Bốn giờ sáng Chủ Nhật đầu đông, trời mưa lất phất, Diệu Phương đã có mặt cùng các ni đọc kinh sáng. Cô đang ở tịnh thất Tây Thiên lưng chừng núi Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Cô cùng nhóm Phật tử Hà Nội rời nhà từ tối hôm trước để kịp dự buổi học pháp vào hôm sau.
Trước khi đi, Phương cẩn thận lấy giấy báo che gương trong phòng lại. Vì mỗi dịp lên tịnh thất, cô lại thỉnh các ni cho thụ Bát quan trai giới trong một ngày. Bát quan trai giới gồm tám điều Phật tử tự nguyện không thực hiện để tập sống như Phật. Trong đó có: Không trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và xem nghe múa hát, soi gương; Không ăn quá giờ Ngọ; Không nằm hoặc ngồi trên giường cao... Tối đó về nhà Phương sẽ trải đệm xuống sàn ngủ cho đủ 24h thụ giới.
Diệu Phương- sinh năm 1981, làm công ty Nhà nước- giải thích động cơ thụ Bát quan trai giới: “Mình chưa đủ nhân duyên xuất gia nên thụ Bát quan trai giới để gieo nhân giải thoát. Biết đâu, đời trước từng thụ rồi cộng thêm đời này, mình sẽ được giải thoát luôn! (cười). Khi đã hiểu hơn thì mình mong nguyện với công đức nhỏ bé do việc thụ Bát quan trai giới này, hết thảy chúng sinh cũng sẽ được sớm giải thoát!”
Giải thoát, được hiểu là ra khỏi vòng luân hồi- tức sáu cõi bao gồm cõi người mà Phật chỉ ra. Việc giải thoát có thể là không tưởng với những ai chưa tin đạo Phật, nhưng tác dụng của Bát quan trai giới có thể thấy ngay. “Mỗi khi định nói hay làm điều gì đó, mình sẽ phải nghĩ nhiều hơn bình thường để xem có bị phạm giới không,” Phương nói.
“Nhờ vậy lời nói và hành động sẽ được kiểm soát tốt hơn.” Đó là một trong nhiều cách đạo Phật có thể giúp trong cuộc sống. Bạn bè nhận thấy Phương thay đổi khá nhiều sau nửa năm tu tập. Trước mình rất hay tụ tập bạn bè, gần như ngày nào cũng đi, ai rủ cũng đi. Nhưng giờ mình sẽ suy nghĩ xem có phù hợp hay cần thiết thì mới tham gia.”
Vậy là với Phương, niềm ham mê đi phượt trước kia dần được thay thế bằng các hoạt động từ thiện.
Không phải ai cũng tự nhiên nảy sinh mong muốn giải thoát. Nhiều người đến với đạo Phật do hoàn cảnh.
Viên Giác là pháp danh của một luật sư trong lĩnh vực tài chính, 36 tuổi, từng tu nghiệp ở Pháp. Mọi điều với anh thật đáng hài lòng cho đến khi đứa con đầu lòng gặp tai nạn để lại di chứng không thể khắc phục. Thoạt tiên phải nói đạo Phật là một trong nhiều “địa chỉ” anh tìm đến, miễn sao có thể phục hồi sức khỏe cho con.
“Mọi nỗ lực đều có ý nghĩa nhất định, song chúng tôi vẫn thấy hoàn cảnh gia đình mình lúc đó thật mong manh. Có điều gì đó thôi thúc mình tìm sự lý giải sâu xa hơn,” anh nói.
“Từ hành trình tìm điều diệu kỳ bên ngoài, vợ chồng tôi tìm được điều diệu kỳ bên trong.”- Viên Giác kể từng sang tận Nepal thỉnh giáo Pháp Vương Gyalwang Drukpa, bậc được kính ngưỡng là Phật sống trong truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa. Truyền thống này cho phép Phật tử tại gia lập thành Tăng đoàn như tăng ni ở chùa.
Dường như vẫn có một lo ngại khá phổ biến rằng theo Phật nghĩa là rời xa hôn nhân. Vấn đề này, có lẽ các nữ Phật tử chưa kết hôn tìm hiểu kỹ hơn cả.
Lê Nhung, 33 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội: “Đạo Phật không hạn chế hôn nhân mà ngược lại, dạy hiểu và thương có trí tuệ chính là nền tảng của đời sống hôn nhân bền vững.” Tuệ An, nhà văn trẻ vừa tốt nghiệp ĐH ở TP.HCM cùng quan điểm: “Với cách nhìn từ bi hỉ xả và đầy trí huệ, đạo Phật hướng con người đến tình yêu và hôn nhân bền vững ngay từ bước đầu tìm hiểu.” Tất nhiên gặp được người bạn đời cũng là bạn đạo như Viên Giác vẫn là lý tưởng nhất.
Vợ chồng Viên Giác thường xuyên bớt giờ ngủ để dịch sách của các bậc thầy dòng Drukpa. Nhưng hình như càng cống hiến cho Phật pháp, Viên Giác càng… sung sức. Các Phật tử tin rằng họ luôn nhận được sự gia trì của Phật khi làm việc vì chúng sinh. “Thường thì chúng ta muốn nhận được lợi ích vật chất hay danh tiếng từ công việc,” Viên Giác chia sẻ. “Các Phật sự lại có mục đích ngược lại là giúp giảm thiểu bản ngã và phát triển Bồ đề tâm hướng về người khác.”
Người theo đạo Phật thường được hình dung trong vẻ nhàn tản, tĩnh tại cùng câu kinh, tiếng mõ. Đó là sự tĩnh ở vẻ ngoài. Để có thể đảm đương tốt nhiều công việc, những Phật tử như Viên Giác cần tĩnh từ bên trong.
Viên Giác nói: “Tuy bận rộn nhưng tôi không làm tâm mình bận thêm lên vì những suy nghĩ lo lắng không cần thiết. Điều này có thể thực hiện qua việc ngồi thiền hàng ngày. Mươi phút thôi, bạn sẽ thấy chất lượng sống thay đổi.”
Từ khi trở thành Phật tử đầu năm 2011, Tuệ An ăn chay và đọc kinh sách nhiều hơn. Cô nhận thấy: “Mình biết cách buông xả hơn, điều đó làm cho cuộc sống trở nên dễ chịu và nhẹ nhõm.” Người ngoài nhìn vào có thể tưởng An sống chậm hơn, nhưng thực ra cô đang “cố gắng sống sâu hơn”- tức là làm như Phật dạy: sống trong chính niệm, cảm nhận sự an lạc trong từng phút sống. Có vẻ như sau một thời gian ngấm đạo Phật, người trẻ biến đổi về chất lượng hơn là tốc độ sống. Viên Giác: “Đạo Phật dạy trong cái động có cái tĩnh. Có nghĩa không nhất thiết phải sống chậm hơn mà là sống tỉnh giác hơn.”
Gia đình Nhung quy y ở chùa gần nhà năm cô 18 tuổi. Lúc đó, cô quy y chỉ vì “tin tưởng cha mẹ luôn hướng những điều tốt đẹp cho con cái”, chứ vẫn cho rằng đạo Phật chỉ hợp với người già và trung niên nhàn rỗi. Năm 2010, cô được quy y một lần nữa bởi chính Pháp Vương Gyalwang Drukpa tại tịnh thất Tây Thiên. “Lần này do tôi tự nguyện và ý thức nghiêm túc với đời sống tâm linh của mình”, Nhung nói. “Đạo Phật không những chỉ cho chúng ta, đặc biệt là người trẻ, cách cân bằng và nâng cao chất lượng sống mà còn giúp chúng ta tìm thấy vị Phật đang ẩn náu trong mình.”
Cuộc sống Phật tử của Viên Giác không khác trước nhiều. “Chúng tôi tiếp tục phấn đấu để có cuộc sống tốt hơn, mở rộng các mối quan hệ, thư giãn qua những chuyến du lịch,” anh kể. “Thời gian tiếp tục trôi mang đến cả niềm vui và nỗi buồn. Nhưng có lẽ điều thay đổi lớn nhất là cái nhìn về cuộc sống. Có thể không thay đổi được hoàn cảnh, nhưng ta lại có thể làm chủ cách nghĩ và nhận thức của mình.”
Sinh trưởng trong môi trường đậm chất Phật, nhỡ mà sau này con anh phát tâm vào chùa hẳn, tôi hỏi.
“Xuất gia là sự xả ly, trước tiên là xả ly mẹ cha, gia đình và sâu xa hơn là những bám chấp của con người,”- ông bố trẻ ba con phân tích- “Nhưng dưới góc độ nhân duyên, các mối quan hệ của chúng ta đều vô thường, đến rồi đi, y như cách chúng ta hiện diện trên cõi đời này. Nếu một ngày con tôi phát nguyện xuất gia thì trước hết tôi hy vọng con mình đã suy nghĩ chín chắn. Khi đã lựa chọn đúng đắn rồi thì đây là cơ hội lớn để bước đi trên hành trình giác ngộ của chính mình, cũng chính là hành trình phụng sự nhân loại và vũ trụ của Đức Phật!”
Nhân nói về vũ trụ, trong cuốn Tâm linh thời hiện đại (NXB Tôn Giáo, 2011) tác giả Gyalwang Drukpa kể: “Gần đây có người bạn đặt cho tôi một câu hỏi rất thú vị: ‘Nếu như có những hữu tình tồn tại dưới hình sắc khác ở những hành tinh khác, thì họ có Phật tính và khả năng giác ngộ không?’ Như tôi vẫn thường nói, Phật tính là trạng thái giác ngộ tuyệt đối. Mọi chúng sinh đều có tiềm năng giác ngộ, cho dù họ sinh sống ở Trái Đất hay hành tinh nào khác…” Vì sự đồng điệu ở tầm mức vũ trụ, cho nên nếu bạn tập sống tỉnh thức, thì vũ trụ cũng có cơ tiến hóa thêm một phần vậy!
Nguyễn Mạnh Hà/ Nhân Dân