XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC AN TOÀN, LÀNH MẠNH, THÂN THIỆN
Trước đó, ngày 1/9/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020 với nội dung:
"...Nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020, tôi thân ái gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục đã nỗ lực phấn đấu, triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả tích cực; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa; chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên; việc chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được thực hiện tích cực; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm được tăng cường, góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương trong hoạt động giáo dục; các đoàn học sinh, sinh viên Việt Nam tham gia thi Olympic quốc tế đạt thành tích cao, được bạn bè thế giới mến phục.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả đã đạt được của ngành Giáo dục trong thời gian qua.
Năm học mới 2019-2020, ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu của năm học và kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”; mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng”, vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong năm học mới".
TẬP TRUNG 5 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM ĐỘT PHÁ
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chương trình khai giảng bao gồm có các nghi thức: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước. Có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Riêng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Lưu ý không đọc báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường, bảo đảm sức khỏe của học sinh và bảo vệ môi trường.
Tại địa phương, các Sở GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi cơ sở giáo dục lưu ý tổ chức lễ khai giảng, tinh thần chung là hướng tới học sinh, vì học sinh.
KHÔNG KHÍ KHAI TRƯỜNG NÁO NỨC KHẮP CẢ NƯỚC
Trong không khí cả nước đón chào năm học mới 2019 - 2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Năm học 2019 - 2020 có thể nói là năm học rất quan trọng, tôi mong muốn các thầy cô giáo chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, năng lực để triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách đánh giá và tích cực tự học, từ bồi dưỡng, rèn luyện kiến thức, rèn luyện chuyên môn để sẵn sàng thực hiện tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021.
Các thầy cô giáo cũng luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, tự học và sáng tạo, thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Thực hiện được yêu cầu "thầy ra thầy”. Tôi mong các em học sinh được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, thuận lợi để phát triển toàn diện cả phẩm chất và năng lực, các em cần cố gắng rèn luyện đạo đức, lối sống, học tập tốt, thực hiện được yêu cầu là “trò ra trò”.
Tại Hà Nội: Sáng 5/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự Lễ khai giảng năm học 2019-2020 tại Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội).
Mở đầu phần phát biểu, Thủ tướng nhắc đến tinh thần "hạn chế lãnh đạo, đại biểu phát biểu trong lễ khai giảng". Với tinh thần nêu gương, Thủ tướng cho hay, với đề xuất của Bộ trưởng Bộ GDĐT, "tôi xin được chia sẻ ngắn gọn trong ít phút". Thủ tướng gửi lời thăm hỏi và chúc mừng các thầy cô và học sinh Trường THPT Sơn Tây có một năm học mới thành công; đồng thời ghi nhận những kết quả đạt được của ngành giáo dục năm học vừa qua…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh dự lễ khai giảng tại Trường THPT Lê Qúy Đôn.
Từ 7h30 phút sáng, đồng loạt các trường từ bậc Mầm non tới THPT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều tổ chức khai giảng trong thời tiết mát mẻ, quang đãng.
Trước đó hơn 1,3 triệu học sinh đã tựu trường từ ngày 19/8 (trừ bậc học mầm non).
Năm học 2019-2020 TP. Hồ Chí Minh tăng hơn 75.000 học sinh so với năm học trước. Để đáp ứng chỗ học, thành phố đưa vào sử dụng 1.476 phòng học. Bậc THPT có 4 trường THPT mới thành lập là Trường THPT Bình Chiểu (Quận Thủ Đức), Dương Văn Thì (Quận 9), Hồ Thị Bi (huyện Hóc Môn), Phong Phú (huyện Bình Chánh). Bậc THCS tới mầm non có nhiều trường mới thành lập.
Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh cũng xác định "3 không" khi tổ chức lễ khai giảng với các yêu cầu: Không dùng băng lời bài hát Quốc ca, không báo cáo thành tích, không mời lãnh đạo phát biểu.
Lễ khai giảng tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP. Hồ Chí Minh) diễn ra cùng với hoạt động đại diện học sinh toàn trường ký cam kết không xả rác. Hiệu trưởng nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh cùng ký bản cam kết trách nhiệm về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không xả rác ra đường, kênh rạch, chống chất thải nhựa...
Tại Hải Phòng: Vào lúc 7h30 lễ khai giảng tại Trường THCS Chu Văn An diễn ra với sự tham gia của đoàn đại biểu do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương dẫn đầu.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cùng thầy trò nhà trường hát quốc ca, sau đó đánh trống khai giảng.
Đồng chí Võ Văn Thưởng dự lễ khai giảng tại Trường THCS Chu Văn An (Hải Phòng).
Tại Đà Nẵng: Gần 200.000 học sinh thành phố tựu trường sau 3 tháng nghỉ hè. Giám đốc sở GD-ĐT Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận cho hay, lễ khai giảng tại tất cả các trường trên địa bàn được thực hiện nhanh, gọn, không rườm rà, với các nội dung: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát quốc ca, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đọc thư của chủ tịch nước, phát biểu chào mừng năm học mới của hiệu trưởng ngắn gọn từ 3 đến 5 phút và đánh trống khai trường.
Bên cạnh đó, lễ khai giảng ở Đà Nẵng không có phần thả bóng bay, lãnh đạo đến dự không phát biểu và đặc biệt sau buổi lễ các trường sẽ vào học bình trường.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2019-2020 cả nước có 5.517.000 trẻ mầm non, 17.055.000 học sinh bậc phổ thông và 1.518.986 sinh viên đại học.
Ở bậc giáo dục mầm non, có 932.000 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, 4.585.000 trẻ độ tuổi mẫu giáo.
Ở bậc giáo dục phổ thông, có 8.660.000 học sinh tiểu học, 5.550.000 học sinh THCS và 2.599.000 em ở bậc THPT.
|
Một số hình ảnh diễn ra trong ngày khai giảng năm học mới 2019 - 2020 trên mọi miền Tổ quốc:
Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục tiếp tục đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, các địa phương tiếp tục rà soát, dự báo quy mô phát triển trường học, đảm bảo dành quỹ đất cho xây dựng trường lớp, nhất là trong giai đoạn thực hiện sắp xếp, dồn dịch trường lớp như hiện nay. Các địa phương phải quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, nhất là đối với bậc học mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hai là, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, không để tình trạng thừa thiếu cục bộ, đảm bảo nguyên tắc ở đâu có học sinh ở đó có giáo viên, giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng nhiều năm chưa được tuyển dụng vào viên chức.
Ba là, tạo sự chuyển biến căn bản trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó giáo dục nhà trường đóng vai trò định hướng. Phòng chống bạo lực học đường, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy trong trường học. Làm rõ mục tiêu "trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò".
Bốn là, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Luật Giáo dục năm 2019 cũng đã đưa ra ngân sách nhà nước đảm bảo tối thiểu 20% cho giáo dục.
Năm là, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học và các trình độ đào tạo; đổi mới công tác quản lý và đẩy mạnh phân cấp, thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục.
|
Tuấn Anh (tổng hợp)