Thời gian qua, trong xã hội xuất hiện nhiều việc làm đầy nhân văn, góp phần tôn lên cái tốt đẹp. Có thể cảm nhận được tinh thần sẻ chia, phục vụ cộng đồng ngày càng được lan tỏa.
Điều đó thể hiện qua việc xuất hiện phong trào tổ chức các chuyến xe
nghĩa tình, đưa hàng vạn lao động, người thu nhập thấp, bệnh nhân và
người nhà bệnh nhân nghèo về quê ăn Tết. Phong trào này được thực hiện
nhờ sự phối hợp của các địa phương, doanh nghiệp, bệnh viện. Cùng với
đó, các nhà xe trước đây thường nhân ngày Tết tranh thủ nhồi nhét, tăng
giá vé, chèn ép khách thì nay đã chủ động giảm giá vé, thậm chí nhiều
nhà xe còn miễn phí các chuyến xe trong ngày 30 Tết để đưa những hành
khách cuối cùng do bận rộn công việc cuối năm về quê kịp đón Giao thừa,
không để ai phải ở lại bến xe. Việc làm tốt đẹp này đã xóa đi nỗi "khiếp
đảm" của hành khách trong các chuyến xe cuối năm.
Đó còn là việc vừa qua dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện lớn
đã kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, từ các nhà hảo tâm xây dựng nhà lưu
trú khang trang cho người nhà bệnh nhân với giá thuê trọ rất rẻ, chỉ
15.000 đồng/người/ngày. Điều này góp phần xóa bớt hình ảnh nhếch nhác ở
các bệnh viện tuyến Trung ương khi người nhà bệnh nhân, nhất là bệnh
nhân nghèo ở tỉnh xa phải ăn bờ ở bụi, nằm vạ vật trên ghế đá, hành
lang, gầm cầu thang.
Nỗi khổ của hành khách trên các chuyến xe ngày Tết, sự mệt mỏi, bơ phờ
của người nhà bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến Trung ương đã kéo dài
nhiều năm nay, gây ra những bức xúc, thương cảm. Nhưng để không còn
những nỗi khổ sở ấy, hay để bớt đi những nỗi khổ khác trong cuộc sống
thì không thể chỉ trông chờ vào chính quyền mà cả xã hội đều cần chung
tay, ai cũng nên thấy một phần trách nhiệm của mình. Bởi dù chính quyền
có đưa ra quy định thế nào, lực lượng chức năng dù có cố gắng tuần tra
kiểm soát tới đâu nhưng nếu mỗi nhà xe chỉ chăm chăm tối đa hóa lợi ích
của mình, không thấy được trách nhiệm với cộng đồng, không vì lợi ích
của cộng đồng thì việc "chặt chém", nhồi nhét khách đi xe sẽ không thể
chấm dứt. Các biện pháp đề ra cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, nếu các
bệnh viện chỉ nghĩ đến chuyện chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân mà không
quan tâm đến người nhà bệnh nhân thì việc người nhà bệnh nhân phải "lăn
lóc" nơi hành lang, gầm cầu thang bệnh viện sẽ là chuyện dài muôn thuở,
nhất là khi ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn.
Một xã hội sẽ chỉ tốt đẹp nếu như mỗi người biết hy sinh chút lợi ích
của mình vì lợi ích chung của cộng đồng, biết buồn trước nỗi buồn của
người khác, biết đau khi thấy nỗi đau của người khác. Trong mỗi hành
động, cần luôn nghĩ tới những người xung quanh, biết quan sát cuộc sống,
biết nhìn nhau mà sống./.
Hồ Quang Phương (QĐND)