Thứ Năm, 10/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 28/3/2022 9:23'(GMT+7)

Lắng nghe các nhà đầu tư góp ý, hiến kế để thành phố phát triển

Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao (Ảnh minh họa)

Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao (Ảnh minh họa)

Nhận thức được điều này nên định kỳ hằng năm Ủy ban nhân dân TPHCM tổ chức Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư để được lắng nghe các ý kiến góp ý. Qua đó, mong muốn các nhà đầu tư sẽ tham gia đầu tư, đóng góp và là đồng tác giả của sự phát triển Thành phố trong giai đoạn mới.

Nhấn mạnh về vai trò của TPHCM là trung tâm kinh tế - thương mại lớn, năng động, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữ vị trí đầu tàu trong cả nước, thể hiện ở quy mô dân số, chất lượng lao động và đóng góp GDP vào tổng ngân sách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi cho rằng, các dự án đầu tư vào Thành phố đều đạt hiệu quả và tăng thêm uy tín cho nhà đầu tư, cho các thương hiệu. Đầu tư vào TPHCM cũng chính là đầu tư cho đất nước Việt Nam đang vươn lên trong xây dựng và phát triển.

NHỮNG GÓP Ý XÁC ĐÁNG

Với tinh thần thẳng thắn, góp ý chân thành, thẳng thắn cho sự phát triển kinh tế - xã hội Thành phố trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico cho rằng, Thành phố nên phát triển trở thành một trung tâm chứng khoán trị giá 5,8 triệu tỷ tương đương 252 tỷ USD, đồng thời, xây dựng TPHCM là điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng. Bên cạnh đó, Thành phố cần tập trung chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện; đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động. Tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân; đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất phụ trợ, đào tạo về công nghệ, kỹ thuật…

Ông Park Hyun Bae, Tổng Giám đốc công ty TNHH KCTC Việt Nam cho rằng TPHCM cần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và cải thiện phát triển thêm nhiều cảng biển, tận dụng những cảng khu vực lân cận như cảng Hiệp Phước, như vậy sẽ giúp cho công ty về vận tải, logistics phát triển và bộ mặt giao thông đường bộ, đường sông, đường biển sẽ khởi sắc hơn.

Đối với Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, một số nhà đầu tư cũng cho rằng, khi trung tâm này thành hình, Thành phố sẽ có nhiều cơ hội để quy tụ các định chế tài chính chất lượng trên thế giới. Mặt khác, trung tâm cũng góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng góp ý để TPHCM phát triển thành trung tâm phân phối hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao, trên cơ sở phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại. Điều này còn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của cuộc sống người dân đô thị.

Thông tin với các nhà đầu tư và doanh nghiệp về định hướng phát triển kinh tế - xã hội TPHCM trong thời gian tới, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TPHCM xác định 5 nhiệm vụ chính thực hiện trong giai đoạn này gồm: Một là, phải huy động hiệu quả được các nguồn lực trên cơ sở tiếp tục chủ động đề xuất Trung ương hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp ủy quyền, khơi thông nguồn lực phát triển. Hai là, tập trung nguồn lực từ vốn đầu tư công để thực hiện các đề án ưu tiên triển khai để tạo động lực và sự lan tỏa trong tăng trưởng kinh tế; Chỉnh trang đô thị gắn với nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch Thành phố giai đoạn 2021-2030. Ba là, nâng cao chất lượng, tái cơ cấu kinh tế theo hướng giảm thâm dụng lao động, ứng dụng công nghệ cao. Bốn là, phát triển dịch vụ y tế thông minh, giáo dục thông minh và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Năm là, đẩy mạnh liên kết vùng (trong đó chú ý hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng), nâng tầm vị trí quốc tế của Thành phố…

CHÍNH QUYỀN LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP

Trước các ý kiến góp ý xác đáng, thiết thực của các DN và các nhà đầu tư trên địa bàn Thành phố cũng như các nhà đầu tư nước ngoài, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định chính quyền Thành phố sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp trong các thủ tục hành chính. Đồng chí bày tỏ tin tưởng, với sự tin cậy, đồng hành và gắn bó của các tổ chức, các DN và các nhà đầu tư là một trong những nhân tố mang tính chất quyết định đến sự phát triển và thành công của kinh tế - xã hội của Thành phố.

Để Thành phố phục hồi và phát triển đột phá hơn trong những năm tiếp theo, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị TPHCM tập trung triển khai hiệu quả 51 chương trình, đề án trong 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI; đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch Thành phố theo tiến độ; quy hoạch không gian ngầm đô thị.

Tập trung tổng kết Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 gắn với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM…

Năm 2022, chủ đề hành động của Thành phố là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, chủ đề này chính là sự cam kết, lời hứa của Ủy ban nhân dân Thành phố trong việc đồng hành cùng DN, các nhà đầu tư.

Cam kết này còn được khẳng định trong phát biểu của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tại Hội nghị lắng nghe ý kiến DN và các nhà đầu tư: “Bổn phận của chính quyền Thành phố là làm sao cho nhà đầu tư thấy rõ được đầu tư vào TPHCM thực sự là cơ hội, hội đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Lãnh đạo Thành phố hoan nghênh và cảm ơn các ý kiến góp ý của các DN chân thành, hay, xác đáng, quan trọng. Chính quyền Thành phố đã cam kết đồng hành cùng DN và các nhà DN cũng bày tỏ sẵn sàng sẻ chia và đồng hành cùng chính quyền địa phương để phát triển Thành phố”.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, những góp ý của các nhà đầu tư có ba trọng tâm chính: Thứ nhất, vấn đề về thể chế, hệ thống chính sách và quy định hiện nay, đối với TPHCM như một chiếc áo đã chật, cần sớm tháo gỡ. Thứ hai, xây dựng kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội; nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu giai đoạn mới, có đội ngũ cán bộ công chức tận tụy, liêm chính, hành động quyết liệt. Thứ ba, cần có cơ chế thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, dễ dàng trong không gian sống, làm việc văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Không lãng phí thời gian công sức cho những việc nhỏ nhen, tiêu cực trong các thủ tục hành chính.

Để doanh nghiệp, nhà đầu tư đồng hành cùng Thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị, chính quyền đã cam kết, DN đã đồng hành, vấn đề quan trọng cần phải có tiêu chí, quy định trách nhiệm, mỗi người làm gì, nhất là vai trò của người đứng đầu. Khi gặp khó khăn vướng mắc, cùng bàn bạc để giải quyết và phải có cơ chế giải quyết như thế nào nhanh nhất, có sự giám sát của nhân dân, của hệ thống chính trị. Những khó khăn vướng mắc, tồn tại, tồn đọng trong đội ngũ DN, từng cán bộ công chức các cấp, Thành phố đã và đang cố gắng tháo gỡ, theo hướng việc gì thuộc thẩm quyền của Thành phố thì giải quyết sớm, việc thuộc thẩm quyền của cấp trên thì đã và đang tập hợp để báo cáo.

Với chủ trương như vậy, hiện nay, bộ phận chuyên trách, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu của Thành phố tập hợp tất cả những ý kiến, đề xuất để hình thành khung mang tính pháp lý, đề xuất kiến nghị xin ý kiến cấp trên.

 Phạm Quý Trọng

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất