Một trong những vấn đề lớn đối với hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa, là lan tỏa những giá trị nghệ thuật tinh hoa, đỉnh cao, bác học vào cuộc sống, để người dân bình thường cũng cảm nhận được.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ điều này tại Đại hội Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam nhiệm kỳ VII (2020-2025) đã diễn tại Hà Nội, sáng 29/9.
“Mái nhà chung” của các nghệ sĩ
Hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam đã kế thừa nghệ thuật múa dân tộc truyền thống, gắn với hơi thở thời đại, tiếp thu chọn lọc tinh hoa nghệ thuật múa quốc tế và đã có bước phát triển toàn diện, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các nghệ sĩ múa đã không ngừng nỗ lực vươn lên bằng rất nhiều mồ hôi, không hiếm nước mắt và đôi khi là cả những thương tật, lao động sáng tạo, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật của đất nước, đóng góp không thể thiếu trong bức tranh tổng thể của nền văn nghệ Việt Nam.
Sau 30 năm thành lập, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam thực sự trở thành mái nhà chung của giới nghệ sĩ múa cả nước, cùng hỗ trợ, khích lệ nhau sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, tạo nên nhiều vẻ đẹp mang đậm tinh thần yêu nước và nhân văn sâu sắc.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã có nhiều hoạt động thúc đẩy công tác lý luận, sáng tác, đào tạo và biểu diễn với những cuộc thi nghệ thuật múa quy mô lớn. Nội dung, chủ đề đa dạng, bám sát và phản ánh sinh động hiện thực đời sống xã hội; mở ra những yêu cầu nghiệp vụ chuyên sâu để các tác giả đầu tư trí tuệ, công sức, sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật múa có giá trị cao.
Các lớp sáng tác cho biên đạo chuyên nghiệp và tập huấn nghiệp vụ với đối tượng hội viên hoạt động trên lĩnh vực múa quần chúng, các cuộc hội thảo khoa học bàn về những nội dung liên quan, chi phối, tác động trực tiếp đến sự phát triển nghệ thuật múa Việt Nam được tổ chức thường xuyên…
Đặc biệt trong thời gian vừa qua, trước những hệ lụy của đại dịch COVID-19, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam vẫn tích cực hoạt động, vừa nghiêm túc phòng chống dịch, vừa dàn dựng và công diễn được một số vở kịch múa lớn có nội dung và giá trị nghệ thuật cao; tổ chức thành công Hội thảo toàn quốc với chủ đề “Thành tựu nghệ thuật múa Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (1975-2020)”.
Tuy nhiên, báo cáo và các ý kiến tại Đại hội cũng thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, bất cập trong hoạt động múa hiện nay. Một số nghệ sĩ mới chỉ phản ánh bề nổi của đời sống xã hội, chưa đi sâu khám phá, sáng tác những đề tài có giá trị nhân văn sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam. Tính chuyên nghiệp trong sáng tác chưa cao. Múa phụ họa, minh họa còn “phủ sóng” quá nhiều, không ít tác phẩm còn nặng về hình thức, mờ nhạt về nội dung, tính giáo dục chưa được phản ánh rõ nét.
Công tác nghiên cứu, lý luận phê bình chưa theo kịp thực tiễn. Nhiều vấn đề của nghệ thuật múa hiện nay chưa được đầu tư nghiên cứu một cách đầy đủ để có thể định hướng sáng tác, đưa nghệ thuật múa ngày càng phát triển. Một số tiêu chí thẩm định, đánh giá chất lượng, giá trị các sản phẩm sáng tạo, lao động nghệ thuật múa đôi khi còn chưa có sự thống nhất cao; chưa phản ánh được tính khách quan, khoa học, chưa phù hợp trước sự thay đổi và yêu cầu của hiện thực đời sống...
Trong nhiệm kỳ tới, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam xác định cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn từ sáng tác tới nghiên cứu lý luận, từ đào tạo đến biểu diễn. Hướng tới mục tiêu nền nghệ thuật múa Việt Nam không chỉ có được những tác phẩm hay mà hơn hết, đó phải là những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống, có sức sống lâu bền, đậm bản sắc dân tộc, có giá trị văn hóa cao…
Các nghệ sĩ phải sống được bằng lao động nghệ thuật
Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, cùng với các văn nghệ sĩ, những nghệ sĩ múa Việt Nam đã kế thừa truyền thống dân tộc từ nhiều nghìn năm, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp một phần, nhiều khi lặng lẽ, vào những thành tựu, chiến thắng của dân tộc, làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc, để Việt Nam tự hào có một nền văn hiến rực rỡ, những con người có những phẩm chất rất đáng ca ngợi.
Trong chặng đường phát triển đó, nhiều nghệ sĩ múa đã để lại không chỉ tác phẩm mà cả tấm gương, tấm lòng suốt đời phấn đấu vì nghệ thuật, vì sự nghiệp phát triển văn hóa đất nước.
Một trong những vấn đề lớn đối với hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa, theo Phó Thủ tướng đó là lan tỏa những giá trị nghệ thuật tinh hoa, đỉnh cao, bác học vào cuộc sống, để người dân bình thường cũng cảm nhận được. Qua đó, thực hiện sứ mệnh quan trọng nhất của nghệ thuật, của những người nghệ sĩ là “soi sáng những góc còn tối trong tâm hồn mỗi người”.
Nhấn mạnh mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam hướng tới chân-thiện-mỹ, Phó Thủ tướng cho rằng cùng với những thành tựu phát triển của đất nước, đã đến lúc chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho nghệ thuật, công tác đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế cận…
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các nghệ sĩ múa cần nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại từ mô phỏng các động tác múa phục vụ hoạt động đào tạo, đến đưa các tác phẩm, chương trình nghệ thuật múa vượt qua khoảng cách, hạn chế không gian để đến với đông đảo người dân ở mọi miền Tổ quốc.
Phó Thủ tướng trao đổi thêm: Nghệ thuật, văn hóa trong ngắn hạn chưa làm ra tiền và khi đất nước còn nghèo, nguồn lực còn eo hẹp thì ít người, nếu không có một tầm nhìn, dám dành nguồn lực lớn hơn mức bình thường, đầu tư cho nghệ thuật, văn hóa. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng giới nghệ sĩ, mà của cả hệ thống và toàn xã hội nhưng trực tiếp là Bộ VHTT&DL.
Dù chúng ta đã có cơ chế đặt hàng, nâng cấp các cơ sở đào tạo, nhưng quan trọng hơn là phải làm sao để các nghệ sĩ múa có thể sống được bằng lao động nghệ thuật của chính mình.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn các nghệ sĩ múa đi trước tiếp tục là chỗ dựa tinh thần cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ, kết hợp truyền thống với hiện đại, công nghệ để tiếp tục góp phần bồi đắp, phát huy nền văn hiến rực rỡ của dân tộc./.
Theo chinhphu.vn