Thứ Sáu, 18/10/2024

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chăm lo lợi ích thiết thực cho người lao động

 

Tuy nhiên, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; một số doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước chấp hành pháp luật về lao động, CĐ chưa tốt làm ảnh hưởng đến nhiều NLĐ. Mối quan hệ lao động ngày càng phức tạp và hệ thống chính sách, pháp luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới.

 

Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, LĐLĐ các tỉnh thành phố, các CĐ ngành Trung ương, các cấp CĐ trong toàn quốc tích cực đổi mới tổ chức và hoạt động; thiết thực chăm lo lợi ích của đoàn viên (ĐV) gắn với đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tham gia xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh.

 

Các cấp CĐ tập trung triển khai nhiều hoạt động đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ĐV, NLĐ. Tổ chức CĐ phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, ĐV trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Nhiều đề xuất của CĐ được tiếp thu, góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ĐV và NLĐ, tiêu biểu là tham gia xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi); các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, Luật CĐ năm 2012 về quyền, trách nhiệm của CĐ, tài chính CĐ, chế độ chính sách đối với lao động nữ; xử phạt hành chính hành vi vi phạm pháp luật CĐ. Các cấp CĐ đã tích cực tham gia với chính quyền, cơ quan chuyên môn đồng cấp trong xây dựng cơ chế, chính sách, nội quy, quy chế thuộc ngành, địa phương, đơn vị và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

 

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chăm lo lợi ích thiết thực cho người lao động

Người lao động Nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng)

hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: PHẠM THU HẰNG.

 

Tổng LĐLĐ Việt Nam thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện ĐV, NLĐ nghiên cứu, đề xuất, tham gia hiệu quả trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, cải thiện đời sống ĐV, NLĐ, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Việc nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được các cấp CĐ chú trọng thực hiện, ban hành nhiều quy định mới, góp phần cụ thể hóa các quy định của pháp luật, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của đơn vị; nội dung thỏa ước tập trung vào những cam kết thiết thực có lợi hơn cho NLĐ về tiền lương, tiền thưởng, bảo đảm việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa ứng xử; thực hiện chính sách bình đẳng giới... Đến nay, các cấp CĐ đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể. Việc thí điểm thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ở doanh nghiệp chưa thành lập CĐ, thỏa ước lao động tập thể ở một số ngành, nhóm doanh nghiệp, đề án xây dựng thư viện thỏa ước lao động tập thể điện tử đạt được kết quả bước đầu. CĐ đã chủ động tham gia, phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn đồng cấp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, từng bước nâng cao số lượng, chất lượng hội nghị NLĐ. Bình quân hằng năm có 98% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và 55% doanh nghiệp có tổ chức CĐ tổ chức hội nghị NLĐ. Các cấp CĐ có nhiều nỗ lực trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc. Từ hơn 9.000 cuộc đối thoại định kỳ, hơn 400 cuộc đối thoại đột xuất năm 2014 đã tăng lên 18.000 cuộc đối thoại định kỳ, hơn 1.400 cuộc đối thoại đột xuất vào năm 2017.

 

Thông qua đối thoại, nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc của NLĐ được giải quyết kịp thời; nhiều khó khăn của doanh nghiệp cũng được NLĐ chia sẻ; vai trò của tổ chức CĐ trong quan hệ lao động được thể hiện rõ nét hơn. CĐ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng cùng với các cấp, các ngành thực hiện kết luận của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần kéo giảm các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Nhiều nơi, cán bộ CĐ bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ĐV, NLĐ, thông tin kịp thời diễn biến phát sinh ở cơ sở, tích cực phối hợp với người sử dụng lao động, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ổn định tư tưởng, giải quyết kiến nghị, bức xúc trong công nhân, NLĐ, nhất là ở những doanh nghiệp gặp khó khăn, chủ bỏ trốn, doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động... Chương trình phối hợp giám sát thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp có tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước ở các địa phương trong thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội, pháp luật lao động, Luật CĐ. Thông qua hoạt động tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam và CĐ các cấp đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật; đề xuất nhiều giải pháp tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý vi phạm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; đồng thời trực tiếp thông tin, hướng dẫn, giải đáp về pháp luật cho địa phương, ngành, cơ sở và NLĐ; góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ĐV, NLĐ, nâng cao chất lượng của công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lao động, CĐ. Hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức CĐ được quan tâm; một số trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn được nâng cao năng lực, mở rộng phạm vi hoạt động, chủ động tiếp cận trực tiếp NLĐ. Số ĐV, NLĐ được tư vấn ngày càng tăng, lĩnh vực tư vấn ngày càng phong phú, số vụ việc tư vấn thành công đạt tỷ lệ cao.

 

Hoạt động tham gia đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho ĐV, NLĐ được các cấp CĐ quan tâm thường xuyên, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia an toàn vệ sinh lao động; phong trào quần chúng tham gia công tác an toàn vệ sinh lao động với hệ thống an toàn vệ sinh trong các cơ sở sản xuất ngày càng được phát triển sâu rộng; phong trào “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” hướng vào thực hiện hiệu quả bảo vệ môi trường, thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh; xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao ý thức của người sử dụng lao động và NLĐ trong việc thực thi, tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Hoạt động khoa học và công nghệ về an toàn vệ sinh lao động được quan tâm, nghiên cứu đề xuất bổ sung các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm.

 

Hoạt động chăm lo lợi ích luôn được các cấp CĐ quan tâm thực hiện, hình thành những chương trình cụ thể, thiết thực cho ĐV và NLĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” mở ra những điều kiện mới để tổ chức CĐ tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa hoạt động CĐ và ĐV, NLĐ; trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của NLĐ như: Nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, chăm sóc y tế, trung tâm văn hóa, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao, tư vấn pháp luật... Thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”, các cấp CĐ đã có nhiều hình thức, biện pháp phối hợp với người sử dụng lao động, góp phần cải thiện bữa ăn giữa ca, chăm lo sức khỏe cho ĐV, NLĐ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc.

 

Chương trình phúc lợi cho ĐVCĐ với điểm khởi đầu năm 2017 là năm “Vì lợi ích ĐV”, đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về hoạt động CĐ theo hướng mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho NLĐ là ĐVCĐ, tạo sự khác biệt rõ nét so với NLĐ chưa là ĐVCĐ. Sau hơn một năm thực hiện, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp CĐ đã tổ chức đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác với hàng trăm đối tác là các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho ĐV và NLĐ với giá ưu đãi, góp phần cải thiện đời sống ĐV và NLĐ.

 

Chương trình “Tết sum vầy” được triển khai từ năm 2015, huy động các nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện để NLĐ được sum họp với gia đình; trực tiếp trợ giúp những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm... hướng tới mục tiêu mọi ĐV, NLĐ đều được chăm lo trong dịp Tết. Chương trình "Mái ấm CĐ” đã được cấp CĐ tích cực thực hiện với nhiều phương thức hiệu quả, trở thành chương trình có ý nghĩa nhân văn to lớn. Trong 5 năm qua, đã có hơn 17.000 gia đình ĐV, NLĐ nghèo được xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền gần 400 tỷ đồng. Quỹ xã hội từ thiện "Tấm lòng vàng Lao động” không ngừng phát triển, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực cho NLĐ...

 

Các cấp CĐ đã vận động ĐV, NLĐ tham gia và luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong các cuộc vận động xã hội, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống tương thân, tương ái. Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức CĐ đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đào tạo được 165.000 người, góp phần nâng cao trình độ nghề nghiệp cho NLĐ.

 

Để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ĐV, NLĐ; đổi mới căn bản hoạt động chăm lo cho ĐV, NLĐ theo hướng hình thành chính sách an sinh xã hội của CĐ, tạo niềm tin để củng cố, tăng cường sự gắn bó chặt chẽ, bền vững giữa ĐV, NLĐ với tổ chức CĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp CĐ quyết tâm đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức CĐ. Hoàn thiện quy trình, nâng cao năng lực đội ngũ, chuyên nghiệp hóa cán bộ CĐ tham mưu chính sách, pháp luật. Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp. Tăng cường vai trò của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ, tư vấn, đồng hành cùng CĐ cơ sở trong quá trình đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Tập trung nâng cao số lượng, chất lượng hội nghị cán bộ công chức, hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc theo quy định. Tăng cường tổ chức tư vấn, hỗ trợ CĐ cơ sở trong quá trình tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, chú trọng quy trình, lực lượng, hình thức đối thoại đột xuất liên quan những vấn đề bức xúc, cấp bách của NLĐ. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật CĐ... Cùng với đó, cơ quan chức năng tích cực, chủ động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Đi sâu, đi sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐV, NLĐ. Chú trọng tham gia giải quyết ngay từ đầu các vướng mắc, bức xúc ở cơ sở; nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ.

 

Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp CĐ cũng tiếp tục đẩy mạnh Chương trình phúc lợi ĐVCĐ, triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, chủ động tìm kiếm đối tác mới với các sản phẩm dịch vụ mới, tổ chức đàm phán, ký kết mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho ĐVCĐ. Phát huy hiệu quả những thiết chế của tổ chức CĐ trong việc chăm lo ĐV, NLĐ, nhất là ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Phát huy vai trò của tổ chức CĐ trong việc tham gia giải quyết việc làm bền vững cho NLĐ, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức CĐ.

 

Tập trung đầu tư nghiên cứu, khảo sát, dự báo tình hình tác động đến việc làm của NLĐ. Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho ĐVCĐ. Nghiên cứu hình thành cơ chế để xác định các trường hợp khó khăn bất khả kháng của ĐV, NLĐ để hỗ trợ kịp thời. Phát triển Chương trình “Tết sum vầy”, Chương trình "Mái ấm CĐ”, Quỹ xã hội từ thiện “Tấm lòng vàng Lao động”, Quỹ bảo trợ trẻ em CĐ Việt Nam. Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay vốn từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, tổ chức chương trình tài chính vi mô CĐ, trọng tâm phục vụ ĐV, NLĐ...

 

Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất