Chủ Nhật, 22/9/2024
Xã hội
Thứ Hai, 20/4/2015 23:19'(GMT+7)

Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tạo đàm (Ảnh: TA)

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tạo đàm (Ảnh: TA)

Ngày 20-4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Bộ Công thương, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức tọa đàm “Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập”.

Đến dự buổi tọa đàm có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Vũ Huy Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 31-12-2014 số làng nghề và làng có nghề ở nước ta là 5.096 làng nghề. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748 làng nghề, thu hút khoảng 10 triệu lao động (trong đó Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 286 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống). Nhiều làng nghề truyền thống ở nước ta đã tồn tại từ 500 đến 1.000 năm trước, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng,…

Ở các làng nghề thủ công truyền thống hiện nay thu hút một lượng lớn lao động tại địa phương và nhiều nơi khác tới trong đó giai đoạn 2004-2005 đã từng có lúc thu hút 13 triệu lao động cùng tham gia làm nghề, trong số đó có 35% là lao động thường xuyên còn lại là lao động thời vụ và nông nhàn, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho đông đảo cư dân nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề thường cao hơn lao động nông nghiệp từ 2 đến 3 lần vì thế không chỉ những già trẻ gái trai tham gia làm nghề mà ngay những em học sinh, sinh viên cũng tham gia làm nghề phụ giúp gia đình sau những giờ học. Làng nghề lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể, đồng thời góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh các mặt tích cực mà các làng nghề truyền thống mang lại thì tại buổi tọa đàm các đại biểu cũng chỉ rõ những mặt yếu kém của làng nghề nước ta còn tồn tại như: Nhiều làng nghề truyền thống có dấu hiệu bị mai một; Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của làng nghề còn thấp, chưa có tính cạnh tranh cao; thị trường chậm được mở rộng, chưa nghiên cứu sâu nhu cầu của người tiêu dùng; đối với thị trường trong nước, làng nghề cũng chưa vươn tới nhiều vùng; với thị trường nước ngoài thì việc tiếp thị còn kém; chưa gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên, phụ liệu, đến sản xuất và tiêu thụ; đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chưa được quan tâm bồi dưỡng, phát huy đúng mức; khoa học, công nghệ chưa được ứng dụng nhiều vào làng nghề; tình trạng ô nhiễm tại làng nghề vẫn chưa được xử lý có hiệu quả; việc liên kết giữa các cơ sở, giữa các làng nghề còn rất nhiều hạn chế…

 Làng lụa Vạn Phúc với nghề dệt lụa truyền thống từ lâu đời
được cả thế giới biết đến (Ảnh minh họa)

Xoay quanh việc giải quyết các vướng mắc còn tồn tại, nhiều đại biểu đã đưa ra kiến nghị nhằm tháo gỡ giúp cho các làng nghề phát triển hơn nữa theo kịp với nhu cầu của thị trường như: Để lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề, nên xem xét mở rộng chức năng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, các khu triển lãm, bảo tàng, nhà văn hóa hoặc cần trợ giúp một phần kinh phí để tập trung trưng bày sản phẩm, xây dựng các bảo tàng làng nghề; có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghề và làng nghề truyền thống phát triển bền vững như: Tiếp cận vốn tín dụng, giảm thiểu các thủ tục, tăng cường cho vay tín chấp, giảm lãi suất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhất là trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề; cần có chính sách khuyến khích các làng nghề đưa hàng về các vùng nông thôn, miền núi, mở rộng thị trường nội địa; các hội làng nghề địa phương nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, số nghệ nhân, khắc phục các tệ nạn gây phản cảm cho khách du lịch; thường xuyên đầu tư hiện đại hóa công nghệ, cải tiến đổi mới phương pháp sản xuất, trau dồi tay nghề cho người lao động; tập trung xử lý trước hết những cơ sở ô nhiễm nặng, tại những vùng rộng, những dòng sông liên quan nhiều địa phương. Đẩy mạnh du lịch làng nghề...

Buổi tọa đàm “Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập” đã kết thúc tốt đẹp song song với đó nhiều hướng đi mới đã được mở ra cho những người làm công tác quản lý nhằm giúp cho các làng nghề truyền thống ở nước ta phát triển bền vững./.

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất