Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Ba, 12/2/2013 10:20'(GMT+7)

Lắng nghe để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp

Việc ngân hàng hạ lãi suất sẽ giúp người nuôi cá tra giảm áp lực về lãi vay hàng tháng

Việc ngân hàng hạ lãi suất sẽ giúp người nuôi cá tra giảm áp lực về lãi vay hàng tháng

Giảm áp lực về lãi vay cho người dân

Việc ngân hàng hạ lãi suất sẽ giúp người nuôi cá tra giảm áp lực về lãi vay hàng tháng

Năm 2012 là một năm khó khăn đối với người nuôi cá tra, giá cá sụt giảm nghiêm trọng, nhưng chi phí cho thức ăn, con giống… thì đều tăng, cùng với đó các khoản vay ngân hàng ở mức lãi suất cao đã khiến nhiều nông dân gặp không ít khó khăn.

Bản thân gia đình anh nông dân Nguyễn Đại Lợi (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng để nuôi cá tra và một nửa số tiền đầu tư phải đi vay.

Anh Lợi chia sẻ “năm vừa rồi tôi vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) – chi nhánh An Giang 550 triệu đồng với lãi suất 20,5%/năm, đồng nghĩa hàng tháng, cùng với các chi phí phải bỏ ra để nuôi cá thì gia đình phải trả hàng chục triệu đồng tiền lãi”.

Khi được biết có chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất đối với các hợp đồng tín dụng cũ xuống dưới 15% kể từ ngày 15/7/2012, anh Lợi thấy vui và bớt phần nào nỗi lo. Tuy nhiên, mãi đến tháng 9/2012 hợp đồng tín dụng của anh tại PG Bank chi nhánh An Giang vẫn chưa được giảm lãi suất vay.

Gửi thư đến Cổng TTĐT Chính phủ, anh Lợi bày tỏ nguyện vọng được xem xét giảm lãi suất khoản vay theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm bớt khó khăn cho gia đình.

Ngay khi tiếp nhận nguyện vọng của anh Lợi, PG Bank An Giang đã xem xét và quyết định giảm lãi suất vay cho anh. “Mức lãi suất mới áp dụng cho khoản vay của ông Lợi là 16%/năm và được áp dụng từ ngày 14/9/2012”, ông Liêu Tuấn Đức, Giám đốc PG Bank chi nhánh An Giang cho biết.

Chia sẻ niềm vui này, anh Lợi bày tỏ: “Được giảm lãi suất, gia đình tôi đã bớt một phần chi phí hàng tháng, việc nuôi cá cũng bớt áp lực. Với tôi, Cổng TTĐT Chính phủ là một kênh thông tin có ích cho người dân, nhất là những người nông dân chúng tôi. Một sự việc tuy không lớn nhưng từ đây chúng tôi đã có lòng tin hơn với việc đưa chính sách đến người dân”.

Đưa chính sách đến nhanh với doanh nghiệp

Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Cửu Long (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) của Giám đốc Nguyễn Giang Long vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) 300 triệu đồng để mua xe ô tô với mức lãi suất 20,3%/năm. Ông Long cho rằng mức lãi suất trên là khá cao nên đã gửi đơn đến Cổng TTĐT Chính phủ đề nghị được giải đáp về mức lãi suất cho vay của ngân hàng theo quy định hiện hành.

Theo thông tin từ ông Trần Văn Hiển, Giám đốc Phòng Giao dịch Cộng Hòa, Ngân hàng VIB chi nhánh Tân Bình, đây là khoản vay tiêu dùng và ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất theo đúng quy định tại thời điểm cho vay. “Sau khi làm việc với doanh nghiệp, căn cứ tình hình thực tế và mục đích vay của doanh nghiệp, lãi suất cho vay đã giảm xuống còn 14%/năm”, ông Hiển nói.

Chính sách tốt đến đúng địa chỉ chính là liều thuốc tiếp sức cho doanh nghiệp đứng vững và vượt khó

Theo ông Long, khoản vay của doanh nghiệp tuy không lớn, nhưng việc làm này đã chứng tỏ, việc đưa chính sách đến doanh nghiệp có tác động lớn về mặt tinh thần, giúp các doanh nghiệp có thêm niềm tin vào chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Công ty TNHH một thành viên Thương mại – Dịch vụ Đồng Dao (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) là một doanh nghiệp nhỏ kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống. Trong năm vừa qua, lượng khách hàng sụt giảm mạnh nhưng các khoản trả lương cho nhân viên, mua nguyên liệu, thực phẩm thì lại tăng. Cùng với đó, khoản vay hơn 1 tỷ đồng chịu lãi suất lên đến 22,5%/năm đã tạo gánh nặng lớn đối với Giám đốc Lương Trọng Cấm.

Với hy vọng, tiếng nói của một doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn sẽ được lắng nghe, bà Cấm đã viết thư gửi Ngân hàng Nhà nước thông qua Cổng TTĐT Chính phủ. Và bà Cấm đã nhận được thư mời làm việc để thỏa thuận lãi suất của Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) chi nhánh tỉnh Đồng Nai và lãi suất được thỏa thuận hạ xuống mức 15%/năm.

Không giấu nổi niềm vui, bà Cấm chia sẻ: “Việc giảm lãi suất đặc biệt có ý nghĩa đối với doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Chính sách tốt đến đúng địa chỉ chính là liều thuốc tiếp sức cho những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi đứng vững và vượt khó”.

Hành động chia sẻ khó khăn

Trao đổi với ông Đỗ Cao Cường, Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh Đồng Nai về những vướng mắc, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp khi khó tiếp cận với mức lãi suất ưu đãi, ông Cường cho hay, ngay khi Hội sở thông báo về việc điều chỉnh lãi suất, Eximbank Đồng Nai đều thông báo đến từng khách hàng, đôi khi có những trường hợp chưa nhận được thông báo nên không nắm được thông tin.

Đối với các trường hợp có thắc mắc về mức lãi suất, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với chi nhánh thực hiện thủ tục cho vay, nhân viên ngân hàng sẽ nhanh chóng có biện pháp giải quyết, giải đáp những vướng mắc của khách hàng với tinh thần chung là hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng.

Theo ông Cường “tạo điều kiện để khách hàng có thể trả nợ khoản vay vừa giúp khách hàng cũng là giúp cho công việc kinh doanh của Ngân hàng”.

Về vấn đề này, ông Liêu Tuấn Đức, Giám đốc PG Bank chi nhánh An Giang nói, khi doanh nghiệp và người dân thắc mắc về mức lãi suất, Ngân hàng đều có thông báo đến từng trường hợp. Những khoản vay của doanh nghiệp sẽ được giảm đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, còn với cá nhân kinh doanh, Ngân hàng vẫn xem xét để giảm theo lộ trình.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Hiển, Giám đốc Phòng Giao dịch Cộng Hòa, Ngân hàng VIB chi nhánh Tân Bình cũng cho rằng, ngân hàng luôn sẵn sàng lắng nghe, giải đáp và tạo thuận lợi cho khách hàng một cách tối ưu nhất.

Liên quan đến các chính sách điều hành lãi suất nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong năm vừa qua, bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông tin: “Ngay sau khi ban hành chỉ đạo về việc hạ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng trực tiếp tổ chức các hội nghị kết nối doanh nghiệp ngay tại các địa phương. Việc làm này, theo bà Nhung vừa đưa thông tin chính sách đến người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, vừa để hỗ trợ, trả lời trực tiếp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và các ngân hàng trong quá trình triển khai chính sách.

“Trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước dự kiến mỗi quý sẽ giảm lãi suất 1%/năm. Tuy nhiên, sau khi căn cứ tình hình thực tế, Ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh việc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân một cách kịp thời hơn.

Đa số các ngân hàng đều đã hưởng ứng, triển khai nghiêm túc các quy định và lộ trình giảm lãi suất nhằm kích cầu, giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế”, bà Nhung chia sẻ.

Đóng góp một phần nhỏ trong việc kịp thời đưa tiếng nói của người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn đến ngân hàng, chúng tôi hy vọng rằng, với niềm tin đã được xây dựng, với những áp lực trước mắt về lãi suất đã được giảm bớt, đồng thời với sự hỗ trợ từ phía ngân hàng, người dân và doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để tiếp tục vươn lên, tìm hướng đi mới thoát nghèo, vượt khó.

Thúy An - Chinhphu.vn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất