(TG)- Trong khi Hà Nội và Hải Phòng đều phát huy được thế mạnh nhờ lợi thế từ sân bay quốc tế, thì giờ đây, Quảng Ninh mới hội tụ đủ điều kiện phát triển khi có sân bay quốc tế Vân Đồn.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có mức vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng nằm tại địa bàn xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cách vịnh Hạ Long 50km về phía Tây Nam và cách cửa khẩu Móng Cái 140km về phía Đông Bắc.
Theo kế hoạch, hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ chính thức khai thác đường bay này từ ngày 30/12/2018 với tần suất một chuyến/ngày bằng tàu bay Airbus A321.
Với đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Vân Đồn sắp khai thác, các chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ khởi hành lúc 14 giờ hàng ngày và từ Vân Đồn lúc 16 giờ 45 phút, với thời gian bay khoảng 2 giờ. Đây được đánh giá là khung giờ khá phù hợp với nhu cầu của các đối tượng trên đường bay, đặc biệt là những hành khách tại các khu vực ở xa có đủ thời gian di chuyển.
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, không chỉ là đường bay với vai trò phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, Thành phố Hồ Chí Minh-Vân Đồn còn là cầu nối về kinh tế và văn hóa, tạo nên sức bật cho không chỉ Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh nói riêng mà còn là cả vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc.
“Việc khai thác các đường bay đến Vân Đồn cũng là một nội dung trong thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Vietnam Airlines,” ông Thành cho hay.
Để chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Vietnam Airlines đã tập trung chuẩn bị trang thiết bị mặt đất mới và đồng bộ; cài đặt hệ thống làm thủ tục với tính năng mới nhất, đảm bảo quá trình làm thủ tục nhanh, chính xác, đầy đủ.
Bên cạnh đó, hãng cũng chuẩn bị chu đáo cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên phục vụ; chuẩn bị văn phòng, cơ sở vật chất; rà soát quy trình làm việc từ đại diện Vietnam Airlines cho đến sân bay, cảng vụ… để đảm bảo cho chuyến bay được vận hành một cách thông suốt và đạt hiệu suất cao nhất.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu du lịch, giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận, đường bay thẳng này cũng đồng thời giúp Vietnam Ailines hoàn thiện mạng bay của mình, củng cố vị thế và hình ảnh của hãng bay tại thị trường đi đến vùng Đông Bắc Việt Nam nói riêng và thị trường nội địa nói chung.
Trong tương lai, khi các dự án du lịch, nghỉ dưỡng tại Vân Đồn đi vào hoạt động, tỷ trọng khách du lịch và những hành khách đến Vân Đồn với mục đích kinh doanh được dự đoán sẽ tăng lên.
Ngoài ra, cư dân Quảng Ninh cần sử dụng chuyến bay để đi lại phục vụ cho các vấn đề học tập, thăm người thân, đi khám chữa bệnh và các mục đích khác cũng là đối tượng mà Vietnam Airlines muốn hướng đến.
Quảng Ninh là một trong ba cửa ngõ tam giác phát triển kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ gồm Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, đồng thời cũng nằm trên vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc. Vì vậy, Vietnam Airlines mở đường bay đầu tiên kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Vân Đồn được nhiều chuyên gia đánh giá đã tạo ra sự kết nối giữa hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giữa cửa ngõ khu vực kinh tế phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và điểm đầu tiên trong vành đai kinh tế Việt-Trung tại Vân Đồn.
Năm 2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố khảo sát cho thấy, Quảng Ninh là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất trong 63 tỉnh thành cả nước, với 70,6 điểm trên thang điểm 100, xếp trên cả Đà Nẵng và Đồng Tháp.
Sự năng động của cửa ngõ kinh tế Đông Bắc có thế thấy qua thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm gần đây, khi năm 2013 tỉnh này xếp thứ 4, năm 2014 xếp thứ 5, nhưng đến năm 2015 đã lọt vào top 3, năm 2016 xếp thứ 2 và năm 2017 vươn lên dẫn đầu./.
PV