Thứ Ba, 12/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 26/5/2010 21:4'(GMT+7)

Lạng Sơn phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu để bứt phá

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm cán bộ chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm cán bộ chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Ảnh: Chinhphu.vn

Mặc dù  gặp nhiều khó khăn, tỉnh miền núi biên giới Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh trong chuyến công tác tại Lạng Sơn ngày 26/5.

Với tốc độ tăng trưởng GDP 5 năm qua (10,45%) chưa đạt mục tiêu đề ra (11-12%) do tác động không nhỏ của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 820 USD, gấp khoảng 2 lần so với năm 2005. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 2-3%, từ mức 29% năm 2005 xuống 17,85% năm 2009.

Về cơ cấu kinh tế, nông nghiệp và dịch vụ cùng chiếm tỷ trọng lớn (mỗi ngành chiếm 39-40%), công nghiệp-xây dựng chiếm 21-22%.

Đáng chú ý, các ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân hàng năm 12,7%. Trong đó, kinh tế cửa khẩu đóng vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu trên địa bàn. Tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài trên 20km, có 2 cửa khẩu quốc tế, có 2 cửa khẩu quốc gia và 7 điểm chợ biên giới.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng trưởng bình quân trên 30%/năm, dự kiến năm 2010 đạt 1,45 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 413 triệu USD.

Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn còn chậm. Trên 80% dân cư của tỉnh sống bằng nghề nông. Các loại hình dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước trên đà thuận lợi, Lạng Sơn cần tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra năm 2010. “Tỉnh hoàn toàn có thể đạt và vượt kế hoạch 5 năm 2006-2010”, Thủ tướng bày tỏ niềm tin đối với Lạng Sơn.

Nỗ lực của tỉnh có thể mang lại kết quả khả quan nếu biết phát huy hơn nữa thế mạnh kinh tế cửa khẩu. “Phát triển cửa khẩu Lạng Sơn là mối quan tâm của cả nước”, Thủ tướng nói.

Tỉnh cần tạo bước tiến rõ rệt trong việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc ngày càng mở rộng, năm 2010, dự kiến kim ngạch thương mại hai nước đạt 25 tỷ USD. Từ khu kinh tế cửa khẩu này, có thể phát triển thêm các khu chế xuất, khu trung chuyển hàng hoá.

Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỉnh tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy thế mạnh của địa phương. Với trữ lượng đá vôi lớn, tỉnh có thể phát triển công nghiệp xi măng. Với lợi thế về đất rừng (chiếm 70% diện tích toàn tỉnh), cần nghiên cứu trồng loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Về nông nghiệp, chú trọng phát triển các nông sản thế mạnh của tỉnh như na, rau màu…

Xây dựng cửa khẩu Hữu nghị mang tầm quốc tế

Cùng ngày, Thủ tướng đã thăm cửa khẩu quốc tế Hữu nghị. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, trong những năm gần đây, lưu lượng người, phương tiện cơ giới, hàng hoá xuất nhập khẩu qua lại cửa khẩu đã tăng nhanh chóng và dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Trong khi hiện tại, cơ sở vật chất đã xuống cấp, quy mô cửa khẩu trở nên chật hẹp.

Trước thực trạng này, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị với mục tiêu xây dựng cửa khẩu mang tầm quốc tế, theo hướng văn minh, hiện đại. Theo quy hoạch, Cổng cửa khẩu Hữu nghị (Quốc môn), cùng với toà nhà quản lý xuất nhập cảnh là 2 công trình quan trọng tạo điểm nhấn trong Khu trung tâm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Tổng số vốn dự kiến cho quy hoạch khoảng 416 tỷ đồng.

Đánh giá cửa khẩu Hữu nghị có vai trò cửa ngõ giao thương quan trọng giữa nước ta cũng như ASEAN với Trung Quốc, Thủ tướng đồng ý chủ trương xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu nghị và lưu ý, quy hoạch xây dựng cửa khẩu phải phù hợp, tiêu biểu, thể hiện được văn hoá truyền thống.

Trước đó, tại tỉnh miền núi Lạng Sơn, Thủ tướng thăm dự án nhà máy xi măng Đồng Bành. Khi đi vào hoạt động (dự kiến là quý 3/2010), nhà máy có tổng vốn đầu tư 1.505 tỷ đồng này sẽ cung cấp cho thị trường 900.000 tấn xi măng/năm./.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất