Thứ Hai, 23/12/2024
Thi đua yêu nước
Thứ Sáu, 24/12/2010 21:37'(GMT+7)

Các phong trào thi đua yêu nước có sức lan tỏa mạnh mẽ

Bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐ-KT TW.

Bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐ-KT TW.

Công tác thi đua - khen thưởng (TĐKT) 5 năm qua đã góp phần to lớn vào các thành tựu của đất nước. Để có cái nhìn toàn diện hơn về công tác này cũng như các giải pháp đẩy mạnh trong thời gian tới, bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã trao đổi về vấn đề này.

5 bài học kinh nghiệm quý báu

Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả đạt được trong công tác TĐKT trong 5 năm qua?

Công tác TĐKT được các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền cũng như các đoàn thể thực sự quan tâm, có sự gắn bó chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tổ chức được các phong trào phong phú về nội dung cũng như về hình thức, đặc biệt là lồng ghép và tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua từ địa phương tới Trung ương như các cuộc thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...

Nhìn chung những phong trào này đã khơi dậy và tập hợp các sức mạnh, sức sáng tạo cũng như niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đã trở thành động lực góp phần vào việc xây dựng và ổn định chính trị  kinh tế và xã hội.

Các phong trào thi đua yêu nước đã động viên, cổ vũ kịp thời các cá nhân, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. TĐKT đã có sự gắn kết chặt chẽ hơn, thông qua đó xuất hiện nhiều nhân tố mới, mô hình mới và tập thể xuất sắc. Đại hội này (Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc 2010) là nơi tôn vinh và biểu dương các thành tích xuất sắc đó.

Từ những thành tựu đó, Thứ trưởng có thể cho biết tác động của phong trào thi đua – yêu nước tới công cuộc xây dựng đất nước hiện nay?

Trong 5 năm qua nhiều phong trào thi đua có tác động to lớn trong phát triển KT-XH của đất nước ta với hiệu quả to lớn. Thứ nhất, phong trào thi đua – yêu nước đã thiết thực hiệu quả, bám sát vào những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách thường xuyên của từng cấp, từng ngành và địa phương.

Thứ hai, các phong trào đã có nội dung thiết thực, có tiêu chí, mục tiêu rõ ràng.

Thứ ba, phong trào thi đua phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề, cao điểm; hoặc phong trào thi đua lựa chọn “việc khó” để qua đó giải quyết những vấn đề cấp bách của địa phương cũng được chú trọng xây dụng đã có tác dụng to lớn đối với việc cổ vũ toàn dân tham gia thi đua – yêu nước, xây dựng phát triển KT - XH như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Cả nước hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, phong trào thi đua ở tỉnh Thái Bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông”… đã đi đúng vào những khâu quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề phát triển KT - XH hiện nay.

Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn trong hơn 5 năm qua là gì, thưa Thứ trưởng?

Từ thực tiễn của phong trào TĐKT trong thời gian qua, chúng tôi rút ra được 5 bài học kinh nghiệm quý báu về những kết quả và hạn chế cần khắc phục.

Một là, công tác TĐKT phải được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu. Phát huy đầy đủ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, vận động và phát huy vai trò tự giác của nhân dân trong các phong trào thi đua – yêu nước.

Hai là, tổ chức các phong trào thi đua phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, thi đua phải có nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể thiết thực, không dàn trải, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi đơn vị.

Ba là, phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục, biểu dương, tôn vinh các điển hình, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu cách làm hay, mô hình mới, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Bốn là, tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách về TĐKT có vị trí quan trọng đặc biệt bởi nơi nào cán bộ có tâm, có tầm thì nơi đó công tác thi đua đem lại hiệu quả thiết thực.

Năm là, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, khen thưởng kịp thời, thực hiện công khai, đúng người, đúng thành tích, thực sự là động lực to lớn của các phong trào trong tình hình mới.

Xuống cơ sở, tìm nhân tố mới, điển hình tiên tiến

Trong thời gian tới để triển khai các phong trào thi đua – yêu nước có hiệu quả hơn nữa thì vấn đề đổi mới công tác TĐKT phải được giải quyết như thế nào đặc biệt là trong 5 năm tới đây, thưa Thứ trưởng ?

Bên cạnh những hiệu quả đạt được trong 5 năm qua thì chúng ta không thể phủ nhận vẫn còn một số tồn tại trong công tác TĐKT, vì vậy trong 5 năm tới để phong trào thi đua – yêu nước nói chung và công tác TĐKT nói riêng thực sự là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH  cần phải tập trung 3 vấn đề chính.

Thứ nhất là cần phải tiếp tục đổi mới công tác TĐKT theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “càng khó khăn thì càng phải thi đua”, đồng thời quán triệt sâu rộng hơn Chỉ thị và 39 của Bộ Chính trị về đổi mới, đẩy mạnh và bồi dưỡng nhân rộng các nhân tố, điển hình và tiếp tục nâng đẩy mạnh các phong trào TĐKT.

Thứ hai, phong trào TĐKT phải có tính thiết thực, chống hình thức. Hiện nay một số nơi làm phong trào rất là rầm rộ nhưng lại không có công tác sơ, tổng kết, không kiểm tra để tiếp tục nhân rộng, phát động phong trào trong giai đoạn mới.

Thứ ba, là phải khen thưởng kịp thời, đúng người và đúng thành tích, người được khen thưởng phải được mọi người dân tôn vinh thì sẽ có sức lan toả rộng trong cộng đồng. Bên cạnh đó cần phải đi sâu xuống cơ sở để tìm ra các nhân tố mới trong các phong trào thi đua, phải quan tâm hơn nữa cho những người trực tiếp lao động sản xuất như công nhân, nông dân sẽ tạo ra động lực thúc đẩy cho toàn thể nhân dân.

Những năm gần đây các tấm gương cá nhân có hành động dũng cảm ngày một nhiều trong xã hội. Vậy hiện nay nhà nước ta có những hành động nào để khuyến khích và nhân rộng những tấm gương đấy trong xã hội?

Trong 2 năm gần đây, chúng tôi rất quan tâm tới hình thức khen đột xuất những tấm gương này, như trong đợt lũ lụt miền Trung vừa qua chúng tôi đã phát hiện và biểu dương những tấm gương cứu người ngay ở cơ sở một cách nhanh chóng, chỉ trong vài ngày là có Bằng khen của Thủ tướng hay Huy chương Dũng cảm. Ngoài việc trao tặng huy chương và khen thưởng thì những tấm gương này sẽ được chúng tôi chỉ định làm đại biểu tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần này.

Quản lý chặt chẽ hơn các việc khen thưởng

Có ý kiến cho rằng, còn hiện tượng cơ quan, đơn vị đến ngày kỷ niệm thì cố gắng để được một hình thức khen thưởng nhằm động viên khích lệ. Điều này có thể làm người dân ngộ nhận là có chuyện “chạy” khen thưởng. Thứ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

Chúng tôi phải đính chính lại là không có chuyện tiêu cực “chạy” TĐKT. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng có hiện tượng cơ quan, đơn vị bình thường không quan tâm nhiều tới công tác TĐKT nhưng đến ngày kỷ niệm lại muốn được một phần thưởng hay danh hiệu nhằm động viên, khích lệ cho đơn vị. Hoặc lại có cơ quan chỉ xứng với danh hiệu này nhưng lại muốn có được danh hiệu cao hơn.

Với góc độ của cơ quan nhà nước, để khắc phục hiện trạng này trong công tác TĐKT, chúng tôi đã xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ và liên tục bám sát tình hình. Bên cạnh đó chúng tôi cũng chú trọng “khen nóng”, khen đột xuất để tôn vinh biểu dương kịp thời các cá nhân, tổ chức như các tấm gương dũng cảm hàng ngày đáng được tôn vinh và nhân rộng trong toàn thể nhân dân.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay có quá nhiều giải thưởng được các tổ chức, hiệp hội trao hàng năm, có thể dẫn tới việc “thương mại hóa” các giải thưởng. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác TĐKT cũng như giá trị của những giải thưởng. Giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 51/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp. Nhiều giải thưởng sẽ được chúng tôi kiểm tra giám sát và đã cắt giảm đi nhiều như giải thưởng cấp toàn quốc từ 3, 5 năm/lần ở còn các địa phương là 2, 3 năm/lần. Tôi nghĩ thời gian tới những quy định về vấn đề này sẽ còn chặt chẽ hơn nữa, tạo nên động lực cho công tác thi đua – yêu nước trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(Nguồn: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất