(TG) - Trong 9 tháng năm 2019, thực hiện chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ủy ban ATGTQG, Bộ GTVT và của UBND tỉnh trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Thanh Hóa, 9 tháng năm 2019 trên địa bản tỉnh xảy ra 333 vụ, làm chết 122 người, làm bị thương 305 người, so cùng kỳ 2018 giảm 21 vụ tai nạn giao thông (TNGT) (giảm 5,9%), tăng 09 người chết (tăng 7,9%), giảm 04 người bị thương (giảm 1,3%). Nguyên nhân dẫn đến tai nạn chủ yếu do việc vi phạm tốc độ, thiếu chú ý quan sát, tránh vượt, chuyển hướng sai quy định khi tham gia giao thông.
Trong những tháng cuối năm 2019, để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành trong công tác đảm bảo TTATGT. Các cấp, các ngành chức năng và các địa phương tỉnh Thanh Hóa tiếp tục kiểm tra chấn chỉnh hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, quản lý lái xe; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện giao thông. Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ lái xe.
Sở Giao thông vận tải GTVT lập kế hoạch cụ thể khám sức khỏe cho toàn bộ lái xe kinh doanh vận tải đối với các đơn vị do Sở GTVT cấp giấy đăng ký kinh doanh. Sở Y tế thực hiện nghiêm quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người bị TNGT; kiểm tra chất kích thích thần kinh bị cấm đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; cung cấp thông tin đối tượng vi phạm cho ngành Công an và các cơ quan tư pháp để có biện pháp ngăn chặn.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải; điều khiển giao thông; giám sát hoạt động phương tiện, người điều khiển phương tiện nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật TTATGT. Ưu tiên đầu tư các hạng mục phòng ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông như xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, rà soát kiểm tra điều chỉnh bổ sung hệ thống biển báo đường bộ, trong đó, đề xuất Bộ GTVT xem xét quy định giảm tốc độ phương tiện trên một số đoạn tuyến quốc lộ không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Đánh giá phân tích làm rõ nguyên nhân xảy ra TNGT, khởi tố đưa lên phương tiện truyền thông các vụ việc gây mất trật tự ATGT gây hậu quả nghiêm trọng, nâng cao trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ thực thi nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, công tác xử lý vi phạm phải nghiêm minh không có vùng cấm. Đồng thời, đề nghị Ủy Ban MT Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể các cấp và các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trật tự ATGT.
Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng và các địa phương là cơ sở để kỳ vọng những tháng cuối năm 2019 công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có những chuyển biến tích cực, kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước giai đoạn 2016-2020”. Tập trung kiểm tra, rà soát công tác bảo đảm an toàn đối với các bến khách ngang sông, hoạt động của đò ngang, cầu phao trên địa bàn. Các ngành là thành viên Ban ATGT tỉnh; ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra kết quả thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT, phân tích làm rõ nguyên nhân xảy ra TNGT, có biện pháp khắc phục và chấn chỉnh kịp thời./.
Đức Huỳnh