Thứ Sáu, 22/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 12/4/2021 14:34'(GMT+7)

Làm thế nào để nghiên cứu, học tập, quán triệt hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến toàn quốc từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc Hội) kết nối với 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và đường truyền mở rộng đến hơn 7.300 điểm cầu cơ sở. (Ảnh: Phương Hoa)

Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến toàn quốc từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc Hội) kết nối với 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và đường truyền mở rộng đến hơn 7.300 điểm cầu cơ sở. (Ảnh: Phương Hoa)

Đây là hoạt động không chỉ nhằm tạo ra sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, cơ sở mà còn góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cần lưu ý một số vấn đề cơ bản như sau:

Một là, đối với cấp ủy và tổ chức đảng. Trước hết mỗi cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy cần nhận thức đúng, xác định rõ nhiệm vụ của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì và chịu trách nhiệm về chất lượng công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết. Các cấp ủy và tổ chức đảng không chỉ xây dựng cơ chế cụ thể, rõ ràng quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của từng cấp ủy viên trên cơ sở được Ban Chấp hành phân công trong việc tuyên truyền, học tập, quán triệt nghị quyết mà còn thường xuyên xây dựng, củng cố tổ chức Đảng của địa phương, đơn vị, cơ sở của mình thực sự là hạt nhân chính trị.

Hai là, đối với báo cáo viên cấp ủy. Cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc giúp cấp ủy giới thiệu nghị quyết trong hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết.

Để nâng cao chất lượng buổi giới thiệu nghị quyết, yêu cầu báo cáo viên phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận sâu sắc, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm sống phong phú, hiểu biết rộng, am hiểu công nghệ thông tin để có đủ năng lực trao đổi, đối thoại, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của đối tượng tiếp nhận trong quá trình tuyên truyền.

Bên cạnh đó, báo cáo viên  phải xây dựng đề cương trình bày những nội dung cơ bản của nghị quyết thật công phu, cẩn trọng; phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm và trình bày được những nội dung cốt lõi, những vấn đề tinh túy nhất, hồn cốt nhất của nghị quyết. Bản đề cương trình bày nội dung nghị quyết phải được xây dựng sao cho sát hợp với thực tế của  ngành, đơn vị, địa phương, cơ sở và phù hợp với đối tượng; lồng ghép các ví dụ trong thực tiễn để minh họa. Tránh trình bày nội dung như nhau cho tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, cơ sở.

Trong khi trình bày, báo cáo viên không chỉ phân tích sâu quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp… mà còn phải liên hệ cho sát với tình hình cụ thể ở từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để minh chứng và bổ sung bằng thực tiễn làm sâu sắc hơn những luận đề, luận điểm, luận cứ đã được trình bày trong nghị quyết. Như vậy, mới tạo được sự hứng thú và thu hút được sự chú ý lắng nghe của đối tượng.

Để nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện nghị quyết, báo cáo viên cần định hướng cho đối tượng xây dựng chương trình hành động không chỉ do yêu cầu của nghị quyết và thực tiễn đặt ra mà còn gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị, cơ sở… Từ đó, giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân xây dựng được phương hướng hành động và thấy được trách nhiệm của mỗi người trong việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

Ba là, đối với đối tượng  nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Đảng. Việc chủ động nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Đảng vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây không chỉ là khâu đầu tiên mà còn là điều kiện, là tiền đề để đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Nhằm từng bước nâng cao tinh thần, thái độ của cán bộ, đảng viên và nâng cao chất lượng trong việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Đảng; vấn đề đặt ra hiện nay yêu cầu ban tổ chức lớp học cùng với các cấp ủy đảng phải có cơ chế giám sát, quản lý học viên nghiêm túc, chặt chẽ. Việc viết thu hoạch và xây dựng chương trình hành động của cấp ủy phải gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với tình hình đặc điểm  và điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị, cơ quan. Chương trình hành động phải thể hiện được sự quyết tâm, sáng tạo của cán bộ, đảng viên trong việc vận dụng nghị quyết vào thực tiễn công tác. Chương trình hành động đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và khả thi, tránh phô trương, hình thức. Xây dựng chương trình hành động của cấp ủy, chi bộ phải gắn với công tác chuyên môn, nghiệp vụ của từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, đơn vị hay địa phương; gắn với năng lực, sở trường và nhiệm vụ chuyên môn của từng cán bộ, đảng viên; thể hiện được quyết tâm, tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Bốn là, đối với nội dung và hình thức tổ chức hội nghị. Nội dung và hình thức tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết cũng là một yếu tố quan trọng. Việc sử dụng nội dung và lựa chọn hình thức nhất thiết phải phù hợp phù hợp với từng loại đối tượng tham dự. Với mỗi loại đối tượng có trình độ học vấn khác nhau; nghề nghiệp khác nhau; giới tính, lứa tuổi khác nhau; nhu cầu thông tin cũng khác nhau… nên khả năng vận dụng nghị quyết phục vụ cho nhu cầu công tác, học tập, rèn luyện và lao động sản xuất cũng khác nhau. Nếu như nội dung thông tin dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phân tích sâu về lý luận và thực tiễn thì đối với cán bộ,  đảng viên chỉ cần trình bày nội dung cốt lõi, thiết thực, ngắn gọn sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Về hình thức tổ chức, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng ngành, từng cấp, từng địa phương, đơn vị mà sử dụng linh hoạt hình thức truyền thống (tổ chức tại hội trường) hay hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, sử dụng bất kỳ hình thức nào cũng nên phân thành các lớp cho phù hợp với mỗi loại đối tượng.

Việc sử dụng nội dung và lựa chọn hình thức hợp lý trong tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập nghị quyết vừa tránh được sự nhàm chán, vừa thiết lập và củng cố được sự chú ý của cán bộ, đảng viên đối với bản thuyết trình của báo cáo viên.

Năm là, cấp ủy, tổ chức Đảng, bí thư cấp ủy các cấp tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết bằng các phương thức phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Chú trọng trao đổi, đối thoại, thảo luận những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn; những vấn đề khó khăn cần giải quyết khi tổ chức thực hiện nghị quyết tại chi bộ, cơ quan, đơn vị hay địa phương và xây dựng chương trình hành động cụ thể cho chi bộ, trong từng lĩnh vực công tác.

Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng học tập nghị quyết một cách dàn trải, chung chung; nội dung nào cũng nghiên cứu, nhưng khi vận dụng vào thực tiễn với công việc cụ thể thì không biết thực hiện thế nào. Thực hiện tốt các vấn đề nêu trên kết hợp với việc giám sát, kiểm tra, đánh giá của cấp ủy sẽ góp phần từng bước nâng cao chất lượng việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Đảng cho cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay./.

Hoàng Quốc Bảo

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

___________________________________

Bài đăng TCTG số 4/2021

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất