Chủ Nhật, 22/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 15/4/2013 9:31'(GMT+7)

Làm gì khi khoa học xã hội thiếu sức hút?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà. Ảnh: VGP/Phương Liên

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà. Ảnh: VGP/Phương Liên

Trước thực tế đó, các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục đều cho rằng cần xác định rõ vai trò của khoa học xã hội đối với đất nước để có chính sách thu hút nhân tài thuộc lĩnh vực này.

Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, lịch sử dân tộc Việt Nam rất đáng tự hào. Dân tộc ta từng lập nhiều chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Nhưng một sự thật đáng ngại là học sinh ngày nay rất sợ học môn Lịch sử.

Theo PGS, TS. Nguyễn Mạnh Hà, học lịch sử để biết ông cha ta đã sống như thế nào, để hiểu gia tài mà tổ tiên ta để lại, từ đó để hiểu chúng ta và có trách nhiệm đối với các thế hệ con cháu của chúng ta, những gì ta làm hiện thời sẽ là lịch sử của mai sau.

PGS, TS. Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ: “Phải có niềm tự hào dân tộc thì chúng ta mới ngẩng cao đầu được”. Ông cho rằng khi đã có nền tảng kiến thức về lịch sử, các bạn trẻ lúc ra trường có thể làm rất nhiều nghề, làm báo chí, xuất bản, làm các công việc liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội. Bởi học được ngành Sử thì sẽ có phông tri thức chung rất rộng.

PGS Nguyễn Mạnh Hà  bày tỏ không đồng tình về chuyện bốc thăm môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm. Theo ông, môn học nào cũng phải thi để tránh tình trạng học tủ, học lệch vì nó khiến học sinh ngày càng xa rời các môn khoa học xã hội.

Vậy làm thế  nào các môn khoa học xã hội hấp dẫn người học? Theo GS. NGND Vũ Dương Ninh (Trường Đại học KHXHNV), chương trình lịch sử ở phổ thông quá nặng và không cần thiết phải đi sâu như vậy. Ở bậc phổ thông chỉ cần nhớ và hiểu những ý chính, chưa cần nâng cao. Để đi sâu vào lịch sử hãy nên để cho bậc học cao hơn, từ đại học trở lên. GS Ninh đề nghị đề thi nên ngắn gọn, vừa phải, dễ hiểu và chỉ nên thi dưới 2 tiếng so với 3 tiếng/bài thi như hiện nay.

GS Ninh khẳng định, bản thân các môn khoa học xã hội không thiếu sức hút mà chỉ là giáo viên không đủ sức thu hút học trò đến với môn học. Chính lối dạy kiểu “hàn lâm” khiến các môn xã hội từ trước đến nay bị gán cái tên “học thuộc lòng” làm cho học sinh sợ hãi, chỉ học vẹt, thiếu sự sáng tạo và giảm khả năng sáng tạo.

GS Ninh cho rằng, quan trọng nhất là định hướng của các bậc cha mẹ cho con cái về tầm quan trọng của các môn khoa học xã hội, những môn tạo nên cốt cách con người. Nếu không có nền tảng cơ bản về chân, thiện, mỹ, về lịch sử thì liệu có trở thành một công dân tốt. Rõ ràng hiện nay, suy nghĩ thực dụng của phần lớn phụ huynh trong định hướng nghề nghiệp cho con em mình đã khiến cho các ngành khoa học xã hội rất ít được để mắt đến.

Tuy nhiên, câu hỏi  được nêu ra là “khi học sinh và cả phụ huynh không hiểu được ích lợi của môn xã hội thì thì làm sao có thể yêu thích và lựa chọn”? Theo GS Vũ Dương Ninh, để đánh giá  đúng vị trí và vai trò của các ngành khoa học xã hội, đề nghị Nhà nước phải coi việc đào tạo kiến thức về khoa học xã hội là nền tảng cơ bản cho sinh viên mọi khối ngành trước khi đi vào chuyên ngành.

Về việc các ngành nghệ thuật từ  kỳ thi năm 2013 này sẽ bỏ thi văn, GS Vũ Dương Ninh đã nêu một so sánh: thế hệ nghệ sĩ trước đây thật chững chạc, mẫu mực còn các nghệ sỹ trẻ hiện nay được ca ngợi là “ngôi sao”  lại có nhiều vấn đề bất cập phải bàn, nhất là về cách đối nhân xử thế.

GS Vũ Dương Ninh cho rằng nếu công tác bảo vệ vai trò quan trọng của khoa học xã hội đối với sự phát triển của đất nước được thực hiện chủ động và bài bản thì sẽ hạn chế được tính thực dụng về chọn ngành, chọn nghề như hiện nay.

Để vực dậy sự phát triển của các ngành khoa học xã hội, theo GS Ninh, các ngành học phải tự đổi mới, nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên, cải tiến giáo trình, quy chế nghiên cứu, thực hành để làm rõ được giá trị khoa học đích thực và tính hấp dẫn của nhóm ngành này.

Bên cạnh đó, cần có chính sách học bổng và chính sách tuyển dụng để thu hút được những thí sinh giỏi, có tâm huyết vào học các ngành khoa học xã hội và nhân văn và phải có cơ chế sử dụng nhân tài hiệu quả nhất.

Phương Liên/Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất