Thứ Hai, 23/12/2024
Thi đua yêu nước
Chủ Nhật, 26/12/2010 9:52'(GMT+7)

Tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII: Vượt lên hoàn cảnh vì ước mơ trồng người

Cô giáo Nhung đang tận tình dạy dỗ học sinh

Cô giáo Nhung đang tận tình dạy dỗ học sinh

Sinh ra trong gia đình nghèo, có 5 anh chị em, ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, là con cả nên cô giáo Nguyễn Thị Nhung đã phải nếm trải những khó khăn vất vả ngay từ thuở ấu thơ. Nhưng với quyết tâm vượt khó, vươn lên thoát nghèo, nuôi các em ăn học, ngay từ nhỏ Nguyễn Thị Nhung đã mang trong mình ý chí: Học thật giỏi.

Ước mơ ấy cứ lớn dần, thời gian thấm thoắt trôi đi, năm 1994 Nguyễn Thị Nhung tốt nghiệp cử nhân lịch sử - Đại học Sư phạm I và trở về quê hương dạy học dưới mái trường mang tên người anh hùng áo vải – Trường PTTH Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái.

Có công ăn việt làm ổn định, người chị cả đón các em ra thành phố Yên Bái, nuôi các em ăn học, đến nay cả 4 người em đã tốt nghiệp đại học và 2 người hiện đang học thạc sĩ. Những thành đạt của các em trong cuộc sống hôm nay có phần không nhỏ của người chị giàu nghị lực và quyết tâm.

Tâm sự với chúng tôi về gia đình riêng, ánh mắt chị Nhung đượm buồn: “Gia đình tôi sinh được 2 cháu, cháu lớn 14 tuổi nhưng chưa 1 lần được đến trường. Khi sinh ra, cháu đã bị thiểu năng. Nhiều lúc, nhìn chúng bạn của con đi học mà lòng tôi vô cùng đau xót. Vợ chồng tôi cũng đã chạy chữa cho cháu nhiều nơi, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm”.

Không vì thế mà chị sao nhãng công việc, 16 năm gắn bó với nghề dạy học, cô giáo Nguyễn Thị Nhung luôn được học sinh yêu mến. Cô chia sẻ: “Trong nghề giáo viên, ngoài việc phải thực hiện tốt công tác chuyên môn còn phải có kiến thức về tâm lý, đạo đức nghề nghiệp và tận tâm với nghề, yêu thương học sinh thực sự. Tôi luôn xem học trò như em, con, cháu mình dành nhiều tình yêu thương, dạy dỗ các em, mong muốn các em được thành đạt”.

Say mê, gắn bó với nghề, cô giáo Nhung luôn chủ động, sáng tạo, tìm những phương pháp thích hợp để truyền giảng cho học trò dễ tiếp thu kiến thức. Chị quan niệm: “Một giáo viên giỏi không chỉ dạy bằng trí tuệ mà còn dạy bằng cả trái tim, giúp các em ham thích việc học và dễ hiểu bài”.

Cô luôn nắm bắt hoàn cảnh sống, cá tính tâm lý từng em. Mỗi em lại có cách tiếp cận, trò chuyện và biện pháp giáo dục riêng. Qua đó khơi dậy sự yêu thương dùm bọc, đoàn kết, tinh thần say mê học tập trong các em. Cô luôn lắng nghe những suy nghĩ của học sinh, có những biện pháp giáo dục đối với các em còn lười học, mải chơi… Cô đã gần gũi thuyết phục, chia sẽ, động viên, định hướng cho các em. Từ đó các em rất tin tưởng, sẵn sàng tâm sự những tâm tư của mình với cô giáo. Nhờ vậy giữa cô và trò không có sự xa cách.

Từ thực tế hoàn cảnh của gia đình và bản thân, nên cô Nhung rất thương các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những em sức khỏe yếu, các em vùng sâu vùng xa, con em các dân tộc thiểu số. Cô đã chăm sóc các em như người mẹ thứ hai, đưa nhiều em về nhà dạy ôn, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, theo dõi từng bước tiến bộ từng em.

Hàng trăm học sinh của cô đã bước vào giảng đường Đại học, lớp cô chủ nhiệm luôn có tỉ lệ đỗ Đại học cao. Năm 2009, lớp cô chủ nhiệm có 46/48 em đỗ vào các trường Đại học và Học viện. Đó là niềm vui lớn nhất đối với cô. Có một cụ già 80 tuổi đã nói với cô: “Cám ơn cô giáo nhiều lắm, nhờ cô mà xã Bảo Hưng chúng tôi 10 năm nay mới có một em đỗ Đại học”. Câu nói của cụ già như tiếp thêm nghị lực đối với cô. Mỗi khi đứng trên bục giảng cô luôn truyền đạt sâu sắc kiến thức môn học cho học sinh và cũng là động lực để cô phấn đấu rèn luyện bản thân.

Năm 2006, cô giáo Nhung đã tốt nghiệp thạc sĩ với phẩm học các môn trung bình cao nhất khóa. Cô cho rằng để có một bài giảng hay phải ham học hỏi, sưu tầm tài liệu, đổi mới phương thức giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin… khơi dậy sự đam mê, tạo ra sự hứng thú học tập cho học sinh.

Em Đinh Thanh Thủy học sinh lớp 12A2 tâm sự: “Chúng em rất yêu quý cô giáo Nhung, không những cô dạy rất dễ hiểu mà còn luôn quan tâm đến hoàn cảnh từng học trò...”.

Cô giáo Nhung thường nhẹ nhàng, tạo điều kiện cho học sinh phát huy tính tích cực, chủ động tiếp cận chân lý khoa học; rèn luyện cho học sinh thói quen tư duy logic, độc lập trong nghiên cứu khoa học, tìm tòi, khám phá, sáng tạo; biết xử lý các tình huống khi cần thiết và đã góp phần động viên, khuyến khích học sinh nỗ lực phấn đấu vươn lên. Phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi cũng là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng luôn được cô cùng các giáo viên nhà trường quan tâm. Cô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao khi tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cấp trường, cấp tỉnh, cấp quốc gia.

“Cô là một giáo viên có năng lực về chuyên môn, có tâm và tâm huyết với nghề. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn của gia đình, đem hết tâm nguyện vì học sinh”. Đó là lời nhận xét hết sức chân thành và đầy cảm phục của cô Đinh Thị Kim Khánh – Hiệu phó trường PTTH Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái.

16 năm đứng trên bục giảng chưa phải là dài nhưng cô giáo Nhung có một bề dày về thành tích: Nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua, đạt nhiều giải thưởng trong công tác dạy và học… gần đây nhất là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Cô Nguyễn Thị Nhung vinh dự được tỉnh Yên Bái bầu chọn là 1 trong 10 đại biểu đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII./.

(Theo VOVnews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất