Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 5/1/2017 13:37'(GMT+7)

Lạng Sơn: Tăng cường công tác phòng, chống buôn bán hàng cấm, hàng giả

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh chú trọng tuyên truyền các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu và gian lận thương mại đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng địa bàn, đơn vị; đồng thời đưa kết quả thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu vào tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, công nhận cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh hằng năm. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan, cổ động, các phương tiện truyền thông đại chúng, từ các lực lượng chống buôn lậu đến đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân, nhất là cư dân vùng biên giới, các doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh... về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu. 

Đồng thời gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước trong từng cơ quan, đơn vị. Qua tuyên truyền đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các tầng lớp nhân dân trong chấp hành pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Các ngành chức năng thường xuyên tổ chức sinh hoạt chính trị, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, nhất là trong các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống buôn lậu; thực hiện hiệu quả các phong trào trong từng lực lượng, như: “Công an nhân dân học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy”, “Rèn tác phong chính quy, luyện ứng xử văn hóa”, “Chung sức, đồng lòng, xây dựng Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. 

Các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; thường xuyên bám sát tình hình để đánh giá, đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu phù hợp với diễn biến của từng giai đoạn; thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình tại các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, điều hành, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sỹ thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu; thường xuyên nắm tình hình, đôn đốc các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm, đảm bảo kiểm soát tốt tình hình thị trường. Các cơ quan chức năng chống buôn lậu chủ động rà soát, đề xuất quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức; bố trí lực lượng phù hợp tại các địa bàn trong từng thời kỳ để đảm bảo đủ lực lượng chống buôn lậu, ngăn ngừa tiêu cực. Các lực lượng chức năng đã phối hợp với các tổ chức có liên quan tổ chức tập huấn với sự tham gia của trên một nghìn lượt cán bộ, công chức, chiến sĩ trực tiếp làm công tác phòng, chống buôn lậu về các nội dung, chuyên đề nâng cao kỹ năng xử lý vi phạm hành chính, kỹ năng nhận biết hàng giả, nhận biết hàng hóa là tiền chất ma túy, tiền Việt Nam giả.

Các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo, các huyện, thành phố và các lực lượng trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác phòng, chống buôn lậu, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn phụ trách; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và người tiêu dùng; phối hợp các lực lượng tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu; thực hiện các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, thu hút lao động vùng nông thôn, vùng cao, biên giới, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Các cấp, các ngành đã chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong 5 năm, đã có trên 920 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký khoảng hơn 4,5 nghìn tỷ đồng, hết năm 2015 toàn tỉnh có khoảng gần hai nghìn doanh nghiệp đăng ký với tổng nguồn vốn kinh doanh trên 10,3 nghìn tỷ đồng; các doanh nghiệp duy trì việc làm cho trên 29,6 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Tiếp tục củng cố, phát triển các hợp tác xã, đến nay có gần 200 hợp tác xã đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn điều lệ đăng ký trên 150 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 6,5 nghìn người. Công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại được chú trọng, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 112 dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng gần 5,5 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 29 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 225,1 triệu USD.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn tiếp tục được quan tâm và phát triển khá toàn diện, đời sống của nông dân có bước được cải thiện, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Tổng sản lượng lương thực bình quân đạt trên 300 nghìn tấn/năm, an ninh lương thực trên địa bàn bảo đảm; cơ cấu cây trồng, mùa vụ có sự chuyển dịch khá rõ nét, các vùng tập trung cây ăn quả, cây công nghiệp, cây đặc sản (thuốc lá, quýt, na, hồi, nhựa thông, thạch đen, rau màu...) tiếp tục phát triển, một số sản phẩm đã trở thành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, đem lại giá trị kinh tế khá cao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm tại chỗ cho nông dân.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; tổ chức bộ máy quản lý các cửa khẩu được thành lập, hoạt động hiệu quả, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại khu vực cửa khẩu; đến nay đã cơ bản hoàn thiện hệ thống quy hoạch các khu chức năng của Khu kinh tế cửa khẩu. Đã bố trí trên 4,55 nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương và của tỉnh để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu tại khu vực cửa khẩu và thành phố Lạng Sơn, trong đó gần 40 công trình quan trọng đã đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, đồng thời sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư của Trung ương, của tỉnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu. Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đang từng bước trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân.

Vai trò của các cơ quan chức năng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác triển khai, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu được phát huy tích cực. MTTQ tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo MTTQ cấp huyện và các tổ chức thành viên thực hiện việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên không tham gia tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đối với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tích cực thực hiện việc tăng cường công tác phòng, chống buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu và gian lận thương mại và Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Hội Nông dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết Chương trình phối hợp về việc giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020. Trong 2 năm 2015 và 2016 đã ban hành kế hoạch giám sát về thực hiện pháp luật trong quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp tại một số cơ sở kinh doanh, cơ quan quản lý trên địa bàn các huyện Cao Lộc, huyện Văn Quan và huyện Hữu Lũng nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, kiểm soát việc chấp hành pháp luật liên quan đến nhóm mặt hàng vật tư nông nghiệp, không để ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản./.

Nguyễn Đức Luận
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất