Cách đây hơn 60 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua yêu nước. Được sự cổ vũ, động viên, quan tâm theo dõi của Người và của Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương và các cấp, phong trào" thi đua ái Quốc" đã phát triển mạnh, có tác dụng to lớn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau đó, khi đất nước bước vào thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược và gắn liền với hai nhiệm vụ đó là các phong trào thi đua sâu rộng, đều khắp ở cả hai miền Nam Bắc. Ở miền Nam với phong trào thi đua: "Giết giặc lập công", miền Bắc với các phong trào: "Cả nước vì miền Nam ruột thịt", phong trào "Gió đại phong" trong nông nghiệp, "sóng Duyên Hải" trong công nghiệp, "Cờ ba nhất" trong quân đội, phong trào "Ba sẵn sàng" trong thanh niên xung phong, "Ba đảm đang" trong phụ nữ, thi đua "Dạy tốt, học tốt" trong giáo dục, "Thầy thuốc như mẹ hiền" trong y tế, phong trào xây dựng "Chi bộ 4 tốt" trong toàn Đảng, v.v..Cùng với thời gian, những phong trào thi đua yêu nước đó, đã gắn bó với lịch sử đấu tranh và xây dựng đất nước trong từng chặng đường cách mạng và hiện thân của các phong trào đó là hàng nghìn anh hùng, hàng chục nghìn chiến sĩ thi đua, hàng vạn đơn vị lao động XHCN và hàng triệu lao động tiên tiến trong mọi lĩnh vực học tập, lao động sản xuất và chiến đấu.
Tuy nhiên, do không được quan tâm đúng mức, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cả nước hòa bình, đi lên xây dựng CNXH, phong trào thi đua yêu nước đã có một khoảng thời gian dường như chững lại. Tuy Đảng và Nhà nước vẫn nói đến phong trào thi đua, nhưng những vấn đề về mục tiêu thi đua, nội dung thi đua, phương pháp thi đua chưa được quan tâm thích đáng, chưa phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tình hình đất nước trong giai đoạn mới, khiến cho thi đua mới chỉ dừng ở phong trào, mà chưa đi vào được cuộc sống. Phong trào thi đua nặng về hình thức, nội dung chưa sát thực, chưa góp phần thiết thực giải quyết những bức xúc của đời sống xã hội.
Có thể nói, trong những năm tháng trước khi cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, phong trào thi đua vừa thiếu "lửa" để thành phong trào, vừa thiếu “nội dung” để gắn bó với cuộc sống của nhân dân và những đòi hỏi của đất nước. Thực tế đó cho thấy, phong trào thi đua đang mất đi những động lực cần có và phải có của nó, theo đúng những gì Hồ Chí Minh từng kêu gọi, tổ chức và thực hiện.
Thấm nhuần tư tưởng của Người về thi đua yêu nước, để có nhận thức đúng, từ đó vận dụng vào thực tiễn công cuộc đổi mới hiện nay, là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Trên ý nghĩa đó, xin nêu ra một số chỉ dẫn của Người - có ý nghĩa động lực để phong trào thi đua vừa phát triển sâu rộng, vừa bền vững và hiệu quả.
1. Khơi dậy và động viên được tinh thần yêu nước của toàn thể dân tộc
Ngày 1/5/1952, tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ở Việt Bắc, trong lời phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất" (1) . Đây là một quan niệm mới về thi đua, thể hiện sự sáng tạo độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua. Gắn thi đua với tinh thần yêu nước, coi đó là động lực của phong trào Thi đua yêu nước, đó là một cách nhìn sâu rộng, một sự phát triển mới về thi đua theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cũng theo Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước chỉ có được ở chế độ dân chủ XHCNm, khi nhân dân được làm chủ và thi đua “góp phần” bồi đắp cho chính quyền lợi của đa số nhân dân lao động, như Người từng nói: "Thi đua yêu nước để ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình và ích lợi cho làng, cho nước" (2). Quan niệm thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua của Người, chính là biết rõ giá trị quý báu, sức mạnh vĩ đại của lòng yêu nước, hiểu thấu truyền thống yêu nước lâu đời của dân tộc. Cũng chính từ nhận thức sâu sắc ấy, Hồ Chí Minh nói: "Nước ta tuy kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường thì chẳng kém ai" (3), vì vậy, Người đã gọi phong trào thi đua của nhân dân ta là Phong trào thi đua yêu nước. Và cùng với việc phát động thi đua yêu nước, Hồ Chí Minh đã biến thi đua yêu nước thành sức mạnh của hàng triệu người, của toàn dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc..
Như vậy, từ những chỉ dẫn của Người, có thể khẳng định rằng: chỉ có khơi dậy và động viên được tinh thần yêu nước của toàn dân tộc, thì thi đua yêu nước mới trở thành phong trào và phát huy được tính tích cực của nó. Lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc là môi trường thuận lợi, là những điều kiện cần và đủ để phát triển phong trào thi đua yêu nước, và chỉ có như vậy thì "Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp mọi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi lên thắng lợi cuối cùng" (4) . Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: khi tinh thần yêu nước được khơi dậy, và nhân dân ta “vô luận ở địa vị nào làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước"(5), đồng thời “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua"(6) sẽ là một hiện thực, sẽ trở thành "bổn phận" của mỗi người dân Việt Nam yêu nước.
2. Mục đích thi đua phải rõ ràng, nội dung thi đua phải thiết thực, biện pháp vận động phải phù hợp và phải có quyết tâm cao
Theo Hồ Chí Minh, thi đua không phải công việc riêng của một người, một ngành, một địa phương, hay một lực lượng nào mà là công việc của toàn xã hội. Do vậy, việc xác định khẩu hiệu chung của thi đua phải thể hiện rõ mục tiêu chiến lược của giai đoạn cách mạng đó, và phải tránh tình trạng "mục đích khì nêu ra nhiều khẩu hiệu quá. Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào"(7). Đồng thời, Người quan niệm: việc xác định nội dung thi đua phải cụ thể thiết thực, gắn với từng nhiệm vụ, từng công việc của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi địa phương, mỗi ngành. Chỉ có như vậy, mọi người mới hiểu rõ ý nghĩa của phong trào thi đua, lợi ích của phong trào thi đua, tránh được các khuyết điểm: "Tưởng rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua"(8). Bên cạnh đó, Người cũng chỉ rõ: Cần nhận thức đầy đủ thi đua không phải là công việc một sớm một chiều, không phải là nhất thời mà phải là thường xuyên "trường kỳ", "thi đua phải lâu dài và rộng khắp", v.v..
Một vấn đề cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh là: Chương trình kế hoạch phải phù hợp, tránh tình trạng "nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi. Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được" (9). Theo Người, phải căn cứ vào mục đích thi đua, nội dung ý nghĩa của thi đua, nhiệm vụ của thi đua, mà đa dạng hoá phương pháp, biện pháp thi đua để đạt hiệu quả thiết thực nhất và cao nhất. Nhất thiết, mọi đơn vị, mọi ngành, mọi cấp phải khắc phục và tránh quan niệm một mô hình cho tất cả, phải khuyến khích các đơn vị trong cùng một điều kiện, có nhiều mô hình thi đua, làm cho phong trào thi đua vừa đa dạng về hình thức, vừa có nhiều sự lựa chọn về nội dung, phù hợp mọi ngành, mọi lĩnh vực mọi tầng lớp xã hội, v.v...
Thi đua vừa là hành động tập thể, vừa là hành động cá nhân, do đó đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn, quyết tâm của từng người, của từng tập thể, quyết tâm của từng ngành, từng lĩnh vực và cộng lại là quyết tâm của cả dân tộc Có hiểu sâu sắc vấn đề này, mới thấy được ý nghĩa thực tiễn công thức về Thi đua yêu nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra: "Chủ trương một, kế hoạch mười, quyết tâm hai mươi". Thiết nghĩ, đối với phong trào Thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay, có lẽ không có công thức nào thích hợp hơn.
3. Kịp thời tổng kết rút kinh nghiệm, suy tôn những cá nhân, những tập thể gương mẫu điển hình
Tổng kết, rút kinh nghiệm trong phong trào Thi đua yêu nước thực chất là một hoạt động của công việc tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận. Đối với người lãnh đạo và cơ quan lãnh đạo, đó là một hoạt động bình thường, nhưng với phong trào Thi đua yêu nước, đó là một việc rất cần thiết và quan trọng: Vì nó có giá trị giúp cho việc xác định được thực chất sự phát triển của phong trào, quy mô và sức lan toả của phong trào. Qua đó có thể giúp cho việc định hướng phong trào, hoàn chỉnh nội dung thi đua, mở rộng và đa dạng hoá các hình thức thi đua, làm cho phong trào phát triển thống nhất, tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", và "mỗi đoàn thể, mỗi ngành chỉ biết có mình, không khuếch trương được cái hay của mình và cũng không học được cái tốt của người khác, ngành khác". Tổng kết, rút kinh nghiệm cũng là một công việc thường xuyên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tổng kết, rút kinh nghiệm cần tránh 2 khuynh hướng:
1/. Thời điểm sẽ không kịp thời khi xuất hiện những vấn đề mới, những tình hình mới, hoặc sẽ bỏ lỡ thời cơ để đẩy mạnh hoặc chuyển hoá phong trào sang một giai đoạn mới.
2/. Bệnh hình thức, tổng kết lấy lệ, qua loa sẽ không nêu được bản chất, không nắm hết nội dung của phong trào Thi đua yêu nước; bỏ sót cái hay, bỏ qua cái dở, thành ra tổng kết thì có, mà kinh nghiệm để rút ra bài học thì không có ý nghĩa thực tiễn nào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Thi đua cải tạo con người”. Như vậy, có thể thấy Người đã lấy phong trào thi đua, coi phong trào Thi đua yêu nước là trường học thực tiễn rộng lớn để xây dựng con người mới, góp phần xây dựng xã hội mới. Bản chất tốt đẹp nhất của con người là ý chí không ngừng vươn lên cái tốt đẹp bằng trí tuệ và bằng hoạt động lao động sáng tạo của mình, cho nên, qua thực tiễn phong trào thi đua rộng rãi của các ngành, các tầng lớp nhân dân, những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam mới XHCN được bồi đắp và phát triển. Điều này vừa phát huy cái tích cực, đấu tranh khắc phục cái tiêu cực, vừa giáo dục cán bộ, vừa giáo dục quần chúng phấn đấu thực hiện những công việc cần thiết có lợi cho sản xuất, cho đời sống và chống lại những khuyết điểm, thói hư tật xấu của xã hội cũ để lại và mới nảy sinh.
Với ý nghĩa đó, có một việc không thể coi nhẹ khi tổng kết, rút kinh nghiệm, đó là suy tôn các cá nhân, các tập thể gương mẫu là hạt nhân của phong trào thi đua một cách thật chính xác. Phải chống chủ nghĩa bình quân, chủ nghĩa cào bằng trong thi đua, phải tìm được những điển hình gương mẫu của mỗi lĩnh vực, của từng giai đoạn và của cả phong trào, để mỗi tập thể, cá nhân đó chính là những tấm gương sáng và là vốn quý của sự nghiệp cách mạng. Những gương điển hình tiên tiến k,hông chỉ là những hạt nhân của phong trào thi đua, mà còn là nguồn cung cấp cho Đảng, Nhà nước những cán bộ ưu tú, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng nước nhà, vì họ “là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích của cá nhân. Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm, nửa ý. Họ không sợ khó nhọc ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho, không ganh tỵ về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những người anh em chung quanh mình, họ giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Họ không tự kiêu, tự mãn, tự ti, tự lợi" (10)…
Nói tóm lại, Thi đua yêu nước "là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu"(11). Do vậy, để chiến thắng trong cuộc đấu tranh này, nhất định chúng ta phải thật sự thấm nhuần tư tưởng, quan điểm về thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhắc lại những điều này nhân dịp Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII long trọng tổ chức tại Hà Nội, để làm tốt hơn những chỉ dẫn của Người về phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng mới, chính là khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, là làm cho phong trào có mục tiêu, nội dung, phương pháp đúng, góp phần động viên, thu hút mọi tầng lớp nhân dân thuộc mọi giới, ở mọi lứa tuổi, mọi tôn giáo tích cực tham gia. Để thông qua phong trào thi đua, mỗi người sẽ tự hoàn thiện mình để trở thành những con người mới XHCN, đóng góp sức mình cho xã hội, cho đất nước. Đây cũng chính là động lực của phong trào Thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay, mà chúng ta cần tiếp tục phát huy, đẩy mạnh, để phong trào Thi đua ái quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa phát triển sâu rộng, vừa bền vững, hiệu quả. Đồng thời, để phong trào Thi đua yêu nước thực sự là một nguồn động lực vô cùng mạnh mẽ, thúc đẩy mọi mặt hoạt động của toàn dân, góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Thái Thu Hà
Bảo tàng Hồ Chí Minh
_______________________________
* Chú thích:
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hi, 1995, t.6, tr. 473.
(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.5, tr. 659
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.5, tr. 419
(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.5, tr. 445
(5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.5, tr. 419
(6). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.5, tr. 557
(7). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.5, tr. 374
(8) (9). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.5, tr. 658
(10). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.9, tr. 200
(11). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.10, tr. 578.