Thứ Ba, 10/9/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 4/7/2017 16:58'(GMT+7)

Làm thế nào để lưu giữ 'Di sản đô thị'?

TS. Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: VGP/Phương Liên

TS. Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: VGP/Phương Liên

Cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã giải đáp được phần nào thực trạng quá trình đô thị hoá đang diễn ra ở các đô thị rất nhanh, làm mất dần bản sắc kiến trúc đô thị. Áp lực về kinh tế đang làm cho các khu vực có di sản trở thành một món hàng bất động sản hơn là di sản của đô thị.

Với khái niệm có vẻ như... mới, "Di sản đô thị", tại sao chúng ta lại có sự phân biệt rạch ròi di sản đô thị với di sản nói chung, thưa bà?

TS. Nguyễn Thị Hậu: Thật ra chúng ta vẫn quen với khái niệm di sản vật thể và phi vật thể. Di sản đô thị là những sản phẩm hóa đang tồn tại ở các đô thị. Từ xưa đến nay, các di sản văn hóa ở đô thị ít được chúng ta quan tâm. Khoảng chừng hơn chục năm gần đây, trong quá trình hiện đại hóa, các đô thị thay đổi nhiều quá nên vấn đề di sản đô thị đã được đặt ra.

Theo bà, những nguy cơ nào và điều gì thách thức những người làm bảo tồn di sản đô thị nhiều nhất?

TS. Nguyễn Thị Hậu: Với sự quan tâm và nghiên cứu của tôi, trường hợp cụ thể mà tôi đã nghiên cứu sâu là tại TPHCM, quá trình hiện đại hóa hiện nay là một trong những nguy cơ lớn nhất với loại hình di sản đô thị. Ở đây không thể không nói rằng hiện đại hóa mâu thuẫn với bảo tồn, mâu thuẫn hay không chính là do chính sách và quan điểm của mình. Nếu thực sự coi trọng di sản đô thị thì trong quá trình hiện đại hóa, chúng ta sẽ có những chính sách để bảo tồn, giữ lại. Nhưng nếu cho rằng nó không quý lắm, chúng ta sẽ không đủ sự quan tâm, không đủ nhận thức về giá trị của nó để có phương án giữ gìn những gì thuộc về di sản đô thị. Tôi cho rằng quan điểm như vậy sẽ làm hại di sản.

Trong những khảo sát của bà có những di sản nào, cụ thể như ở TPHCM, di sản đô thị đang bị phá hủy hay bị xâm hại rất nặng nề mà chúng ta chưa có những biện pháp khắc phục được?

TS. Nguyễn Thị Hậu: Nhìn ở bề nổi, mọi người thường quan tâm đến khu trung tâm TPHCM, ví dụ như Thương xá Tax, đường Đồng Khởi hay đường Nguyễn Huệ, nhưng dưới góc độ khảo cổ học đô thị như tôi đang theo đuổi thì tôi rất tiếc tất cả những cơ sở công nghiệp có bề dày tính theo thế kỷ ở Thành phố đã bị biến mất. Đây chính là những cơ sở đầu tiên chúng ta tiếp nhận, tiếp xúc với nền công nghiệp của phương Tây. Ví dụ như dãy nhà kho, bến cảng biển Bình Đông, hay gần đây nhất là Ba Son. Những cái đó là vô giá, chúng ta không có cách gì có lại lần thứ hai. Những ngôi nhà chúng ta có thể xây dựng lại theo kiểu tân cổ điển hay giả cổ nhưng thực sự những cơ sở công nghiệp đã mất thì không bao giờ có lại.

Tất cả những nhà máy điện trong miền Nam gọi là nhà đèn, miền Bắc gọi là nhà máy điện đã bị phá đi và xây những ngôi nhà cao tầng. Với hệ thống đường sắt, chẳng hạn như hệ thống đường sắt tại Đà Lạt, tất cả đều là sản phẩm công nghiệp nhưng có thể ứng dụng để trở thành những di sản ứng dụng về văn hóa trong thời kỳ ngày nay.

Với những gì là kiến trúc cũ, không dùng đến nữa, theo quan điểm bình thường là sẽ bỏ đi, nhưng cần phải lưu giữ lại giá trị của nó như thế nào mới là điều quan trọng.

Biện pháp để bảo tồn ở đây là gì , đặc biệt là những công trình nằm trên những "khu đất vàng" ở Quận 1, TPHCM theo những khảo sát của bà? Chúng ta thu nhỏ không gian đó, giữ lại hay có những biện pháp, phương pháp nào tối ưu?

TS. Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi, giải pháp cần nhất là phải đồng bộ. Đồng bộ ở đây nguyên tắc đầu tiên là phải bảo tồn nguyên vẹn. Không chỉ là bảo tồn từng điểm mà phải bảo tồn nguyên vẹn cả vùng đó. Bản thân vùng đó có giá trị toàn bộ. Hiện nay, chúng ta chỉ bảo tồn từng điểm. Ví dụ như Nhà hát Lớn TPHCM (còn gọi là Nhà hát Thành phố), chúng ta chỉ bảo tồn đúng Nhà hát Lớn thôi còn bên cạnh đó là để cho xây khách sạn Caravelle rất to. Mặc dù rất sang trọng nhưng khách sạn phá vỡ ngay vẻ đẹp của Nhà hát Lớn. Nếu như sau này toàn bộ khu vực đó đều có các toà cao ốc, cao tầng thì tự thân Nhà hát Lớn sẽ bị lạc lõng và từ sự lạc lõng đó, tôi sợ đến một lúc nào đó, nó sẽ... biến mất!

Thế cho nên nếu chỉ xem ở góc độ kinh tế nhiều vốn quý của đô thị sẽ không còn giữ lại được. Điều này cũng sẽ làm nghèo giá trị tinh thần của cư dân đô thị.

Một bên là những ký ức, những hoài niệm, những gì gắn bó với đô thị, còn một bên là vấn đề kinh tế. Cuộc đấu tranh khó khăn đó với những người làm công tác bảo tồn di sản như thế nào, thưa bà?

TS. Nguyễn Thị Hậu: Cuộc đấu tranh này có thể nói một bên là di sản của cộng đồng, một bên là những nhà đầu tư, rất cần một cán cân công lý từ phía chính quyền. Và tôi nghĩ nếu chính quyền không yêu đô thị như người dân thì khó có thể bảo vệ được di tích.

Bà đã làm cuộc khảo sát tổng thể nào để thấy rằng đô thị nào ở nước ta đã làm tốt công tác bảo tồn những di sản trong đô thị hay không?

TS. Nguyễn Thị Hậu: Trong phía Nam tôi đã khảo sát khá nhiều. Ở các thành phố phía nam, nhiều vùng hiện đại hóa chưa chạm tới, đô thị vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Ở Việt Nam mình có một khái niệm rất hay là đô thị di sản, ví dụ như Huế, Hội An. Về mặt vật chất, văn hóa vật thể, Huế và Hội An cũng còn tương đối ổn. Nhưng điều chúng tôi mong muốn là sẽ giữ được những gì thuộc về hồn vía của di sản và thông qua ứng xử của dân cư của vùng đất đó.

Có một vấn đề như trong phần đầu chia sẻ bà nói rằng với tốc độ đô thị hóa rất mạnh và nhiều nơi vốn không phải là đô thị bỗng trở thành đô thị, vì vậy số lượng di sản cần được bảo vệ lại càng mở rộng. Chúng ta có cần một đơn vị chuyên về bảo vệ di sản đô thị hay không thưa bà. Theo bà, cần một đơn vị nào đủ mạnh và đủ khả năng như vậy?

TS. Nguyễn Thị Hậu: Ở các tỉnh, các đô thị đều có Ban Quản lý di tích và danh thắng, TPHCM cũng có Trung tâm quản lý và bảo vệ danh thắng thuộc Sở Văn hóa Thể thao Thành phố. Trung tâm đó theo tôi được biết cũng quan tâm nhiều hơn đến các di sản truyền thống. Ví dụ như hệ thống đình, chùa, khu Chợ Lớn chẳng hạn. Còn di sản đô thị thời hiện đại trên dưới 100 năm - ta gọi là di sản thời Tây, gần đây cũng mới bắt đầu quan tâm. Thực ra tôi nghĩ không cần phải thêm ban bệ gì cả. Quan trọng là sự quan tâm và những giải pháp. Cơ quan chức năng, các Ban quản lý ấy nên có một sự phân loại, định danh các di sản của đô thị. Khi đã định danh được, chúng ta sẽ có cách ứng xử với nó phù hợp: Loại di sản này cần phải bảo tồn kiểu gì và giá trị của nó đến đâu… Nếu không định danh, chỉ ra được đó là di sản thì bảo tồn sẽ rất khó./.

Phương Liên - chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất