Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 26/7/2013 17:5'(GMT+7)

Nam Định: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam", tỉnh Nam Định đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã thu được nhiều kết quả mới trên các lĩnh vực.

Sau khi có Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 24-4-2003 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng" để triển khai thực hiện trong toàn tỉnh, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo đã phối hợp với Văn phòng Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị 14 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng như báo Nam Định, đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị; đăng trên Bản tin Thông báo nội bộ toàn văn nội dung Chỉ thị để quán triệt đến các chi bộ cơ sở. Đồng thời, Ban Tuyên giáo đã ban hành các văn bản chỉ đạo các huyện, thành, đảng uỷ trực thuộc, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể của tỉnh triển khai công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, giáo dục và giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương; xây dựng hướng dẫn quy trình sưu tầm, biên soạn, tổ chức lấy ý kiến tham gia vào bản thảo, thẩm định, cấp phép xuất bản; biên soạn đề cương bài giảng lịch sử Đảng bộ tỉnh, chỉ đạo các Trung tâm bồi dưỡng chính trị, phòng giáo dục các huyện, thành, Ban Tuyên giáo các đảng uỷ trực thuộc đưa lịch sử Đảng bộ vào giảng dạy trong các trường PTTH, THCS, Trung tâm bồi dưỡng chính trị đạt hiệu quả thiết thực.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với sở Giáo dục-Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của tỉnh triển khai các cuộc thi tìm hiểu "75 năm lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam", "60 năm nước Cộng hoà XHCN Việt Nam", "Đồng chí Trường Chinh- Người con ưu tú của quê hương Nam Định", tổ chức cuộc thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm và hội nghị hội thảo 100 năm ngày sinh của đồng chí Lê Đức Thọ, tổ chức đêm thơ và đặt tên đường phố mang tên đồng chí Lê Đức Thọ; phối hợp với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng xuất bản cuốn kỷ yếu “Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định”.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã chỉ đạo tiến hành sao chụp gần 40.000 trang tư liệu, đưa toàn bộ các tư liệu về lịch sử Đảng bộ từ 1930 đến 1975 vào cơ sở dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu trữ, bảo quản và sử dụng; cử cán bộ xuống cơ sở gặp gỡ, tìm hiểu nắm tiến độ, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ về phương pháp, cách thức triển khai cụ thể về nghiên cứu biên soạn lịch sử đảng bộ ở các cơ sở; ra công văn đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị đẩy mạnh việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương; chỉ đạo viết bài thúc đẩy công tác biên soạn, xuất bản và giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương trên bản tin Thông báo nội bộ của tỉnh, phân tích những thuận lợi, khó khăn, nêu rõ những chủ trương, giải pháp và đề ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể. Ban Tuyên giáo các cấp còn tiến hành thẩm định các cuốn sách lịch sử đảng bộ huyện, thành, đảng uỷ trực thuộc, lịch sử các ngành và đoàn thể ở tỉnh, lịch sử đảng bộ các xã, phường, thị trấn và các ấn phẩm lịch sử khác trong toàn tỉnh; thẩm định các sự kiện, các di tích, các cá nhân có liên quan đến hoạt động của từng đảng bộ theo yêu cầu của cơ quan có trách nhiệm ở địa phương; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương (10 triệu đồng cho mỗi Đảng bộ xuất bản được lịch sử đảng bộ), tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng ở các địa phương, tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị 14 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Trong 10 năm (2002-2012), tỉnh Nam Định đã tổ chức sưu tầm, biên soạn, xuất bản được nhiều công trình lịch sử, như: "Những người cộng sản ưu tú trên quê hương Nam Định", xuất bản năm 2003; "Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định thời kỳ 1975-2000", xuất bản năm 2005; "Đồng chí Trường Chinh với quê  hương Nam Định", xuất bản năm 2006; "Lịch sử ngành Tuyên giáo Đảng bộ tỉnh Nam Định, thời kỳ 1930-2005", xuất bản năm 2010; “Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định”, xuất bản năm 2011; “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định (1975-2005)”, tập II, xuất bản năm 2012. Nhiều Đảng bộ như Xuân Trường, Giao Thủy, Đảng bộ khối Các cơ quan, Đảng bộ khối Doanh nghiệp, Quân Sự, Công An, Cựu Chiến binh, Bộ đội Biên phòng…các cơ quan, đoàn thể và hàng trăm đảng bộ xã, phường, thị trấn đã xuất bản lịch sử Đảng bộ mình.

Đến nay tỉnh Nam Định đã hoàn thành việc xuất bản Lịch sử Đảng bộ tỉnh từ 1930-2005, gồm 2 tập: tập I (1930-1975), tập II (1975-2005); 16/16 đảng bộ huyện, thành và trực thuộc (100%) đã xuất bản lịch sử đảng bộ đến năm 2000-2005; 6/6 đoàn thể quần chúng, như: Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên hiệp Công đoàn tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã xuất bản lịch sử của đơn vị. Một số sở, ngành, cơ quan, như: Bưu Điện, Sở Giao thông, Công ty cấp nước, Ngân hàng Nông nghiệp, Trường Chính trị Trường Chinh của tỉnh… đã xuất bản lịch sử của cơ quan, đơn vị. Riêng đối với các đảng bộ xã, phường, thị trấn, đến nay, toàn tỉnh đã có 221/229 đơn vị đã xuất bản lịch sử đảng bộ, bằng 96,5%.

Các công trình lịch sử xuất bản trong thời gian qua của tỉnh Nam Định, đặc biệt là công trình về lịch sử Đảng bộ tỉnh và huyện luôn được coi trọng nâng cao chất lượng; đã bám sát và phản ánh trung thực quá trình hình thành, phát triển của các đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Phương pháp tổ chức, nghiên cứu, biên soạn khoa học, bài bản, tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của các cấp, các ngành, các cá nhân, đoàn thể, phát huy được trí tuệ tập thể và mang tính xã hội hóa cao. Nội dung tư liệu phong phú, hình thức đẹp, các tranh ảnh có ý nghĩa lịch sử. Ngoài nội dung chủ yếu, các cuốn sử còn rút ra những bài học sâu sắc, thiết thực; đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính lịch sử và tính logic, có giá trị tuyên truyền, giáo dục tốt.

Với những thành tích trên, Nam Định là một trong số những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử các đảng bộ địa phương. Kết quả đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng ngày càng đi vào hiệu quả, góp phần làm tốt công tác tư tưởng, thiết thực phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu: “dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh” của tỉnh Nam Định.
 
Nguyễn Kim Chiến

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất