Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 7/8/2013 10:28'(GMT+7)

Lạm dụng liên kết xuất bản: "căn bệnh nhờn thuốc"

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trong Hội nghị tổng kết hoạt động sáu tháng đầu năm 2013 của ngành xuất bản vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, vấn đề này lại tiếp tục làm nóng nghị trường những người làm sách khi vẫn là nguyên nhân chính của những sai phạm trong ngành.

Liên kết xuất bản là một chủ trương đúng đắn nhằm xã hội hóa công tác xuất bản, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành. Tuy nhiên, sự lạm dụng, không chấp hành đúng những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này của nhiều nhà xuất bản (NXB) đã đưa hoạt động liên kết đi đến những kết cục đáng tiếc. Theo đánh giá của Cục Xuất bản, sáu tháng đầu năm nay, các NXB vẫn còn những tồn tại, hạn chế đã từng được cơ quan quản lý nhắc nhở, xử lý nhiều lần. Ðó là tình trạng một số NXB hoạt động thiếu hiệu quả, có đơn vị trong sáu tháng chỉ xuất bản được... một cuốn sách; Hiện tượng nộp dồn hoặc không nộp lưu chiểu xuất bản phẩm vẫn tiếp diễn; Một số NXB buông lỏng quản lý, thực hiện quy trình biên tập không khoa học, dẫn đến sai phạm nội dung, nhất là sai phạm đối với loại sách liên quan lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia. Cụ thể, đã có sai sót về sự kiện lịch sử, thể hiện không rõ ràng và đầy đủ chủ quyền biên giới, biển, đảo quốc gia như thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Phú Quốc..., sử dụng minh họa cờ Trung Quốc thay cho cờ Tổ quốc trong sách dạy cho trẻ em... Cục Xuất bản đã kiểm tra và phát hiện xử lý 56 xuất bản phẩm của 23 NXB vi phạm về nội dung. Và điều đáng nói là hầu hết các sai phạm trong thời gian qua đều do lỗi liên kết xuất bản.

Cả nước hiện có đến 64 NXB trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Nhưng trong năm 2012 chỉ có năm NXB là đạt hơn 60% kế hoạch đăng ký, còn lại đều báo lỗ. Không có vốn thì không có kinh phí mua bản quyền sách, trả lương cho nhân viên, biên tập viên, thậm chí cả chi phí duy trì trụ sở hoạt động... Và với nhiều NXB, khoản thu từ cấp giấy phép xuất bản (quản lý phí) trở thành nguồn thu quan trọng nhất. Phí cấp giấy phép nhiều khi rất "bèo bọt", chỉ khoảng vài trăm nghìn cho một đầu sách. Thậm chí, có những NXB còn bán khống giấy phép cho đối tác muốn in gì thì in mà bỏ qua tất cả các quy trình xuất bản. Cục trưởng Cục Xuất bản Chu Văn Hòa từng nêu một thực tế "như đùa" là hiện nay có những NXB đứng tên xuất bản sách nhưng không có cuốn sách nào trong tay để nộp lưu chiểu. Quả thật, với tình trạng "khoán trắng" như vậy, đến sách để nộp lưu chiểu mà nếu đối tác không đưa thì bản thân NXB cũng không có để nộp, nói gì đến kiểm tra xem sách có sai sót, vi phạm gì không? Do đó, rất nhiều xuất bản phẩm sau khi được phát hành trên thị trường mới bị phát hiện sai phạm và tiến hành thu hồi, rút giấy phép sau khi dư luận phản ánh.

Theo quy định của Luật Xuất bản, lâu nay, công việc biên tập chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của NXB. Nhưng trên thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo. Luật Xuất bản mới vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013 được xem là có nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là cho phép các đối tác liên kết được biên tập sơ bộ trước khi đưa NXB biên tập lần cuối. Do vậy, biên tập viên (BTV) của các đối tác cũng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề như BTV ở các NXB. (Với luật mới, BTV được quy định cụ thể hơn về trình độ, nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật và năng lực chuyên môn. Ðặc biệt là phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp sau khi tham dự các lớp đào tạo, kiểm tra do Bộ và Cục Xuất bản tổ chức).

"Cần đẩy mạnh rà soát, chấn chỉnh các hoạt động liên kết xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản".  Ðó là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà Hội nghị của ngành vừa  đặt ra cho sáu tháng cuối năm. Cùng với việc Luật Xuất bản mới vừa chính thức có hiệu lực, hy vọng sự nghiêm túc, trách nhiệm của các đơn vị thực thi sẽ góp phần điều chỉnh được những bất cập kéo dài trong hoạt động liên kết, đem lại sự lành mạnh, hiệu quả cho hoạt động xuất bản nước nhà./.

Nguyễn Phương Liên (Nhân dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất