Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng kế hoạch Năm an toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe” nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích còn rất đáng lo ngại trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông và các đợt khám sức khoẻ.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng về vấn đề này.
- Ông đánh giá như thế nào về tình hình tai nạn giao thông trong năm vừa qua?
Ông Khuất Việt Hùng: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương đã giúp cho tình hình trật tự an toàn giao thông có những chuyển biến rất tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Cụ thể, 11 tháng của năm 2019, toàn quốc xảy ra 15.885 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.975 người, bị thương 12.144 người; so với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 935 vụ (giảm 5,5%), số người chết giảm 520 người (giảm 6,9%), số người bị thương giảm 962 người (giảm 7,3%).
Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia dự kiến năm 2019 số người chết do tai nạn giao thông sẽ ở mức dưới 8.000 người (tương đương với mức năm 2000), trong khi số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp 9 lần (năm 2000 có gần 7 triệu xe, năm 2019 có gần 63 triệu xe).
Như vậy, số người chết giảm trên 5% so với năm 2018, đây là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2014 đến nay.
- Dù tai nạn giảm sâu nhưng còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe chở khách, xe container, lái xe sử dụng rượu bia, ma túy. Vậy nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này là do đâu, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích còn rất đáng lo ngại trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông và các đợt khám sức khoẻ tập trung do ngành giao thông thực hiện, tỷ lệ còn thấp so với thực tế.
Trong khi đó, số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong các dịp cao điểm; ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe... còn diễn ra khá phổ biến.
Công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế, sự phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, lực lượng có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý lái xe, dữ liệu về an toàn giao thông giữa ngành công an và giao thông vận tải.
Tình trạng buông lỏng quan lý Nhà nước để xảy ra vi phạm quy định về quy hoạch và xây dựng ảnh hưởng đến an toàn giao thông còn diễn ra phổ biến, đặc biệt là dọc hành lang các tuyến Quốc lộ trọng điểm và trong các đô thị lớn.
- Ông có thể cho biết chủ đề được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ lựa chọn thông điệp gì cho an toàn giao thông năm 2020 và những biện pháp căn cơ để giảm thiểu tai nạn giao thông?
Ông Khuất Việt Hùng: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng kế hoạch Năm an toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe” nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông về chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông, nhất là các quy định pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 và thông điệp “Đã uống rượu, bia không lái xe”; các Nghị định thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và đường sắt, Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô... sẽ là những giải pháp “mạnh tay” để hạn chế hành vi lái xe trong người có nồng độ cồn.
Ủy ban An toàn giao thông cũng đưa ra mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019; giảm tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, ùn tắc giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý; chạy quá tốc độ quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy; sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện cơ giới; vi phạm quy định về tải trọng; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài...
- Xin cảm ơn ông./.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 11 tháng của năm 2019, lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương đã lập biên bản xử lý hơn 3.899.292 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền hơn 2.505 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe trên 319.000 trường hợp, tạm giữ trên 583.000 phương tiện.
Tính đến ngày 14/11/2019, toàn quốc đăng ký mới là 369.458 xe ôtô, 3.676.090 xe môtô, nâng tổng số phương tiện đã đăng ký là 4.265.934 ôtô, trên 58.520.860 xe môtô./.
Theo Vietnam+