, mang tính chất đột phá trong thời gian tới. Cơ sở đặt niềm tin vào hội nghị là công tác chuẩn bị được triển khai rất bài bản, chu đáo. Dự thảo “Ðề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị TƯ 7 được xây dựng công phu, thận trọng hằng năm qua với hàng loạt công việc tiến hành từ trung ương tới địa phương; Ban Chỉ đạo đề án tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo ở ba miền lấy ý kiến góp ý từ các tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành… để tiếp thu, nghiên cứu, cập nhật, hoàn thiện đề án.

Không chỉ bàn bạc về công tác cán bộ nói chung, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được nhấn mạnh tại hội nghị lần này cho thấy yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn. Ðây cũng là lần đầu tiên, vấn đề cán bộ cấp chiến lược được phân tích, đánh giá toàn diện, trong đó thẳng thắn nhìn nhận thực trạng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đồng thời đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiện đang có sự chuyển giao giữa lớp cán bộ được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được Ðảng, Nhà nước đào tạo trong môi trường xã hội chủ nghĩa sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên trong hòa bình, được đào tạo từ nhiều nguồn, ở nhiều nước khác nhau. Vì vậy đòi hỏi phải khẩn trương có sự đổi mới về mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực, về quan điểm, tiêu chuẩn, tiêu chí, phương pháp đánh giá, bổ nhiệm cán bộ… để kịp thời có đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có năng lực, đáp ứng vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác đánh giá cán bộ mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo nhưng vẫn là khâu yếu, dẫn đến việc sử dụng, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập. Chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu còn xảy ra ở nhiều nơi. Không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao... Khắc phục tình trạng này, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 89-QÐ/TW ngày 4-8-2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Căn cứ quy định, các ngành, địa phương, đơn vị đã bước đầu có những đổi mới về đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, đây chỉ là một khâu trong công tác cán bộ, mong rằng Hội nghị TƯ lần này sẽ có những quyết sách đổi mới toàn diện, hiệu quả về công tác cán bộ. Trong đó, cần thật sự phát huy được vai trò của nhân dân trong công tác cán bộ cũng như vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để góp phần tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất