Tại lễ trao Giải, loạt bài: “Lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền biển, đảo Việt Nam – Góc nhìn từ phán quyết của Trọng tài PCA về Biển Đông” của nhóm tác giả: Nhà báo Nguyễn Văn Kết (bút danh: Nguyễn Phương Nam, Phương Nam, Hà Thảo Hà, Nguyễn Lê Thảo Hà); Tiến sĩ Lê Huỳnh Hoa (Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh); Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng ban Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng) đã đoạt giải C ở thể loại bài xã luận, chuyên luận bình luận báo in.
Loạt bài: Lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền biển, đảo Việt Nam – Góc nhìn từ phán quyết của Trọng tài PCA về Biển Đông”, gồm 3 bài viết được đăng trong 6 kỳ trên Tạp chí Văn thư - Lưu trữ Việt Nam: Bài 1. “Chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc và lịch sử xác lập, thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa dưới góc nhìn của chứng cứ lịch sử - pháp lí (đăng 3 kỳ liên tục); bài 2. Chính sử Việt Nam – Cơ sở lịch sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (đăng 2 kỳ); bài 3. Đà Nẵng trong quá trình củng cố và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (đăng 1 kỳ) trên Tạp chí Văn thư – Lưu trữ Việt Nam năm 2106.
Toàn bộ các bài viết của chuyên đề được thực hiện trên cơ sở công bố, sử dụng, khai thác tài liệu lưu trữ - bản gốc, thông tin cấp I có tính xác thực cao hiện đang lưu giữ tại các Trung tâm lưu trữ Quốc gia, Viện Hán – Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Chính việc thực hiện chuyên đề của các tác giả khi công bố tài liệu, tư liệu lưu trữ, các tác giả đã minh chứng một cách rõ ràng, cụ thể lịch sử xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam đúng theo tập quán và luật pháp quốc tế. Đặc biệt, lần đầu tiên, các bản dập mộc bản của các bộ chính sử quan trọng của Lịch sử Việt Nam thời phong kiến (được Viện Hán – Nôm, Thư viện quốc gia quản lý và giới thiệu, đã cho khai thác mạng Internet từ rất lâu) có nội dung liên quan đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam vốn đã được giới thiệu một cách đơn lẻ, thiếu tính hệ thống trong các triển lãm, hội thảo trong thời gian qua được giới thiệu cụ thể gồm bản dập, phiên âm và nghĩa tiếng Việt rất rõ ràng, chính xác.
Việc được Hội đồng chấm Giải báo chí quốc gia lần XI ghi nhận và trao giải là nhờ việc các tác giả công bố, giới thiệu tư liệu và tài liệu lưu trữ mang tính xác thực cao, rõ ràng, có nguồn lưu trữ và công bố chính xác, cụ thể - yếu tố minh chính tính xác thực – giá trị cốt lõi của tài liệu và tư liệu lưu trữ - điều kiện xác định giá trị của chứng cứ lịch sử - pháp lý về chủ quyền của Việt Nam. Đó cũng là sự ghi nhận của Hội đồng Báo chí quốc gia đối với những hoạt động thiết thực của những người làm báo của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ vào công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Việc đoạt giải ý nghĩa hơn khi lần thứ 2 trong vòng 3 năm, Tạp chí Văn thư - Lưu trữ Việt Nam vinh dự được nhận giải Báo chí Quốc gia. Năm 2013, với đề tài “Sức mạnh từ tài liệu lưu trữ - Cơ sở lịch sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” đã được Hội đồng chấm giải Báo chí quốc gia trao giải 3.
Trịnh Châu