Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Ba, 13/2/2018 22:16'(GMT+7)

ASEAN 2018 - Năm hành động nắm chắc tương lai

Vậy trong năm 2018, những điều gì đang đón đợi ASEAN và ASEAN sẽ làm gì để hiện thực hóa các mục tiêu theo đúng lộ trình, cũng như phục vụ các lợi ích thiết thực của người dân trong Cộng đồng?
"Ngôi nhà chung" của cộng đồng ASEAN
 
Tháng 11-2015, lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua “Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước” kèm theo văn kiện “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025” và ba kế hoạch tổng thể triển khai các trụ cột gồm: Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), định hình cho sự phát triển của ASEAN trong 10 năm tiếp theo. Theo đó, Cộng đồng ASEAN được hình thành với những đặc trưng lớn, như mức độ gắn kết và liên kết nội khối cao hơn, có vai trò quan trọng hơn ở khu vực, một cộng đồng thực sự vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi hơn và mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân.
Kể từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời (31-12-2015), ASEAN đã tích cực cụ thể hóa các văn kiện mang tầm định hướng chiến lược kể trên thành các chương trình, kế hoạch công tác đối với từng lĩnh vực, triển khai các nội dung phù hợp với điều kiện và mức độ hợp tác hiện tại của ASEAN. Trụ cột chính trị - an ninh đạt nhiều kết quả thực chất trong hợp tác quốc phòng, an ninh biển, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Hợp tác kinh tế triển khai theo đúng lộ trình, đóng góp vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng chung của ASEAN (4,5-5%/năm); đồng thời, hoàn thành nhiều dự án thực tiễn trong Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Kế hoạch công tác giai đoạn III - Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) - Sáng kiến nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN. Hợp tác văn hóa - xã hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động quảng bá, nâng cao nhận thức về ASEAN, trao đổi thông tin, giao lưu nhân dân. Đặc biệt trong năm 2017, các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập đã được tổ chức sinh động ở nhiều cấp độ, góp phần quảng bá về ASEAN cũng như nâng cao hình ảnh và uy tín của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Với mục tiêu bảo đảm phát triển xã hội và môi trường bền vững - cân bằng, “Tầm nhìn Cộng đồng 2025” được triển khai gắn kết với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững; trước mắt, tập trung vào các ưu tiên về hạ tầng kết nối, khả năng phục hồi, sản xuất và tiêu dùng bền vững, xóa nghèo và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Việc thúc đẩy tính tương hỗ giữa triển khai “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN” và các chương trình nghị sự liên quan ở tầm khu vực và toàn cầu sẽ giúp ASEAN tận dụng tốt hơn kinh nghiệm và nguồn lực đã có; đồng thời, thể hiện nỗ lực của ASEAN vươn ra bên ngoài, phấn đấu trở thành thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thời gian qua, ASEAN cũng ghi nhận sự khởi sắc trong quan hệ đối ngoại thể hiện ở những kết quả cụ thể trong triển khai Chương trình hành động giai đoạn 2016-2020 với đối tác. Các đối tác, trong đó có tất cả các nước lớn, đều khẳng định tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng thông qua nhiều sáng kiến và cam kết cụ thể.

Những thành công nói trên là kết quả của 2 năm triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhưng thực chất được tạo nên trên cơ sở của 50 năm hợp tác và trưởng thành. Song không một con đường nào dẫn tới thành công mà không có chông gai, thử thách; đặc biệt với ASEAN, một tổ chức bao gồm sự đa dạng và khác biệt nhiều mặt giữa các nước thành viên, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo, chế độ chính trị đến chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, và vận hành theo phương thức “đồng thuận” (phương thức này, bên cạnh mặt thành công, đã có lúc bị coi là nguyên nhân làm chậm bước tiến của ASEAN). Càng đi vào hội nhập sâu, các thách thức càng bộc lộ rõ hơn ở nhiều khía cạnh và ở mức độ cao hơn; đồng thời, cũng xuất hiện thêm nhiều thử thách mới. Đáng chú ý, bên trong là: những hạn chế ASEAN phải tập trung khắc phục để nâng cao hiệu quả bộ máy hoạt động, đẩy mạnh kinh tế - thương mại nội khối và thu hút hơn nữa sự quan tâm, tham gia hợp tác ASEAN của các tầng lớp xã hội; bên ngoài là: những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, sự gia tăng cạnh tranh và can dự của các nước lớn, xuất hiện hàng loạt các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống… đang là phép thử cam go đối với vai trò trung tâm của ASEAN.

Nắm lấy tương lai

2 năm đầu tiên triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng có thể được ví như giai đoạn “thử nghiệm” khi ASEAN vừa ưu tiên triển khai sớm những dòng hành động khả thi, vừa nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác với lộ trình triển khai cụ thể từ nay tới 2025. Đến nay, về cơ bản, các cơ quan chuyên ngành đều hoàn tất xây dựng chương trình công tác của mình. Theo đó, năm 2018 sẽ là năm ASEAN tập trung vào hành động, đẩy mạnh triển khai các hoạt động, chương trình, kế hoạch đã đặt ra. Năm 2018, cũng sẽ là năm của một chuỗi những khởi đầu, như khởi động đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bước đầu triển khai Đồng thuận ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư, thực hiện Thỏa thuận FTA ASEAN - Hồng Công, Tuyên bố ASEAN về Sáng tạo, Khuôn khổ kinh doanh toàn diện ASEAN và rất nhiều các cam kết, sáng kiến vừa đạt được trong năm 2017.

Năm 2018, nước Chủ tịch ASEAN Singapore đã lựa chọn chủ đề “Nắm lấy tương lai, hướng tới một Cộng đồng ASEAN Tự cường và Sáng tạo”. Với chủ đề này, trọng tâm hợp tác của ASEAN sẽ nổi bật hơn trên các lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao như kinh tế số, kết nối, an ninh mạng, thông qua hiện thực hóa các sáng kiến như “khuôn khổ thương mại điện tử” và “mạng lưới các thành phố thông minh”. Đồng thời, Singapore cũng mong muốn thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm trong từng trụ cột hợp tác.

Về chính trị - an ninh, ASEAN tiếp tục nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực; trong đó, có thúc đẩy hợp tác an ninh biển, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, cướp biển, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, mua bán người và bạo lực cực đoan… Các khuôn khổ như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và ASEAN Mở rộng (ADMM/ADMM+), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC) về cơ bản vẫn sẽ duy trì các nguyên tắc và phương thức hoạt động như hiện nay; đồng thời, có khả năng mở rộng ưu tiên sang các lĩnh vực hợp tác mới như an ninh mạng, xây dựng lòng tin trên biển, trên không. Điểm nhấn của mảng hợp tác chính trị - an ninh trong năm 2018 là việc ASEAN và Trung Quốc sẽ chính thức khởi động quá trình xây dựng COC thực chất và khả thi, góp phần đưa Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Về kinh tế, để đáp ứng yêu cầu và nắm bắt cơ hội tác động bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, duy trì đà tăng trưởng cho khu vực nói chung và từng quốc gia thành viên nói riêng, ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết và kết nối thông qua thực hiện các biện pháp thuận lợi hóa thương mại khu vực. Trong đó, ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME). ASEAN cũng sẽ phát huy tối đa hiệu quả các FTA đã có, triển khai thỏa thuận FTA ASEAN - Hồng Công, đẩy nhanh đàm phán các nội dung Hiệp định về thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Về văn hóa - xã hội, ASEAN sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác tập trung hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, thông qua triển khai các cam kết đã đạt được trong các lĩnh vực công vụ, lao động và lao động di cư, phúc lợi, phát triển xã hội, phụ nữ và trẻ em, y tế, thanh niên, giáo dục. Đáng chú ý, việc triển khai thực chất “Đồng thuận ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động di cư” đã ký tại Cấp cao ASEAN tháng 11-2017, một văn kiện được hoàn tất sau 10 năm khởi thảo, sẽ mang lại giá trị thực tiễn lớn, bảo đảm cho người lao động di cư được thụ hưởng những quyền và lợi ích cơ bản, bảo trợ xã hội, công lý và đối xử nhân đạo. ASEAN cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức, giao lưu nhân dân, tận dụng đà thành công của năm kỷ niệm “vàng” của ASEAN 2017 để tiếp tục nâng cao hình ảnh, vị thế của ASEAN ở khu vực, quốc tế và đối với mỗi người dân. Về quan hệ đối ngoại, tăng cường quan hệ với các đối tác tiếp tục là ưu tiên của ASEAN thông qua triển khai các sáng kiến, cam kết đã đạt được, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế - thương mại, kết nối đường bộ, hàng không, hàng hải, kết nối số, giao lưu nhân dân, khoa học - công nghệ, giáo dục, văn hóa, cứu trợ thiên tai, thu hẹp khoảng cách phát triển. Các cơ chế, diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), các cơ chế đối thoại giữa ASEAN và các đối tác lớn đang phát huy vai trò của mình.

Việt Nam - Một thành viên tích cực của ASEAN

 Tham gia ASEAN từ năm 1995 đến nay, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của Hiệp hội, được các thành viên cũng như đối tác của ASEAN ghi nhận và công nhận. Quá trình hình thành nên một ASEAN có tầm vóc và diện mạo như ngày hôm nay mang đậm dấu ấn của Việt Nam.

Trước hết, việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 là một quyết sách lớn, có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa khu vực Đông Nam Á chuyển từ thế đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ chuyển dần sang tăng cường hợp tác, tăng cường xây dựng lòng tin. Sau khi trở thành thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam đã đóng vai trò tích cực trong vận động kết nạp các nước Đông Nam Á còn lại (Lào, Mianma, Campuchia), hiện thực hóa mục tiêu ban đầu về một tổ chức khu vực bao gồm đẩy đủ mười quốc gia Đông Nam Á, từ đó tạo đà cho những bước phát triển nhanh hơn và xa hơn của Hiệp hội. Chỉ 3 năm sau khi chính thức gia nhập ASEAN, Việt Nam đã đăng cai thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (12-1998) tại Hà Nội, đánh dấu bước đầu sự trưởng thành trong hội nhập khu vực của Việt Nam. Thành công tiếp nối thành công, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2000-2001 và hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 với những kết quả to lớn và thực chất như mở rộng Cấp cao Đông Á, bao gồm tất cả các nước lớn ở khu vực, thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng mở rộng, thúc đẩy “văn hóa thực thi” trong ASEAN.

Trong hai thập niên tham gia ASEAN, Việt Nam đã từng bước đóng vai trò tích cực trong xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN; trong đó, đáng chú ý là những đóng góp của Việt Nam trong xây dựng Tầm nhìn ASEAN 2020 (năm 1997) và các kế hoạch triển khai Tầm nhìn (Chương trình hành động Hà Nội và Kế hoạch Hành động Viêng Chăn), Hiến chương ASEAN (năm 2007), Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cùng các kế hoạch triển khai trên từng trụ cột (năm 2015) và nhiều thỏa thuận quan trọng khác.

Không chỉ là một thành viên có trách nhiệm, Việt Nam còn thể hiện vai trò chủ động, tích cực, thể hiện rõ nhất trong việc đóng góp và thúc đẩy duy trì đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, luôn nâng cao ý thức trách nhiệm chung nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức ngày càng gia tăng. Việt Nam cũng đã đóng góp tích cực trong việc tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN, hoàn thành tốt vai trò nước điều phối quan hệ quan hệ ASEAN với Trung Quốc (2009-2012), EU (2012-2015) và hiện đang đảm nhiệm điều phối quan hệ ASEAN- Ấn Độ (2015-2018). Dù còn chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế với nhóm nước phát triển hơn trong ASEAN, nhưng Việt Nam được đánh giá là một trong những nước đi đầu trong hội nhập kinh tế khu vực, có nhiều đóng góp vào hình thành các cam kết, thỏa thuận của ASEAN, tham gia tích cực vào triển khai các sáng kiến, dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI). Việt Nam cũng đã thể hiện vai trò nhất định trong việc thúc đẩy hợp tác văn hóa-xã hội ASEAN, nhất là trong các lĩnh vực lao động, việc làm, phụ nữ, môi trường, giáo dục.

Có thể thấy, ASEAN đã luôn là một trụ cột - một ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng đã khẳng định rõ chủ trương và phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng cộng đồng vững mạnh”.

Để tăng cường bản sắc và giá trị của Cộng đồng ASEAN, vốn được xây dựng trên nền tảng của sự hài hòa giữa cái chung và cái riêng, Việt Nam sẽ ủng hộ và tích cực đóng góp để có thể trong tương lai xây dựng những “sản phẩm” chung gắn “thương hiệu ASEAN”. Việt Nam cũng cần đẩy mạnh tham gia các hoạt động về giao lưu, trao đổi văn hóa, học thuật dành cho nhiều đối tượng khác nhau, vừa đóng góp vào hợp tác ASEAN, vừa để người dân Việt Nam có nhiều cơ hội được hòa mình với không khí và tinh thần của “cộng đồng”.

Để góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại, xây dựng một cộng đồng tự cường và sáng tạo, Việt Nam ưu tiên hàng đầu cho công nghệ và kỹ năng, tăng cường năng lực hội nhập và tính tự cường, rút ngắn khoảng cách về phát triển với các nước thành viên ASEAN khác. Quan trọng hơn cả, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên khác thực hiện sứ mệnh chung của ASEAN là bảo đảm hòa bình, duy trì và củng cố đoàn kết, thống nhất. Đây là những yếu tố then chốt làm nên sức mạnh ASEAN. Chúng ta luôn tôn trọng những nguyên tắc đã có của ASEAN, hành động theo đồng thuận chung, thúc đẩy lập trường và tiếng nói chung của ASEAN trong các vấn đề cùng quan tâm.

Chào đón năm mới, ASEAN cũng sẵn sàng đón nhận cả cơ hội và thách thức. Với tinh thần hợp tác và ý thức cộng đồng được vun đắp trong suốt những năm qua, với thói quen hợp tác đã được hình thành trong suốt năm thập niên, với ý chí và cam kết mạnh mẽ, các thành viên ASEAN có thể tự tin tiếp bước cùng nhau, cùng nỗ lực hành động vì một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh trong tương lai. Trong tiến trình ấy, Việt Nam cam kết luôn là một thành viên tích cực, chủ động, trách nhiệm, cùng các thành viên khác làm nên những mùa xuân mới cho Cộng đồng ASEAN.

Nguyễn Quốc Dũng
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất