(TG)- Bình quân mỗi năm toàn tỉnh Lâm Đồng giảm 5.868 hộ nghèo.
Quan tâm lãnh đạo, điều hành
Chương trình giảm nghèo luôn được coi là chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Những năm qua, tuy kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng Lâm Đồng vẫn luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giảm nghèo; thể hiện qua hệ thống các văn bản chỉ đạo và các chính sách ban hành hướng tới người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội tiến tới giảm nghèo và giảm nghèo bền vững.
Thực hiện chỉ đạo Chính phủ và hướng dẫn hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế- xã hội, về giảm nghèo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kịp thời các quyết định, kế hoạch cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Các văn bản, chính sách hỗ trợ, trợ giúp người nghèo, người cận nghèo được ban hành đúng pháp luật, đáp ứng được yêu cầu và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn cụ thể; đồng thời, hệ thống các văn bản được ban hành đã cơ bản có sự thống nhất so với mục tiêu chung của chương trình giảm nghèo.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thành phố thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc Chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương. Các huyện, thành phố đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách địa bàn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu, chính sách giảm nghèo trên địa bàn và chỉ đạo các xã phường, thị trấn tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và người nghèo.
Kết quả chuyển biến tích cực
Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, đời sống và tinh thần của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, các chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh dần theo từng năm.
Đầu năm 2011 số hộ nghèo toàn tỉnh là 34.578 hộ, chiếm tỉ lệ 12,60%; trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số 18.844 hộ, chiếm tỉ lệ 32,65% và đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn 5.236 hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, chiếm tỉ lệ 1,74%; trong đó hộ nghèo ĐBDTTS còn 2.531 hộ, tỉ lệ 4,0%. Như vậy, bình quân mỗi năm toàn tỉnh giảm 5.868 hộ nghèo, tương đương với tỉ lệ giảm 2,17%/năm.
Nếu so với với tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới điều tra vào đầu năm 2016 thì tỉ lệ hộ nghèo năm 2016 bằng 52,9% của năm 2011, trong khi chuẩn nghèo về thu nhập giữa 2 giai đoạn có tăng lên (chuẩn nghèo thu thập năm 2016 so với năm 2011 bao gồm trượt giá tăng khoảng 1,2 lần), cho thấy tính hiệu quả, bền vững trong việc triển khai chương trình giảm nghèo ở các địa phương, các vùng trong tỉnh.
Ước tính, tổng kinh phí đầu tư thực hiện các chính sách nghèo chung giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Lâm Đồng từ nguồn vốn ngân sách là trên 2 ngàn tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng là trên 135 tỷ đồng.
Với chủ trương đăng ký thoát nghèo của tỉnh từ năm 2011 ở huyện Đam Rông-huyện nghèo 30a, các xã, thôn nghèo đã gắn với khả năng của hộ nghèo về đất đai, lao động, tay nghề và quyết tâm thoát nghèo, huy động được nguồn vốn đối ứng của chính hộ nghèo đã có tác động nâng hiệu quả các nguồn đầu tư của nhà nước, vốn vay ưu đãi. Trong 5 năm, hộ nghèo đã đóng góp thêm 135,7 tỉ đồng để làm nhà ở tốt hơn hoặc mua thêm vật tư, con giống ngoài phần nhà nước hỗ trợ. Tổng số tiền đối ứng từ làm nhà ở, hỗ trợ sản xuất theo chương trình 135, tại huyện và các xã thôn nghèo tương đương 27% nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước.
Số hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số có thêm tư liệu sản xuất; đặc biệt kỉ thuật canh tác nhiều giống cây trồng mới (như rau, hoa,…) đã được áp dụng hành công ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá và giúp đỡ cho hộ khó khăn hơn về vốn liếng, kĩ thuật sản xuất.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã phát triển nhanh hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, giúp cải thiện điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, các mô hình sản xuất, kinh tế hộ gia đình có hiệu quả đã làm thay đổi và cải thiện đời sống cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo; công tác chăm sóc sức khỏe và giáo dục mầm non, phổ thông ngày càng cải thiện.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng thôn buôn văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng được phát huy rộng rãi; khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ổn định, giữ vững… Nhận thức của người nghèo đã có chuyển biến, dẫn đến chuyển đổi hành vi để tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo và phấn đấu vươn lên làm giàu.
Phát huy những kết quả đạt được từ Chương trình giảm nghèo nhanh bền vững giai đoạn 2011-2015, tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu chung cho giai đoạn 2016-2020 là: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin). Với những mục tiêu cụ thể đến năm 2020: Tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 1,9%, riêng đồng bào dân tộc dưới 4,8%; không còn xã có trên 15% hộ nghèo, riêng đồng bào dân tộc không còn xã trên 20% hộ nghèo; giảm một nữa tỉ lệ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo so với đầu năm 2016; 70% lao động nông thôn qua đào tạo; trong đó đào tạo nghề khoảng 55 - 60%. 90% lao động thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề; 100% cán bộ, công chức xã, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ đoàn thể cấp xã được tập huấn các kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án; lập kế hoạch giảm nghèo có sự tham gia của người dân.
Hồng Vĩnh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng