Phong tục ở các nước châu Á
Ở Lào Tết gọi là “Bunpimay,” có nghĩa là đón mừng năm mới, hay” Bunhot nam” là ngày té nước, được tổ chức ngày 14/4 Dương lịch hàng năm.
Buổi sáng ngày đầu tiên của năm mới, mọi người dân trên khắp đất nước Lào tổ chức đi chùa, tắm Phật. Sau đó, họ đi chúc Tết lẫn nhau và mang theo một chiếc bình đựng đầy nước.
Theo tục lệ, người được chúc phải đứng để người đến chúc té nước vào người. Ai bị ướt nhiều thì nhiều may mắn hạnh phúc sẽ đến với họ trong năm mới.
Cũng trong dịp này, khách đến chúc Tết được gia chủ mời vào nhà và được buộc một vòng chỉ đỏ nơi cổ tay, biểu lộ lòng hiếu khách và lời cầu chúc một năm mới tốt lành.
Tết cổ truyền của người Campuchia, còn gọi là tết Chol Chnam Thmay diễn ra trong ba ngày từ 13 đến 15/4 Dương lịch hàng năm.
Trong những ngày này, người dân Campuchia thực hiện những lễ nghi tín ngưỡng cầu may như làm mâm cơm dâng cúng phật, sư sãi và tổ chức lễ tắm tượng Phật; đắp những núi cát nhỏ trên sân chùa.
Sau những lễ nghi trên họ mới đến chúc Tết cha mẹ, người thân, bạn bè. Thay cho lời chúc mừng đầu năm, người dân chào đón năm mới với nghi thức dội nước lên người nhau, với quan niệm: Người nào được té nhiều nước thì càng thêm nhiều niềm vui, may mắn trong năm.
Tết tại Campuchia còn diễn ra nhiều hoạt động vui chơi sôi nổi như đua ghe ngo, ca hát và múa “lâm thôn”…
Tại Indonesia, Năm mới là Tahun Baru Masehi, thường được tổ chức vào ngày 1/1 hàng năm. Đây được xem là một ngày lễ quan trọng của quốc gia, vì vậy tất cả mọi người đều được nghỉ vào những ngày này.
Trong những ngày này, người dân Indonesia chia nhau dựng những ngôi đền thờ bằng gạo nhuộm đủ màu sắc, bằng những trái dừa, lá dừa và cây mía để làm nơi tế thần linh.
Ngoài ra còn nhiều hoạt động nghệ thuật như hát, nhảy, múa; đặc biệt là những đám rước kiệu quanh thị trấn, để rồi cuối Tết, họ kéo ra sông và dìm kiệu xuống nước, xem đó là điều cầu xin thần Nước phù hộ cho mưa thuận gió hòa.
Ở Malaysia: Cũng như ở Indonesia, đất nước Malaysia lấy ngày đầu năm của lịch Hồi giáo làm ngày lễ Tết. Trong dịp năm mới, khi gặp gỡ nhau, người Malaysia có tục lệ chạm nhẹ bàn tay mình vào lòng bàn tay người đối diện, sau đó nắm tay lại rồi áp sát vào tim trong khoảng thời gian ngắn. Người nào lớn tuổi hơn thì chào hỏi trước.
Tuy nhiên, việc chủ động chạm tay vào tay người phụ nữ là điều hết sức cấm kỵ tại quốc gia này. Trong dịp này, Malaysia tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, điển hình là cuộc thi “đấu lông công”, thu hút nhiều người tham dự và cổ vũ.
Ngày Tết của Myanmar được bắt đầu theo Phật lịch (khoảng từ ngày 13 đến 17/4 Dương lịch hàng năm).
Lời chúc mừng năm mới của người Myanmar là "hắt nước vào người nhau." Ở các thành phố lớn như Yangun, Mandalay người ta để các thùng nước dọc các con phố lớn. Rất nhiều người đứng bên những thùng nước, "rình" người đi đường rồi hắt nước vào họ thay cho lời mừng tuổi.
Theo họ, nước là biểu hiện của sự sung túc, trong sạch và hồi sinh. Ai được tạt nước nhiều, người đó sẽ gặp nhiều may mắn, thịnh vượng. Dịp này, người dân Myanmar còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi như thi nhảy ếch, bưng nước chạy.
Do chịu ảnh hưởng nhiều bởi các phong tục phương Tây nên người Philippines ăn Tết từ lễ Giáng sinh. Ngày Tết cũng là dịp để những người trong gia đình suy ngẫm về những chuyện đã diễn ra trong một năm qua và cùng hướng về những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Trước đêm giao thừa, các gia đình bắt tay vào chuẩn bị bàn tiệc "Media Noche" để thưởng thức vào đúng nửa đêm. Trước khi ăn, mọi người trong gia đình đọc lời cầu nguyện cảm ơn một năm đã qua và đón mừng năm mới. Trong bữa tiệc, các bà nội trợ thường mặc váy có chấm tròn, cũng là biểu hiện của đồng tiền xu. Người lớn sẽ chất đầy tiền xu vào túi trẻ nhỏ. Làm như vậy, họ mong muốn cả năm sẽ không phải lo lắng về chuyện tiền bạc.
Đặc biệt ở đảo Pahcuve có tục gặp nhau mừng năm mới bằng cách ghé vào tai nhau mà cắn, càng quý nhau càng cắn mạnh.
Tết cổ truyền ở Thái Lan còn gọi là lễ hội Song kran diễn ra từ ngày 13/4 Dương lịch hàng năm và kéo dài trong ba ngày.
Cũng giống như Lào, Campuchia, Tết ở Thái Lan cũng có nghi thức lên chùa thực hiện lễ tắm Phật. Sau đó, mọi người chào mừng năm mới bằng hội té nước vào người nhau để cầu chúc những điều may mắn trong năm mới. Trong gia đình, mọi thành viên sum họp, bày tỏ lòng kính trọng đối với người lớn tuổi bằng cách chấm vài giọt nước vào lòng bàn tay của ông bà, cha mẹ...
Trong dịp Tết, nhiều hoạt động vui chơi được tổ chức như thi sắc đẹp, nấu các món ăn truyền thống, thời trang nhiều màu sắc... Đặc biệt, có tục chơi đánh cờ người. Đây là một trò chơi đậm đà bản sắc truyền thống.
Tết ở Singapore nhộn nhịp với hàng loạt lễ hội mang đậm phong cách phương Tây xen lẫn nét văn hoá truyền thống của người Trung Quốc. Trong những ngày này diễn ra các cuộc thăm viếng, chúc Tết và đi chùa cầu may.
Tết cũng là dịp để khắp nơi trên đảo Sư tử tổ chức các hoạt động vui chơi như múa lân, múa rồng. Mỗi năm ứng vào từng con giáp, những gia đình tiểu thương sẽ làm nhiều vật phẩm kỷ niệm liên quan đến con vật để bày bán cho mọi nhà về trưng bày dịp Tết truyền thống dân tộc.
Tại Trung Quốc: Tương truyền, trong ngày Tết, than được coi là bùa hộ mệnh. Một viên than được gói vào giấy đỏ và giấu ở ngưỡng cửa được coi là niềm may mắn mang lại hạnh phúc cho cả năm.
Riêng ở vùng núi Tây Tạng lại có tục lệ xông nhà vào lúc giao thừa. Người Tây Tạng có lệ kiêng không dùng người trong nhà mà phải là người không thân thích với gia chủ và cũng giống như người Anh, người xông nhà phải là thanh niên trai tráng chưa vợ, nhanh nhẹn, hoạt bát và không được xông quá năm nhà vì như vậy, theo người Tây Tạng, sẽ san sẻ lộc.
Tuy nhiên, nếu người xông nhà mà có năm sinh giống như gia chủ là tốt nhất. Khi đến xông nhà, người đi xông nhà phải mang theo ba thứ: một bó hoa tươi, một cành lộc và một loại quả. Khi ra về được gia chủ tiễn và phải đi giật lùi. Riêng những người trong nhà không được đi đâu trước 8 giờ sáng hôm sau.
Tết ở Nhật Bản vào mồng 1/1 Âm lịch và được chuẩn bị khá sớm. Khắp nơi vang lên tiếng chày giã gạo gói bánh. Trước cửa nhà treo những cành thông buộc lẫn với lá tre - tượng trưng cho lòng chung thuỷ và ước vọng sống lâu, đồng thời căng thêm sợi dây rơm để xua đuổi những điều rủi ro.
Đêm giao thừa, các ngân hàng đều làm việc tới khuya vì mọi người tin muốn may mắn, phải trả hết nợ năm cũ. Lúc giao thừa, chuông chùa gióng giả 108 tiếng. Mồng 1 Tết, mọi người đi lễ chùa và thăm hỏi nhau, các cô gái ra đồng hái lộc... Mồng 2, mọi công việc đầu tiên trong năm mới được tiến hành (học trò khai bút, cửa hàng mở cửa, dân miền núi làm lễ “vào rừng”...).
Tết ở Ấn Độ (lễ hội Holi) vào ngày 15/2 Âm lịch. Nhà nào, làng nào cũng dự trữ củi, rơm rạ... để đốt những đống lửa từ đêm giao thừa 14/2. Người ta cắt cụt móng tay, móng chân quẳng vào lửa cùng với những vật bẩn thỉu khác của năm cũ.
Các thùng nước bột pha đủ màu được đặt ở nhiều nơi để mọi người vẩy, té, đổ... nước màu lên người nhau khi gặp mặt - ai càng nhem nhuốc thì càng may mắn! Những cuộc vui và tiệc Tết rất linh đình trong tiếng reo hò: "Holi hai!" và men rượu "khang" (rượu ép từ lá cây).
Phong tục ở các nước châu Âu
Theo truyền thống ở Anh, mọi người đều ăn một bữa rất thịch soạn vào giao thừa. Người Anh cho rằng nếu như bữa ăn cuối năm không thừa rượu, thịt thì năm sau sẽ nghèo túng. Trong đêm giao thừa, mọi người đánh bài đến tận 12 giờ rồi mỗi người viết ba điều ước tốt lành trên một mảnh giấy lụa, đốt mảnh giấy ấy lấy tro hoà tan vào cốc sâm banh mới và uống cạn. Người ta tin rằng làm như thế thì ít nhất sẽ có một điều ước trở thành hiện thực.
Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và Năm Mới cũng là lúc mọi người bắt đầu nghi lễ chúc mừng Năm Mới như mở toang các cửa nhà và chuẩn bị những chiếc bánh mỳ đen cho khách đến xông nhà.
Người đến xông đất không cần gõ cửa mà cứ thế đi thẳng vào trong nhà. Người Anh quan niệm rằng để mang lại sự may mắn và an lành cho gia chủ thì người đầu tiên bước vào nhà khi Năm Mới đến phải là người đàn ông trẻ trung, khỏe mạnh và ưa nhìn. Người đàn ông đó phải có mái tóc đen và khi đến nhà phải mang theo một viên than đá nhỏ, tiền, bánh mỳ và muối. Những thứ đó đều tượng trưng cho sự giàu có và sung túc.
Ngược lại, người Anh kỵ người đến xông nhà là cô gái có mái tóc vàng nhạt, hoặc là người nghèo túng, vì họ cho rằng những người đó sẽ mang lại vận xui, khó khăn và vận hạn cho gia chủ trong cả năm đó.
Ở các vùng nông thôn miền trung nước Anh, người dân còn có phong tục tranh nhau ra giếng gánh nước lúc giao thừa. Họ tin rằng, người nào gánh được gánh nước đầu tiên sẽ là người hạnh phúc nhất; gánh nước đó sẽ mang lại may mắn và sung túc suốt cả năm.
Ngoài ra, trong ngày đầu tiên của Năm Mới, người Anh khi ra khỏi nhà đều mang theo một túi tiền, gặp ai bất kể người quen hay người lạ đều tặng tiền. Họ cho rằng làm như vậy không chỉ khiến cho người được tặng tiền có một Năm Mới nhiều tiền tài mà cũng mang lại may mắn cho chính bản thân mình.
Người Armenia xưa đã từng tổ chức đón Năm Mới vào ngày 21/3. Ngày này không chỉ là ngày đầu tiên của mùa Xuân mà còn là ngày sinh của thần Vahangu. Nhưng đến thế kỷ 18, người Armenia đã coi ngày 1/1 là ngày đầu tiên của Năm Mới.
Khi Năm Mới đến, người Armenia có phong tục cho trẻ em tập trung thành nhiều nhóm đi vòng quanh làng và hát vang những bài hát chúc mừng Năm Mới tới những người hàng xóm. Thường thì trẻ nhỏ nhận được rất nhiều hoa quả như là những món quà mừng tuổi.
Trong dịp Năm Mới, người Armenia còn có phong tục các thành viên trong gia đình tặng quà cho nhau, song điều đặc biệt là người vợ không bao giờ được nhận quà từ chồng, bởi họ quan niệm rằng nhận quà từ chồng có nghĩa là người vợ bị ghét bỏ. Đối với con cái, người con út sẽ đi theo người anh hay chị cả để đến chỗ người cha đang giấu những món quà bên trong chiếc áo choàng. Chúng hôn lên bàn tay của cha và nhận được những món quà từ cha mình.
Bữa ăn dịp Năm Mới của người Armenia rất phong phú về màu sắc của các món thịt. Món chính trên bàn tiệc là dăm bông thịt lợn ướp với nhiều loại gia vị đặc trưng như tỏi, lá vang, ớt tiêu cay và ớt đỏ, gà tây nướng với táo đỏ trong lò. Người Armenia thường chuẩn bị nhiều hoa quả khô, nho khô và nhiều loại hạt khác nhau, đặc biệt là hạt Gahin, thứ hạt không thể thiếu trong những ngày Tết.
Dịp Tết, thanh niên Ba Lan thường tụ tập kéo đến từng nhà hát vang bài Kolota. Đi đầu đoàn thanh niên vui vẻ ấy bao giờ cũng là một chàng trai mặt bôi đen, tay cầm đàn; những người theo sau, hóa trang thành động vật, thánh thần và ma quỷ. Nhiều nơi còn giữ tục lệ: các cô gái cầm gậy gõ vào những ngôi nhà mình gặp để xua đuổi mọi điều xấu xa, rủi ro.
Ở Đan Mạch, mọi nhà đều gom giữ các mảnh vỡ đồ vật. Đêm giao thừa, người ta lặng lẽ đem những mảnh vỡ đó đặt trước cửa nhà bạn mình như một lời chúc may mắn. Sáng ra, cửa nhà ai nhiều mảnh vỡ chứng tỏ người ấy nhiều bạn bè và rất được bạn bè quý mến.
Người Đức rất coi trọng việc đón Năm Mới, họ cho rằng đón Năm Mới như thế nào có liên quan đến vận mệnh của cả năm. Trong đêm giao thừa, mọi người đều thắp đèn, đốt đuốc để “xua đuổi tà ma.”
Người Đức có câu tục ngữ: “Bữa cơm thịnh soạn đêm giao thừa, cả năm sẽ tràn đầy cá thịt”, do vậy bữa cơm cuối năm của họ vô cùng thịnh soạn.
Lễ đón Năm Mới ở Đức kéo dài trong một tuần. 15 phút trước giao thừa, mọi người đều ngồi yên trên ghế, khi chuông đồng hồ điểm, họ nhảy từ ghế xuống và ném một vật nặng ra phía sau coi như vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn để bước vào Năm Mới. Trẻ em tập hợp thành những nhóm nhạc với những chiếc kèn ácmônica và phong cầm đem đến một bầu không khí náo nhiệt trên khắp các đường phố. Người lớn thì cầm trong tay những lá cờ rực rỡ màu sắc, theo sau các em nhỏ cùng ca hát đón chào Năm Mới.
Người Đức nổi tiếng là tiết kiệm, nhưng họ cũng để lại một phần các món trong bữa ăn đầu tiên của Năm Mới cho đến sau nửa đêm để đảm bảo rằng năm tới, đồ ăn của mình không bao giờ hết. Ngoài ra, người ta còn cho vào tủ đựng thức ăn một con cá chép vì tin rằng nó mang lại sự thịnh vượng.
Ở các vùng nông thôn của Đức còn lưu truyền phong tục “thi leo cây.” Người nào leo càng cao sẽ gặp càng nhiều may mắn trong Năm Mới. Người leo cao nhất sẽ được tôn vinh “anh hùng của năm” và được mọi người ngưỡng mộ.
Trong dịp Năm Mới người Đức cũng có tập tục mặc quần áo mới. Họ cho rằng mặc quần áo mới sẽ khiến mọi việc được như ý. Ngoài ra, người Đức còn có phong tục kẹp vảy cá vào trong các tập tiền, vì họ quan niệm rằng vảy cá và cá là những thứ mang lại may mắn trong Năm Mới.
Trong các ngày Tết, người Đức sẽ làm bánh mỳ, bánh bao thành hình tròn, hình bát giác, hình trái tim hoặc hình chóp, vì theo họ những hình này có thể loại bỏ những điều không tốt trong Năm Mới.
Trước kia, Pháp lấy ngày 1/4 làm ngày đầu tiên của Năm Mới. Đến năm 1564, Vua Charles IX đã đổi thành ngày 1/1. Trong đêm giao thừa, mọi người trong gia đình quây quần và uống tất cả rượu có trong nhà.
Người Pháp quan niệm làm như vậy thì trong Năm Mới sẽ được vạn sự như ý, nếu như uống rượu không hết thì trong Năm Mới sẽ gặp nhiều xui xẻo. Cũng vì thế có câu nói “người Pháp dùng rượu để chào đón Năm Mới.”
Trong sáng mồng 1 Tết, các bậc phụ huynh thường tặng con cái tiền mừng tuổi để thể hiện sự quan tâm, yêu thương.
Một điều đặc biệt nữa là vào sáng sớm ngày mồng 1 Tết, người Pháp có thói quen nhìn hướng gió để xem thời tiết trong năm mới. Nếu là gió nam thì năm ấy mưa thuận gió hòa, Năm Mới sẽ bình an; nếu là gió tây sẽ là năm nghề cá và nghề vắt sữa bò phát đạt; nếu là gió Đông thì năm đó hoa quả được mùa, còn nếu là gió Bắc thì đó là năm mất mùa.
Đối với người Tây Ban Nha, trong đêm giao thừa, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau, thông qua tiếng đàn hát và những trò chơi để chúc mừng nhau. Khi tiếng chuông đầu tiên báo hiệu thời khắc chuyển qua Năm Mới, mọi người liền tranh nhau ăn nho.
Người nào có thể ăn được 12 quả nho trùng với thời điểm 12 tiếng chuông đổ, người đó sẽ gặp may mắn cả năm, làm tất cả mọi việc đều đạt như ý muốn. Ví dụ, quả nho thứ nhất là “cầu bình an,” quả thứ năm “hòa thuận,” quả thứ sáu “loại bỏ khó khăn,” quả thứ bảy “loại bỏ bệnh tật”…
Một số nơi ở Tây Ban Nha còn có tục lệ trước Năm Mới không được cười trong năm ngày. Qua năm ngày đó phải luôn cười to đón Năm Mới để cầu mong sự an khang thịnh vượng.
Dịp Năm Mới, những người lớn trong gia đình rất “hiền từ,” sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ nhỏ. Bởi theo phong tục của người Tây Ban Nha, việc trẻ con hỗn hào, đánh nhau và khóc lóc trong dịp này đều báo hiệu điềm không lành.
Ngoài ra, trong dịp Năm Mới, người Tây Ban Nha cũng có phong tục đeo một đồng tiền bằng vàng hoặc bằng đồng trên người để cầu may mắn.
Trong đêm giao thừa đón Năm Mới, điều mà những người Bulgaria mong muốn nhất khi ngồi xung quanh bàn ăn là có thể... hắt hơi. Theo quan niệm của người Bulgaria, chỉ người nào hắt hơi mới có thể mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người trong gia đình. Người chủ nhà sẽ tặng một con cừu, bò hay ngựa cho người đó để mang lại hạnh phúc cho mọi người trong gia đình mình.
Dịp Năm Mới, người Bulgaria thường chặt các cành tùng, rồi dùng các tấm vải đủ màu sắc cuốn lên đó. Họ đưa những cành tùng được trang trí này cho trẻ con để đến nhà người thân chúc Tết.
Người Bulgaria cho rằng nếu dùng các cành tùng này đánh nhẹ vào người khác tức là mang đến cho người đó một Năm Mới tràn đầy hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, mọi sự như ý.
Ở một số vùng phía nam của Bulgaria còn có một tập tục để trẻ con cầm đá đi chúc Tết. Người dân ở đây tin rằng các viên đá này tượng trưng cho sự giàu có. Khi trẻ con mang theo những viên đá đến chúc Tết sẽ được chủ nhà tặng nhiều bánh kẹo và hoa quả.
Phong tục ở các nước châu Phi
Tết đến, người Ghana dựng trên đường phố cũ những căn nhà nhỏ bằng lá cọ có trang trí đèn sáng để thanh niên tự do đến đây vui chơi, múa hát. Lúc giao thừa, những ai năm cũ có chuyện xích mích đều phải tìm đến nhau làm lành và tha lỗi.
Theo tục lệ cổ truyền, nửa đêm người ta đứng dậy hò la. Ai trong năm cũ rủi ro thì la khóc tống tiễn, còn gặp may mắn thì reo hò vui mừng. Mờ sáng họ xuất hành, đến thăm hỏi, chúc mừng nhau và ôn lại kỷ niệm một năm qua.
Dịp Tết, người Kenya dựng cành thông trong nhà. Ai ở gần sông, đón năm mới bằng cách nhảy xuống nước tắm hoặc chơi chèo thuyền. Khách đến mừng Xuân được chủ mời những món ăn ngọt (phổ biến nhất là chuối nấu với mứt).
Người Madagascar đón Tết với một tục lệ: trong ngày đầu năm, các đôi vợ chồng đem đuôi gà tặng cha mẹ hai bên gia đình để bày tỏ lòng tôn kính; còn bạn bè tặng nhau chân gà thể hiện sự quan tâm và mối quan hệ tốt đẹp.
Phong tục ở các nước châu Mỹ
Đêm giao thừa, người Argentina đặt vào gầm giường ba củ khoai tây - trong đó có một củ gọt hết vỏ, một củ gọt một nửa và một củ chưa gọt.
Lúc giao thừa họ tỉnh dậy, nhắm mắt nhặt nhanh lấy một củ - vừa như lời chào đầu năm, vừa để đoán vận hạn của mình. Nếu vớ phải củ chưa gọt vỏ thì mọi chuyện trong năm sẽ tốt đẹp, củ gọt một nửa thì bình thường, củ gọt hết thì rủi ro và nguy hiểm.
Tại Cuba, lễ đón năm mới tổ chức ở cả trong nhà lẫn ngoài đường. Mọi người vui vẻ chuyện trò, múa hát bên các bàn bánh kẹo đầy ắp bày trước hiên nhà. Trẻ con đứng trên tầng cao té nước xuống đường để tẩy sạch những rủi ro năm cũ.
Lúc giao thừa mỗi người ăn 12 quả nho hoặc cứ 12 người uống chung một cốc rượu nho theo nhịp chuông đồng hồ (mỗi tiếng chuông kêu, một người kịp uống một ngụm rồi chuyền cốc cho người bên cạnh).
Tại miền Tây nước Mỹ, nhiều nơi vẫn duy trì quan niệm: đêm giao thừa, nếu người đàn ông nào ôm được một cô gái sẽ được may mắn trong năm mới. Còn tại miền Bắc nước Mỹ (vùng bán đảo Alaska), thổ dân Eskimo có tục lệ đến nhà nhau chúc mừng năm mới với món quà là hai con cá to./.
(TTXVN)